Ý kiến chuyên gia

bàn về cha mẹ ruột và cha mẹ nuôi dưỡng trong vụ nuôi nhầm con suốt 42 năm,

Trường hợp của chuyện trao nhầm con cách đây 42 năm - hay 29 năm cho trường hợp khác – những người trong cuộc có quyền đòi được biết sự thật. Nhưng chuyện này không có nghĩa là liên hệ huyết thống nặng hơn liên hệ xã hội.

Minh họa: Ngọc Diệp
Minh họa: Ngọc Diệp

Vai trò của gia đình theo huyết thống

Không ai chối cãi tầm quan trọng của gia đình theo huyết thống. Nhất là trong các xã hội cổ truyền. Liên hệ huyết thống giúp phân biệt người ruột thịt và người dưng, người trong gia đình và người lạ. Tổ chức dựa trên huyết thống quyết định sự nối dõi và quyền thừa kế. Nói nối dõi, ta nghĩ đến luật về nhân sự, đại gia đình, dòng họ. Chuyện thừa kế là nói về tài sản.

Cấu trúc của nhiều xã hội cổ truyền đa phần là dựa trên cấu trúc của liên hệ gia đình. Vì sự cần thiết của vấn đề nối dõi và các cách giải quyết liên hệ kinh tế. Có xã hội chấp nhận chế độ đa thê để tăng khả năng có người nối dõi. Ngày xưa ở Việt Nam ta cũng theo chế độ đa thê. Hiện một số gia đình vẫn chuộng có con trai để nối dõi, tiếp tục thờ cúng ông bà.

Gia đình theo huyết thống có ít nhất là hai điểm tích cực:

- Bảo đảm cho trẻ từ lúc chào đời được nuôi dưỡng trong một môi trường ...tự nhiên - tự nhiên ở đây có nghĩa là theo sinh học, không cần sự can thiệp của một thủ tục hay bàn tay dàn xếp của xã hội. Dân tình lại theo “khuynh hướng” tin rằng “một giọt máu đào hơn ao nước lã” nên con ruột sẽ được thương yêu hơn, chăm sóc tốt.

- Bảo vệ trật tự xã hội, sự bền vững của cấu trúc và sinh hoạt gia đình, đồng thời cấm loạn luân và tránh hôn nhân cận huyết. Khi hệ thống luật pháp không vững chắc thì dựa trên hiện trạng sinh học – huyết thống – là một giải pháp tiện lợi và hữu hiệu.

Nhưng gia đình không chỉ dựa trên huyết thống

- Có những bậc cha mẹ vô sinh. Tỉ lệ vô sinh hiện khá cao - ở phương Tây, 10% tới 15% các cặp đôi gặp khó khăn khi muốn có con

Để giải quyết các trường hợp vô sinh, các cặp đôi có thể tìm cách điều trị, nhờ thụ tinh trong ống nghiệm hay nhờ tinh trùng, trứng của người khác. Cho hai trường hợp cuối cùng, con cái không còn là con cái theo huyết thống.

- Một số gia đình khác, bị vô sinh thì xin con nuôi. Ngày xưa ở bên ta, khi chưa có hạn chế sinh đẻ, trong các đại gia đình khi có ai đó vô sinh thì nuôi một đứa cháu, cũng con họ hàng. Thông thường thì không có vấn đề.

- Ở trời Tây, xin con nuôi hiện là chọn lựa của một số trí thức: dân cư toàn cầu đã hơn bảy tỉ, có nhiều trẻ ở các nước nghèo, không được nuôi tử tế, họ quyết định không làm “chật” thêm quả đất và đón một hay nhiều em bé về nuôi. Vấn đề huyết thống nhưởng chỗ cho vấn đề nuôi dưỡng. Con là con mỉnh nuôi chứ không nhất thiết là con mình đẻ ra.

- Tỉ lệ li dị càng ngày càng cao (trên50 % các cặp, ở trời Âu). Những người li dị thường tái hôn. Và trong một gia đình như thế sẽ có, cùng lúc, con của chồng, con của vợ và con chung. Gia đình ở đây không còn dựa trên huyết thống mà sống với nhau vì liên hệ xã hội. Con là con nuôi dưỡng. Anh chị em là anh chị em cùng sống dưới một mái nhà.

- Ở khắp mọi nơi, trong chiến tranh, biết bao nhiêu trẻ mồ côi được cưu mang nuôi dạy bởi “người ngoài huyết thống”, và chúng vẫn thành người.

Luật dân sự ở Pháp và ở Bỉ, từ 1804 tới bây giờ định nghĩa rằng “đứa con có mẹ là người phụ nữ vửa đẻ ra cháu. Còn cha cháu là người chồng của người phụ nữ này”. Định nghĩa này dựa trên thực tiển: liên hệ mẹ - con rành rành không ai chối cải. Nhưng vào cái thời không có xét nghiệm ADN thì cách giản tiện nhất thiết lập phụ hệ là đặt tin tưởng cấu trúc vợ chồng. Tức là luật gián tiếp thừa nhận rằng liên hệ huyết thống giữa cha và con không cần – vì bà vợ có thể đã ngoại tình và sinh ra con!

Cha mẹ ruột hay cha mẹ nuôi dưỡng đều có vai trò xã hội hóa trẻ con

Xã hội hóa là tất cả những phương thức nhờ đó một cá nhân thành viên của một nhóm “học” cách sống với nhóm, những “luật” và “lệ” của nhóm để hòa mình vào cấu trúc và sinh hoạt của nhóm.

Trong bụng mẹ cho đến lúc chào đời, bào thai và bé sơ sinh chỉ là một ... thực thể sinh học. Từ từ, tiếp xúc với môi trường gia đình và xã hội, trẻ sẽ trở thành vừa là một thực thể sinh học vừa là một thành viên của xã hội.

Trong quá trình xã hội hóa trẻ con, gia đình đóng vai trò tối quan trọng – ở đây không phân biệt cha mẹ huyết thống hay cha mẹ nuôi dưỡng – Gia đình quan trọng vì bốn lý do chính sau đây:

- Gia đình là “thầy” xã hội hóa trẻ rất sớm, can thiệp từ khi trẻ vừa chào đời – có khi còn sớm hơn nữa (trong trường hợp thai huấn, dạy trẻ từ còn trong bụng mẹ, cho thai nhi quen với nhạc, thức ăn của mẹ, một số hình thức “đối thoại” bằng thoa bóp trên bụng, …). Can thiệp sớm nên kết quả in dấu sâu đậm vì trẻ còn như tờ giấy trắng – giới chuyên môn gọi quá trình này là xã hội hóa đầu tiên – những gì trẻ tiếp thu sau này ở trường, từ bạn bè hay từ các phương tiện thông tin, ...là xã hội hóa thứ nhì, hiệu quả ít hơn.

- Gia đình can thiệp trong suốt thời gian trẻ sống với cha mẹ, tức là trên dưới 20 năm. Nếp nhà in đậm vết là nhờ thế. Con nhà tông, không giống lông cũng giống cánh. Chữ tông ở đây có thể dẫn giải theo nghĩa “được giáo dục theo gia phong”. Gia phong ảnh hưởng một cách liên tục, kiểu “mưa dầm thấm lâu”.

- Trường học cũng “dạy” trẻ nhiều năm – nếu tính từ mẫu giáo đến đại học thì cũng tương đương tầm 20 năm - , nhưng trường học can thiệp trể hơn, khi căn bản của bản thể trẻ đã được bồi đấp và hình thành bởi gia đình.

- yếu tố tình cảm – con yêu cha mẹ và ngược lại – làm sâu đậm thêm kết quã của quá trình xã hội hóa con trẻ của gia đình.

Con cái giống cha mẹ là nhờ thế.

Pierre Bourdieu, một nhà xã hội học Pháp, nói rằng cha mẹ nuôi con và truyền cho con các vốn về văn hóa, xã hội, kinh tế và biểu tượng.

Michel Schiff, một tác giả khác, đã nghiên cứu thấy là con cái giống cha mẹ về thành công trong sự học và địa vị xã hội – dù là chúng là con ruột hay con nuôi.

.Đọc đến đây, có thể nhiều người nói rằng “Thế còn cái gen nữa – cha mẹ ruột còn truyền cho con gia tài di truyền”.

Đồng ý, cha mẹ ruột truyền cho con màu da, màu tóc, dáng dấp, ...nhưng hiện khoa học cũng đã chứng minh là trong đại đa số các trường hợp, não bộ của trẻ phát triển được là nhờ môi trường. Thật vậy, tiềm năng của hầu hết mọi trẻ – nghĩa là chỉ trừ một thiểu số có bệnh lý – tiềm năng của mọi trẻ là vô biên, những tiềm năng “ngủ”, môi trường có “đánh thức” thì tiềm năng ấy mới thành hiện thực. Một cách ngắn gọn : trẻ mà kém thông minh không vì chúng ngu lúc chào đời mà phải xem những ngưởi có trách nhiệm nuôi dạy chúng thế nào.

Vấn đề này đã được bàn ở đây:

http://dantri.com.vn/ban-doc/ngay-xuan-man-dam-ve-su-thong-minh-va-chi-so-iq-1296575220.htm

Nghĩa là bản thể của trẻ, trong đó có thông minh, đa phần là “sản phẫm” của môi trường, của gia đình nơi trẻ lớn lên.

Tạm kết luận

Xã hội Việt Nam thời xưa xem quan hệ huyết thống quan trọng.

Trong dân tình, ta vẫn nói

“Mấy đời bánh đúc có xương

Mấy đời dì ghẻ lại thương con chồng”

Nhưng thời thế có đổi thay, trở về trường hợp của chuyện trao nhầm con cách đây 42 năm - hay 29 năm cho trường hợp khác – những người trong cuộc có quyền đòi được biết sự thật. Nhưng chuyện này không có nghĩa là liên hệ huyết thống nặng hơn liên hệ xã hội.

Nguyễn Huỳnh Mai