Bạn đọc viết:

Bài toán khó thu phí đường cao tốc: Hoặc tăng mức hoặc kéo dài thời gian

(Dân trí) - Nếu tăng mức thu quá cao thì người tham gia giao thông sẽ không dám đi vào đường đó, như vậy sẽ càng khó thu hồi vốn. Còn nếu hạ mức thu thì cũng rất lâu mới thu hồi được vốn 9.000 tỷ đồng. Đây là một bài toán rất phức tạp, các bạn ạ.

Chính thức thu phí đường bộ cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Binh từ ngày 6/7
Chính thức thu phí đường bộ cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Binh từ ngày 6/7

 

 Nguyên tắc của dự án BOT là tự tính toán thu hồi vốn. Nhưng nên biết rằng ở Việt Nam, cái chỉ số ICOR (nói chung cho tất cả các hạng mục đầu tư, mà điển hình là đầu tư cho hạ tầng giao thông) là rất cao. Cũng có nghĩa là hoặc phải tăng mức thu, hoặc phải kéo dài thời gian thu hồi.

 

Nhưng nếu tăng mức thu quá cao so với thị trường và thời giá, thì người tham gia giao thông sẽ không dám đi vào đường đó, như vậy càng khó thu hồi, kiểu như bán giá cao quá chẳng ai mua. Ngoài ra còn các hệ lụy là kìm hãm giao thông, kìm hãm sản xuất kinh doanh. Bạn tưởng tượng làm đường ra mà chẳng ai đi thì như thế nào?

 

Còn nếu hạ mức thu thì cũng rất lâu mới thu hồi được vốn 9.000 tỷ đồng. Ví dụ như chỉ thu được 1-200 triệu 1 ngày, 1 năm được trên 70 tỷ thì phải trên 100 năm mới thu hồi được vốn (chưa trừ bất kể 1 chi phí nào như chi phí quản lý hàng năm, chi phí duy tu bảo dưỡng, lãi vay ngân hàng…). Như vậy các bạn mới thấy được nó… bế tắc đến như thế nào.

 

Các chuyên gia kinh tế cho biết rằng: BOT là một phương án để giải quyết vấn nạn hạ tầng cho giao thông, nhưng chỉ nên cổ súy nó trong trường hợp bất đắc dĩ, và cũng không nên trông chờ, kỳ vọng quá nhiều vào cách làm này vì gần như biết kết quả: khó thu hồi vốn theo dự kiến. Và như vậy khả năng vỡ nợ của chủ đầu tư là khá cao.

 

Theo tôi, cũng không nên phát triển nhiều dự án BOT kiểu này (trong khi ta biết chắc nó sẽ sụp đổ). Cách tốt hơn với nước nghèo như ta, tôi nghĩ là:

 

+ Thứ nhất phải tằn tiện, chắt bóp sao cho ngân sách có đủ tiền để đầu tư vào những hạng mục thực sự cần thiết  (tiết kiệm, chống lãng phí nha), khắc phục dần dần, đầu tư có trọng điểm. Nhà nước cần xác định là vai trò chính yếu trong đầu tư công trình giao thông.

 

+ Thứ hai là cải cách các thủ tục đầu tư sao cho công trình nhanh chóng đưa vào sử dụng để nhanh thu hồi vốn. Chứ cứ cái kiểu dự toán 5.000 tỷ, thi công hàng chục năm, đến khi xong thì vốn đã tăng lên gấp 2-3 lần thì cỡ nào thu hồi vốn cho được.

 

Tất cả những tính toán phải nằm trong cân đối chung, có tính căn cơ. Tất cả những giải pháp như tăng giá vé, tăng thu phí (kiểu như phí lưu hành, phí chống ùn tắc) lên quá cao, tôi thấy đều là các giải pháp dẫn đến những bế tắc chồng lên nhau, không thể gỡ ra được.

 

Vinh Nguyễn 

email:  vinhbtc2000@yahoo.com