Ý kiến một nhà giáo về clip “nữ sinh đánh nhau với phụ huynh”:
Bài học lớn nhất là về sự kiềm chế
(Dân trí) - Một câu chuyện đã khép lại. Mỗi người sẽ rút ra được bài học cho mình. Nhưng với tôi - một nhà sư phạm - thì bài học lớn nhất là về sự kiềm chế nên có ở tất cả mọi lúc, mọi nơi. Hãy nhìn nhận sự việc theo nguyên lý “tảng băng trôi”…
Gần đây, do công nghệ thông tin phát triển, nhiều học sinh đã tự quay clip rồi tung lên mạng như một “mốt sành điệu”. Có những em còn tổ chức đánh nhau với bạn rồi quay clip cho “oai” mà không hề nghĩ đến hậu quả đằng sau của nó. Câu chuyện sau đây là bài học lớn không những với học trò mà ngay cả phụ huynh các em.
Ngày 24/2 vừa qua, cư dân mạng lại xôn xao bởi 1 clip dài đến gần 2 phút được tung lên một số trang mạng xã hội. Nội dung clip đó quay cảnh một người lớn mặc áo xanh dang tay tát một cô bé mặc áo đỏ khoảng chừng 15-16 tuổi ngay giữa ban ngày tại khu vực chợ, trong tiếng hò reo của khá đông các bạn cùng trang lứa với em. Ngay lập tức, clip này được phát tán và nhận được nhiều comment ở dưới.
Sự thật vụ việc đúng như Dân trí đã nêu trong bài viết: “Trường đã xử lý “nữ sinh đánh nhau với phụ huynh” trước khi clip lên mạng”. Điều tôi muốn đề cập thêm là về cách ứng xử mà tôi cho rằng rất phù hợp của các thầy cô giáo cùng ban Giám hiệu hai nhà trường THCS Đường Lâm (Sơn Tây - Hà Nội) và THCS Cam Thượng (Ba Vì - Hà Nội).
Theo tôi được biết, ngay sau khi xảy ra vụ việc, học sinh đã báo với nhà trường. Cô giáo Phan Thị Hiền (Hiệu trưởng THCS Cam Thượng) cùng công an đến can thiệp. Lúc này đám đông đã giải tán. Sau khi hỏi rõ ngọn ngành, cô Hiền liền gọi điện thông báo ngay cho thầy Nguyễn Bác Ái là Hiệu trưởng THCS Đường Lâm về vụ việc. Hai thầy cô đều thống nhất biện pháp giáo dục học sinh trường mình. Quan điểm giáo dục là không đuổi học, nhưng yêu cầu phụ huynh hai bên ký cam kết vào bản kiểm điểm và tiếp tục theo dõi con mình.
Sáng thứ 7 (22/2/2014) cả hai trường đều mời phụ huynh học sinh ra làm việc cùng cô giáo chủ nhiệm và ban giám hiệu. Hai học sinh D và T viết bản tường trình sự việc trước sự chứng kiến của phụ huynh, cô giáo chủ nhiệm và Ban Giám hiệu. Phụ huynh đều ký cam kết với nhà trường. Vụ việc đến đây hầu như đã được giải quyết ổn thỏa.
Thật bất ngờ, chiều thứ hai (24/2/2014), trên một số trang mạng xã hội xuất hiện clip trên với những hàng “tít” rất giật gân…và được lan truyền rất nhanh…
Qua vụ việc thật ra rất đơn giản này, tôi thấy có đôi điều cần rút ra:
+ Thứ nhất: Nếu hai em T và D có những hành xử đẹp, nữ tính hơn, không cãi nhau giữa đường giữa chợ thì sẽ không dẫn đến sự hiểu lầm của mẹ em T.
+ Thứ hai: bà N (mẹ em T) chắc cũng rất hối hận vì chỉ một phút không làm chủ được bản thân, chưa nghe “ra ngô ra khoai” thế nào đã vội vàng bênh con, xông vào tát đứa trẻ chỉ bằng con mình ngay giữa chợ.
+ Thứ ba: Số học sinh đứng bên ngoài reo hò cổ vũ rồi quay clip tung lên mạng chắc chắn sẽ phải suy nghĩ vì trò đùa dại dột của mình mà làm mệt mỏi thầy cô, báo chí, công an cũng như nhiều cơ quan chức năng khác.
+ Thứ tư: Rất mong các trang báo mạng cũng cần nghiêm túc xem lại cách đưa tin, tránh kiểu giật gân câu khách…Cũng rất đang hoan nghênh cách làm việc nghiêm túc của các phóng viên báo chí đã lên gặp trực tiếp người có trách nhiệm trong cuộc để tìm hiểu sự việc và đưa tin kịp thời, chính xác.
+ Thứ năm: Bài học sư phạm vẫn còn nguyên giá trị về cách xử sự kịp thời, nhân văn của hai thầy cô hiệu trưởng THCS Cam Thượng và Đường Lâm. Đó là bài học giá trị về phương pháp sư phạm, nhất là trong thời gian gần đây đạo đức thầy trò đôi khi bị sao nhãng (mà trường hợp một thầy giáo trẻ ở Bình Định tát học sinh mới xảy ra cách đây ít hôm, là một ví dụ).
Một câu chuyện đã khép lại. Mỗi người sẽ rút ra được bài học cho mình. Nhưng với tôi - một nhà sư phạm - thì bài học lớn nhất là về sự kiềm chế nên có ở tất cả mọi lúc, mọi nơi. Hãy xử lý nhìn nhận sự việc theo nguyên lý “tảng băng trôi”: Phần chúng ta nhìn thấy thường chỉ là 3, phần sự thật chìm ở dưới sẽ là 7 – như vậy cần tiếp tục tìm hiểu 7 phần chìm ấy để thấy được bản chất sự việc. Trong khi tìm hiểu thêm, bản thân ta sẽ kiềm chế bớt cơn nóng giận, tránh được hậu quả do “cả giận mất khôn”
Là một nhà quản lý, một nhà sư phạm, tôi nghĩ: Trong mọi sự việc, nếu ta bình tĩnh một chút, chuyện sẽ trở nên đơn giản, dễ giải quyết. Cốt sao cho tình người vẫn đọng lại mãi sau mỗi hành xử của chúng ta. Còn các bạn nghĩ sao?
Nhà giáo Diễm Nguyệt