Bàn tròn về bệnh "ngâm” và thuốc "bôi trơn"

(Dân trí) - Một trong những chủ đề được “bình” nhiều nhất tuần qua là chuyện thư của Bí thư Hà Nội cũng bị “ngâm” tới... 30 ngày. Với giới chức chắc chỉ là sự cố ngoài ý muốn, nhưng nếu là với người dân thì đa phần cho rằng cái thiếu ở đây là sự “bôi trơn”.

(minh họa: Ngọc Diệp)
(minh họa: Ngọc Diệp)

Đi chậm, xử nhanh

Sự việc này lại một lần nữa có thể coi như 1 minh chứng thuyết phục cho đánh giá chung chưa mấy khả quan của cư dân với hiệu quả cải cách hành chính của Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung. Nhất là những thủ tục liên quan tới đời sống dân sinh, vẫn thường bị dân kêu ca, phàn nàn rằng: cán bộ hưởng lương từ tiền dân đóng thuế, mà làm việc vẫn lấy cái sự “hành dân là chính” làm đầu???

Cũng đã có những nơi được dân khen dù rất ít, nhưng những nụ cười và sự nhẹ nhõm mà người dân có được mỗi khi phải... vượt ải thủ tục cũng đã là “niềm vui sao đến bất ngờ” rồi:

“Thực ra không phải ở đâu cũng vậy. Tôi đã đi làm sổ đỏ ở quận Hoàng Mai, họ trả tôi sổ đúng ngày quy định, không chậm và cũng không bị  phiền nhiễu gì hết và cũng không mất đồng nào để được nhận sổ đỏ” – Trịnh Thị Ngân: nganSCTHN@yahoo.com

Đó chỉ là với số ít, còn số đông thì đúng là được lời như cởi tấm lòng, sự việc này cũng là dịp để dân tỏ bày bao kinh nghiệm cũng là những nỗi niềm lâu nay vẫn  phải ngậm bồ hòn làm ngọt (!?)

“Vì sao bị chậm ư? Theo tôi là vì bác Nghị không "bôi trơn" nên bị ngâm là đúng rồi. Làm việc với cơ quan hành chính của VN là như thế mà. Bác Nghị có vẻ hơi... "lạc hậu" nhỉ?” - Vu Hoang Minh: vuhoangminh72@yahoo.com

“Chuyện nhỏ, vì có những văn bản như nghị định, thông tư ... mấy năm sau mới về đến cơ sở kia mà. Vấn đề bây giờ là có dám loại bỏ những công chức, viên chức có tinh thần và thái độ làm việc theo kiểu “tôi chưa ra thì làng chửa được ngồi" không thôi? Hay là lại họp để giáo dục,  góp ý, rút kinh nghiệm ... để sau này làm  việc được tốt hơn?” – Thanh Bình: huonglanDX@gmail.com

“HN làm việc như vậy mà không quan liêu, trì trệ sao? Vậy mà cứ động đến thành tích là tốt cả: không có chạy công chức, không có vấn đề gì trong thực hiện NQTW4, toàn HN đã góp ý xong dự thảo Hiến pháp trước thời hạn... Phải xem lại toàn bộ một cách nghiêm túc thôi, không thì xấu mặt dân Thủ đô lắm!” – Trần Bình:  tranb@gmail.com

“Thư đi chậm thì càng cần phải xử lý nhanh!” - Nguyen Mau Thuong:  nguyemauthuong@gmail.com
(minh họa, nguồn: VNN)
(minh họa, nguồn: VNN)

Bắt bệnh, bốc thuốc

Có lẽ cũng là để nhấn mạnh thêm cho cái kiến nghị về việc để chậm trễ công việc thì cần bị xử lý nhanh, Nguyễn Văn Dũng  nhonuitruc_2@yahoo.com có bài bình khá hay về cái Được, cái Mất trong những “chuyện nhỏ” mà hậu quả lớn:

“Đúng ra tôi không có ý định bày tỏ ý của mình, nhưng thấy cái việc “ngâm” này có lẽ cũng làm cho bác Nghị... vỡ nhẽ nên có đôi lời “chia sầu”. Theo tôi, có lẽ là một vài ông quan chắp bút của HN là những tay cao thủ. Có lẽ họ biết một vài vị quan đầu tỉnh không ‘thông tỏ’ HN lắm nên họ chẳng thấy ngán chăng? Thảng như người HN mà thoát cái nạn kẹt xe thì ai được, ai mất? Tất nhiên người dân tham gia giao thông họ được là cái chắc, nên cần phải “xáo” cho nó rối để vơ vén...Thảng như xe buýt mà không ‘hành’ khách thì ai mất, ai được? Chắc chắn người đi xe buýt được sướng rồi (lái xe buýt mà thất nghiệp liệu có bao nhiêu người được các doanh nghiệp vận tải hành khách tư nhân nhận vào làm?) Và nếu họ vẫn cứ bám vào tay lái... kém với trách nhiệm kém thì người đi xe  buýt cứ là phải khổ....
Những cái chuyện như vừa nêu và cả nào quán xá, bãi đỗ xe chiếm vỉa hè, nào lùa rác trong nhà ra vỉa hè …xem ra còn “xương” hơn vụ việc cái thư kia nhiều lắm. Nên nói ra và bình luận chắc cũng chỉ để... cho vui, chứ hy vọng trong một tương lai gần mọi chuyện tốt lên thì...  hãy đợi đấy!!! Thưa bác Nghị , bác Thảo! Cần phải bức bối, phải quyết tâm như ông Thanh (Đà Nẵng), ông Sự (Hội An) thì mấy tay “chắp bút ” kia mới ngán, dân mới được nhờ”.

Nick Meosayqua meosayqua@yahoo.com  liên hệ sự việc với thực tế:

“Qua chuyện xảy ra với thư của ông Bí thư HN, tôi nghĩ có lẽ Phòng TM và CN VN (VCCI) hết chỗ xếp hạng rồi, nên để HN mình đứng thứ bét là phải thôi. Một ví dụ đơn giản là nếu thu nhập của ông đã phải đóng thuế TNCN, thì ông cứ thử đi ra làm trách nhiệm công dân là quyết toán thuế TNCN cho mình thôi, ông sẽ hiểu cán bộ công chức của ông làm việc thế nào. Ngay kể cả cái đánh giá "qua đợt điều tra, khảo sát dư luận xã hội trong tháng 6/2012 cho thấy đa số cán bộ công chức nắm vững chuyên môn, tuy nhiên về thái độ phục vụ, mức độ nhiệt tình thì cũng vừa phải" theo tôi cũng chưa đúng đâu. Mà đơn giản nhất là thể hiện qua trình độ tin học của nhiều người trong số họ đó”.

Và rất nhiều bạn đọc sẵn sàng vào vai bác sĩ phòng khám chẩn trị căn bệnh “ngâm” và thứ gọi là thuốc "bôi trơn" (mà thật ra vẫn có tên chung từ lâu “hành là chính") này:

 “Biết bệnh, bắt được bệnh rồi nhưng không có thuốc chữa. Em này là con ông A, cô kia cháu bà B, cậu nọ là bà con bên vợ của anh C....Có lẽ cũng chính vì những mối "liên hệ" như thế nên nhiều khi việc "dân cần nhưng quan chưa vội", và cũng vì những mối quan hệ xã hội như thế nên họ có bình chân như  vại vì chắc rằng "chẳng ai kỷ luật mình dâu?!" ... Cứ thế vòng quay tiếp diễn.  Lúc này tôi thấy chúng ta cũng đã chỉ được bệnh ra khá nhiều, nhưng chữa chắc còn phải xem lại. Chỉ sợ năm 2013 HN sẽ còn tiếp tục bị tụt xếp hạng từ 51 xuống 60?” - Nguyễn Minh: mira6829@gmail.com

“Thưa bác Nghị! Bệnh thì chắc ai cũng đã rõ, nhưng có lẽ đến bây giờ bác mới nói ra thôi. Vậy thì vấn đề ở đây là chữa bằng cách nào và khi nào thì hết bệnh này cho dân được nhờ? Phải nói rằng tuy thủ tục hành chính của chúng ta đã đỡ hơn rất nhiều so với trước đây, nhưng còn nhiều bất cập và còn nhiều nhiêu khê lắm. Nên dân đến làm việc tại các cơ quan hành chính (vẫn bị hành là chính) đều có một tâm trạng chung là ngao ngán (đây cũng là điểm mấu chốt khiến mất lòng tin của nhân dân vào cung cách làm việc của các cơ quan công quyền). Nói chính quyền là của nhân dân, được nhân dân bầu ra và làm việc vì dân, vậy mà lại vẫn hành dân là chính thì còn gì để mà nói nữa? Mong rằng các bác tỏ rõ sự  có Tâm, có Tầm và có Tài qua từng công việc cụ thể, để cho xã hội ngày một văn minh hơn, cuộc sống của dân đỡ khổ hơn” - Pha:  giathanhcop@yahoo.com.vn

Thêm một căn bệnh nữa được nêu danh trong tác phong làm việc của một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức VN ư? Không đâu, bệnh có từ lâu và dân cũng đã "thấm" lắm rồi. Thuốc cũng đã có, vấn đề lại vẫn chỉ  là... các bác sĩ “xịn” có muốn chữa trị căn bệnh đó cho dân đỡ khổ hay không.

Kiều Anh