Bài học “xe chính chủ”

Câu chuyện phạt người sử dụng xe không chính chủ có thể tạm khép lại sau khi lãnh đạo Văn phòng Chính phủ thông báo việc Chính phủ yêu cầu các cơ quan liên quan tạm dừng áp dụng quy định xử phạt, chờ thông tư hướng dẫn.

Đúng là việc sang tên đổi chủ mỗi khi phương tiện đi lại được người này chuyển nhượng cho người kia đã được luật đòi hỏi từ lâu, như một nghĩa vụ của các bên liên quan, đặc biệt là của người nhận chuyển nhượng. Cũng có thể đã có sự hiểu nhầm, hiểu sai về bản chất, ý nghĩa của quy định xử phạt, dẫn đến cách ứng xử không thích hợp xuất hiện ở các vị trí chuyên môn trong quá trình tác nghiệp khiến xã hội, người dân bức xúc.

Xe trong tình trạng không chính chủ ở Việt Nam rất nhiều. Không ít trong số đó thậm chí không thể “chính chủ hóa” được nữa theo cách bình thường, nghĩa là theo thủ tục do pháp luật quy định, bởi sau nhiều lần sang nhượng, người ta chẳng còn biết chủ đứng tên trên sổ đăng bộ chính thức là ai, ở đâu.
Tình trạng này khiến nhà chức trách bị đặt trước 2 bài toán hóc búa: Thứ nhất, phải làm thế nào truy thu thuế trước bạ chưa nộp sau những lần chuyển nhượng mà chưa sang tên. Thứ hai, làm thế nào xác định người phải chịu trách nhiệm trong trường hợp người sử dụng xe không phải chính chủ thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.
Thực ra, bài toán thứ hai khó giải phần lớn vì chính nhà chức trách tự tạo ra khó khăn cho mình, từ việc đặt ra quy định truy tầm cho bằng được tung tích chủ sở hữu có đăng ký, để buộc người này chịu trách nhiệm mỗi khi chiếc xe do người này đứng tên có liên quan đến một vụ phạm pháp.
Ở các nước, người ta quy trách nhiệm cho chủ xe có tên đăng ký, bởi hệ thống quản lý chặt chẽ cho phép thực hiện việc truy tầm đến nơi đến chốn mà không mất quá nhiều công sức, thời gian, chi phí. Còn ở nước ta, trong điều kiện việc truy tầm khó khăn mà không thể khắc phục trong ngày một ngày hai thì tốt nhất là sửa luật để cho phép quy trách nhiệm chính cho người trực tiếp sử dụng, quản lý phương tiện.
Bởi điều quan trọng nhất đối với người bị thiệt hại, cả đối với nhà chức trách và xã hội, khi xảy ra một vụ phạm pháp là phải xác định cho được người phải chịu trách nhiệm, theo lẽ phải, chứ không phải xác định cho được ai là chủ phương tiện được sử dụng trong vụ phạm pháp.           

Riêng bài toán thứ nhất khó có thể do nhiều nguyên nhân. Nhưng có một nguyên nhân mà cả nhà quản lý cũng thừa nhận, là thủ tục sang tên rườm rà, phức tạp và mức thu phí trước bạ cao khiến người ta ngán ngại. Việc khắc phục khó khăn ấy nằm trong tầm tay của nhà chức trách, cũng bằng cách sửa luật.

Không thể phủ nhận là không ở đâu, trừ ở Việt Nam, sử dụng xe đã được chuyển nhượng mà không sang tên đổi chủ lại bị coi là một hành vi vi phạm trong lĩnh vực quản lý giao thông công cộng. Bản thân việc thiếu vắng tiền lệ, kinh nghiệm của thế giới có thể không ngăn cản người ta lựa chọn cái mới.
 
Có điều, trước khi làm việc đó, cần cân nhắc thận trọng về tính hợp lý và khả thi, nhất là khả năng của cuộc sống đáp ứng những đòi hỏi của nó. Yêu cầu này càng đặc biệt quan trọng khi cái được lựa chọn là một giải pháp mang ý nghĩa chính sách, luật pháp bởi trong trường hợp này, tác động của sự lựa chọn về mặt xã hội, kinh tế thường sẽ rất to lớn.
 
Có thể coi câu chuyện xe không chính chủ vừa qua là bài học về quan hệ giữa luật và cuộc sống.
 
Theo PGS-TS Nguyễn Ngọc Điện
Người Lao Động