Bạn đọc bàn về tăng lương hay không tăng lương?
(Dân trí) - Hy vọng sẽ có nhiều cao kiến cho việc tìm nguồn chi lương thường xuyên
Việc tiếp tục lùi lộ trình tăng lương công chức năm 2016, đã trở thành vấn đề nóng trên diễn đàn Quốc hội và trong dân. Nhiều bạn đọc gửi phản hồi về báo Dân trí tham gia bình luận về chuyện này
Ủng hộ:
Bạn đọcLê Thị Kính Thikinhoangia@yahoo.com: “Quan điểm "giữ tiền lương cơ sở như hiện nay cùng với việc thực hiện các biện pháp kiềm chế tăng giá" của Bác Bùi Sỹ Lợi là quá đúng. Đối tượng thụ hưởng khi tăng lương là công chức viên chức. Còn người lao động thì việc tăng hay giảm lương phụ thuộc vào chính họ và/hoặc doanh nghiệp mà họ làm việc. Không có chuyện "Tăng lương" là thu nhập của người lao động cũng tăng theo, mà việc "Tăng lương" sẽ khiến giá cả tăng theo - đồng nghĩa với giá trị tiền lương hưu, tiền trợ cấp, tiền tích cóp... sẽ giảm đi. DN cũng có quyền lựa chọn người lao động và người lao động có quyền lựa chọn công việc. Nhưng phần đông người lao động không có mấy quyền lựa chọn công việc vì cái "nồi cơm hàng ngày" không thể để "vơi."
Phản dối:
Bạn đọc Lopketoan Caohoc : “Ông Lợi nói sai rồi , mấy năm nay tiền lương tối thiếu khu vực doanh nghiệp tăng như vậy đến nay lương tối thiểu khu vực 1 là 2.700.000 đồng, dự kiến còn tăng nữa trong khi viên chức, công chức có mức lương cơ sở 1.150.000 đ, ông bảo không tăng mà cố gắng thực hiện các biện pháp kiềm chế tăng giá sẽ có lợi hơn cho người làm công ăn lương, như vậy ông thấy có khập khiễng không? cùng một thị trường giá mà bên tăng,bên không tăng, ông nghiên cứu lại rồi hãy cho ý kiến.”
Lo lắng
Bạn đọc Ngô Thu Anh ngothuanh77@gmail.com : “Nếu không tăng lương thì sẽ đời sống khó khăn, thủ trưởng cơ quan phải lách, tìm cách nọ, lách việc kia ra tiền để trợ cấp cho cán bộ nhân viên nhân dịp 1/5 ngày Quốc tế lao động, 2/9 ngày Quốc Khánh, tết dương lịch, tế âm lịch mỗi người dăm trăm ngàn đến một triệu. Tiền ấy lấy ở đâu ra,, ở ngân sách, chi vào khoản tiếp khách, hội họp, sửa chữa nhỏ..... Vì thế tình trạng chi sai nguyên tắc tài chính cứ triền miên, tùy tiện. Những cách chi kiểu như thế là những lý do tạo ra nạn tham nhũng. Nếu không tăng lương chỉ khổ người hưu, họ không lách vào đâu được. Mong nên nhớ cho dân rằng, vì lương thấp, đời sống khó khăn, công chức sẽ tìm cách, để kiếm tiền bằng mọi giá, từ những công việc mà họ đang làm.... Muốn chống lại dịch tham nhũng " bẩn" tham nhũng "vặt" chỉ có một cách là tăng lương cho cán bộ công chức đủ chi dùng trong đời sống của họ. Còn những người có công và hưu trí, họ phải chịu, còn công chức họ không chịu đâu, ngân sách đang bị thủng do nạn tham nhũng lặt vặt tủn mủn trong các cơ quan gây ra vì đời sống của công chức quá thấp đấy ạ.”
Trăn trở:
Bạn đọc thaognguyenxanh canhchimcodon12023@gmail.com : “Không hiểu sao ko tăng lương sẽ có lợi nhỉ? Công chức nhà nước thì chỉ trông vào lương mà sống, bộ máy quá cồng kềnh, phức tạp mà lại chả có gì hiệu quả. Phòng làm việc của tôi có 8 người mà có 1 trưởng phòng, 2 phó phòng suốt ngày đi cafe, tiếp khách, chả làm việc gì cả. Ở đâu cũng thế thì lấy tiền đâu mà tăng lương cho công nhân viên chức?”
Bạn đọc Bình Minh nguyenvimo@gmail.com: “Không có nguồn để tăng lương vậy ai, cơ quan nào xây dựng ra Nghị định về lộ trình tăng lương, khi xây dựng lộ trình tăng lương họ đã lấy nguồn ở đâu? Tại sao không xử lý cơ quan tham mưu ban hành Văn bản này trước để bây giờ Văn bản đang có hiệu lực lại không thể thi hành. Tại sao lại không có nguồn kinh phí để tăng lương. Nếu do bộ máy cồng kềnh thì tại sao không xử lý Bộ Nội vụ (cơ quan tham mưu cho Chính phủ về tổ chức bộ máy). Nếu không có nguồn không thu được ngân sách, Bộ Tài chính đã tìm nhiều biện pháp để đảm bảo nguồn thu rồi sao lại không có nguồn kinh phí. Nhiều loại thuế, phí không thu được thì đã được bổ sung bằng nhiều nguồn khác. Ví dụ: Thuế tài nguyên, môi trường tăng lên rất nhiều, phí xăng dầu tăng rất nhiều, giá điện nước tăng rất nhiều, thuế tiêu thụ đặc biệt của xe ô tô, mặt hàng rượu bia… những loại thuế, phí này tăng để bù đắp cho các loại thuế, phí bị mất đi. Vậy đừng nói là không có nguồn. Việc bộ máy Nhà nước cồng kềnh không phải lỗi của người làm công ăn lương, họ không phải chịu trách nhiệm về việc bộ máy cồng kềnh đó, vậy tại sao bắt họ phải chịu lỗi do người khác, cơ quan khác gây lên.”
Bạn đọc Tran Huu Trung trungth@hpu.edu.vn: “Tăng lương cho ai, giám sát chất lượng thế nào, tinh giản biên chế ra sao. Câu nào cũng nói là khó lắm, chưa làm được nên chưa tăng lương. Đại biểu nhân dân nên có cách thức giải quyết, chứ toàn nói khó khăn thế này thì không ổn”
Bạn đọc Hoang Van On hoangon60@gmail.com: “Nhấn mạnh, không thể so sánh lương cơ sở với lương tối thiểu của khối doanh nghiệp (vì bản chất lương tối thiểu chính là mức sống tối thiểu của người lao động còn lương cơ sở đối với khu vực nhà nước là mức để tính lương theo hệ số cụ thể) nhưng Phó Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội cũng xác nhận, nếu lấy mức lương cơ sở hiện nay là 1.150.000 đồng/tháng nhân với hệ số áp dụng với cử nhân đại học là 2,34 cũng chỉ được gần 2,7 triệu đồng – tương đương với mức lương tối thiểu ở vùng 1 của khu vực sản xuất kinh doanh (3,1 triệu đồng). Với mức lương này, so sánh với người lao động phổ thông với người có trình độ đại học mới ra trường thì không công bằng, chưa nói rất nhiều người như tôi đã hết bậc lương của ĐH 10 năm rồi, thêm 11% pc vượt khung, tổng thu nhập chỉ bằng 1 sinh viên vừa mới ra trường đi làm ở công ty, rõ ràng cuộc sống của cán bộ công chức rất khó khăn.”
Bạn đọc Lê Thị Kính Thikinhoangia@yahoo.com: “Sao chả thấy đại biểu nào đưa ra giải pháp để tinh giảm biên chế đội quân "cắp ô" để tăng lương nhỉ ?? Phải hơn thế, nhưng cứ cho rằng số "cắp ô" là 30% và số ngồi "cắn cán bút" là 15%, cộng lại là 45%. Như vậy nếu giảm đi 20% ( vẫn còn 'báo cô" 25% ) thì Ngân sách sẽ có nguồn để tăng 16% lương rồi, lại còn dư ra 4% nữa ấy chứ. Hầu như trong doanh nghiệp, cùng một công việc giống hệt nhau, lương 10 triệu cũng có và 4 triệu cũng có ( người chính và người phụ)- chẳng ai phàn nàn, "ăn đấu làm khoán" rồi mà. Còn với các công việc "bàn giấy" khác, thì chính sách tăng lương chẳng có tác dụng gì đối với doanh nghiệp (trừ người mới vào nghề) - Mức lương được giữ "ổn định" dài dài nếu doanh nghiệp làm ăn không phát đạt.”
Và kiến nghị giải pháp:
Bạn đọc hoang lap: “Mỗi năm giảm biên chế 10% thì tăng được năng suất lao động và tăng lương. Tôi nghĩ đội ngũ công chức của chúng ta giờ mà giảm 50% bộ máy vẫn làm được vì thời gian của một bộ phận công chức rãnh quá nhiều !”
Bạn đọc Ma Li: “Theo tôi có thể cắt giảm chi tiêu công ở một số nội dung sau: 1) Cắt chi phí đi nước ngoài thăm quan, du lịch dưới hình thức học tập, trao đổi kinh nghiệm. 2) Các lễ hội có tính chất địa phương cần quy hoạch cụ thể ( Không chi bằng ngân sách nhà nước, chỉ tổ chức mức độ vừa phải, tăng cường công tác xã hội hóa cho việc chi các lễ hội địa phương, vùng miền) 3) Không tổ chức lễ kỷ niệm các ngày thành lập cơ quan, ngành,....đối với các năm lẻ, chỉ tổ chức lễ kỷ niệm với chu kỳ 10 năm một lần. (Sau 5 năm nhiều đơn vị cũng chưa có nhiều thành tích, hay nhiều sự thay đổi so với kỳ kỉ niệm trước đó.) 4) Tuyệt đối không tiến hành chia cắt nhỏ địa giới hành chính từ xã - huyện - tỉnh. (Đây là nguyên nhân chính dẫn tới việc tăng biên chế công chức Nhà nước). Tăng cường giáo dục, đào tạo nhân lực, nâng cao hiệu quả các hoạt động hỗ trợ công. 5) Phát huy tốt hiệu quả sử dụng các công trình tài sản công, tránh lãng phí, (Ví dụ: một cơ quan chỉ cần 02 máy photo sử dụng chung là đủ, hiện cơ quan tôi đang có 10 máy nhưng chỉ sử dụng thường xuyên 02 máy); Giám sát chặt chẽ việc đầu tư công, thẩm định tốt giá trị tài sản khi mua, trang bị cho hệ thống hành chính (hiện nay giá trị thật của các tài sản công khi được trang bị phải đắt gấp 3 lần giá trị thật trên thị trường). Hy vọng sẽ có nhiều cao kiến cho việc tìm nguồn chi lương thường xuyên!”
Nguyễn Đoàn (tổng hợp)