Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực - ý chí, cách làm và hiệu quả

Bài 4: Báo chí - người chiến sĩ xung kích (Tiếp theo và hết)

Công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đang được sự đồng thuận, vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Với sứ mệnh và trách nhiệm xã hội cao cả, báo chí luôn là người chiến sĩ xung kích, không chỉ phát hiện, phản ánh mà còn góp phần thực hiện chức năng phản biện, giám sát xã hội, để ngọn lửa công lý luôn rực cháy, đẩy lùi tham nhũng và tiêu cực…

Chủ trương của Đảng và việc luật hóa “vũ khí sắc bén”

Trong Thư gửi anh em trí thức Nam Bộ năm 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá cao vai trò của báo chí: "Ngòi bút của các bạn cũng là những vũ khí sắc bén trong sự nghiệp phò chính trừ tà". Trong giai đoạn mới hiện nay, điều này càng được khẳng định. Văn kiện Đại hội XII của Đảng nêu rõ: “Phát huy vai trò của các cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân, các phương tiện thông tin đại chúng và của nhân dân trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí”. Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII của Đảng một lần nữa khẳng định: “Phát huy vai trò, nêu cao trách nhiệm của các cơ quan báo chí, cơ quan chủ quản báo chí trong công tác đấu tranh phòng, chống suy thoái, quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

Điều 9 Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) 2005 quy định: “Cơ quan báo chí có trách nhiệm tham gia vào việc PCTN; hợp tác với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong PCTN; khi đưa tin phải bảo đảm chính xác, trung thực, khách quan và phải chịu trách nhiệm về nội dung của thông tin đã đưa”.

Tuy nhiên, trước đòi hỏi của thực tiễn hiện nay, dự thảo Luật PCTN (bổ sung, sửa đổi) đã và đang được Quốc hội thảo luận, cho ý kiến bổ sung hàng loạt vấn đề về trách nhiệm của báo chí trong PCTN. Theo quy định tại Điều 92 của dự thảo luật: Cơ quan báo chí, nhà báo có trách nhiệm phát hiện, đưa tin phản ánh về vụ việc tham nhũng và hoạt động PCTN một cách khách quan, trung thực. Cơ quan báo chí, nhà báo có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến hành vi tham nhũng. Cơ quan, tổ chức, cá nhân được yêu cầu có trách nhiệm cung cấp thông tin, tài liệu đó theo quy định của pháp luật; trường hợp không cung cấp thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do…


Ảnh minh họa: congly.vn.

Ảnh minh họa: congly.vn.

Sự dấn thân, cống hiến được tôn vinh

Tại một hội thảo về vai trò của báo chí trong PCTN gần đây, Trung tướng Trần Văn Độ, nguyên Phó chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao, nguyên Chánh án Tòa án Quân sự Trung ương cho biết, dù hoạt động báo chí trong phát hiện, phản ánh tiêu cực, tham nhũng, lãng phí không có chế tài, nhưng “về mặt xã hội lại có tác động rất lớn… Nhiều vụ án, nhất là các vụ án tham nhũng, kinh tế lớn được phát hiện, khởi tố từ nguồn tin của báo chí. Nhiều vụ án oan sai được báo chí đề cập, nhiều vụ án được báo chí phát hiện có bất cập trong xử lý đã giúp cơ quan có thẩm quyền có biện pháp sửa chữa kịp thời. Báo chí có sức mạnh mềm tạo ra sức ép dư luận rất hiệu quả đối với cả xã hội và các cơ quan pháp luật. Sức mạnh ấy, như nhà văn James Russell Lowell ở thế kỷ 19 đã nói: "Áp lực của công luận, như áp suất không khí này. Nó vô hình, nhưng cho mỗi centimet vuông của cơ thể là áp lực một vài cân trọng lượng”.

Nhìn lại một số vụ việc gần đây được báo chí phản ánh có thể thấy rất rõ điều đó. Sự kiện liên quan đến quán cà phê Xin Chào ở huyện Bình Chánh (TP Hồ Chí Minh) tưởng như là một sự việc nhỏ bé nhưng sau khi được báo chí phản ánh, Thủ tướng Chính phủ đã trực tiếp chỉ đạo, các cơ quan bảo vệ pháp luật vào cuộc và công bằng đã được mang lại, lộ ra hàng loạt sai phạm của các cơ quan công quyền. Tháng 6-2016 cũng là thời điểm ghi một dấu ấn bước ngoặt của cuộc chiến chống tham nhũng khi một số cơ quan báo chí đăng tải sự việc Trịnh Xuân Thanh đi xe sang biển xanh trái phép. Ngày 9-6-2016, Văn phòng Trung ương Đảng ban hành công văn thông báo ý kiến của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu kiểm tra sự việc “coi đây là việc cần làm ngay”. Chỉ đạo này cùng các hành động quyết liệt của Đảng, Nhà nước ta sau đó đã giúp cuộc chiến chống tham nhũng dần trở thành xu hướng không thể đảo ngược, không ai có thể đứng ngoài cuộc hiện nay. Từ câu chuyện chiếc xe biển xanh trái luật đã lộ ra hàng loạt sai phạm, rút dây động rừng hàng loạt vấn đề, sự việc, hàng loạt cá nhân và tổ chức khác.

Theo thống kê, trong hai năm qua, số vụ án lớn đưa ra xử lý, số cán bộ trung cao cấp nhiều gấp ba lần so với 20 năm; số tiền thu lại nhiều gấp 40 lần so với trong 20 năm. Sau khi báo chí vào cuộc, hiệu quả xã hội không chỉ là tiền của tham nhũng được thu về mà báo chí đã góp phần cải tạo hiện thực. Sau vụ án Mai Văn Dâu, những lỗ hổng về xuất nhập khẩu đã được xử lý, ngành công thương dần có nhiều đổi mới cải cách hành chính mạnh mẽ. Sau vụ PMU 18, tình trạng buông lỏng, tiêu tiền Nhà nước vô tội vạ ở các ban quản lý dự án dạng PMU được chấn chỉnh. Sau vụ Trịnh Xuân Thanh, không chỉ hàng loạt vấn đề về đấu thầu, đầu tư được siết chặt mà ngay trong công tác tổ chức cán bộ, Ban Tổ chức Trung ương đã kịp thời rút kinh nghiệm, đề ra “quy trình 5 bước” chặt chẽ hơn thay cho “quy trình 3 bước” trong công tác cán bộ…

Đáng chú ý, báo chí với thiên chức cao cả của mình không chỉ phát hiện những vụ án lớn, mà còn quan tâm tới cả những số phận con người. Chuyện những người tù thế kỷ được minh oan hay chuyện cháu bé bị dâm ô và án tù treo cho kẻ phạm tội bị hủy sau khi báo chí vào cuộc là những dẫn chứng cho thấy điều đó. Những kết quả này đã làm sáng rõ bản chất báo chí cách mạng, như V.I.Lênin từng nói, chính quyền Xô viết không chỉ làm những việc đại sự thay cũ đổi mới, mà còn phải quan tâm đến số phận cụ thể của từng con người. Báo chí đã khôi phục niềm tin ở Đảng, ở kỷ cương phép nước, mang lại hạnh phúc và hy vọng, tương lai cho người dân.

Nhiều năm nay, Giải Báo chí quốc gia, Giải Búa liềm vàng và gần đây nhất là giải thưởng toàn quốc “Báo chí với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí”, số lượng tác phẩm PCTN, tiêu cực được trao giải luôn chiếm tỷ lệ lớn; nhiều nhà báo dấn thân, cống hiến trong lĩnh vực này được tôn vinh.

Cần được tiếp sức để vượt qua rào cản

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta nhiều lần nhấn mạnh: Tính công khai chính là "thanh bảo kiếm" để chữa lành những vết thương. Công tác thông tin tuyên truyền có vai trò rất quan trọng, đóng góp rất lớn vào cuộc đấu tranh PCTN. Nhưng để báo chí có được thông tin và làm tốt chức năng giám sát, phản biện xã hội không phải là điều dễ dàng. Làm sao để những vấn đề báo chí nêu lên không rơi vào im lặng, không rơi vào quên lãng. Bài học từ phát biểu của nhà bác học Albert Einstein khi ông hô hào nhân dân thế giới chống bom nguyên tử hủy diệt với câu nói nổi tiếng: "Tai họa không từ kẻ xấu mà từ những người im lặng" vẫn còn nguyên giá trị.

Tại cuộc Hội thảo “Báo chí với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí” do Báo Nhân Dân, Hội Nhà báo Việt Nam và Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức gần đây cho thấy, theo thống kê chưa đầy đủ, mỗi tháng có gần 500 bài báo phản ánh về tham nhũng, tiêu cực nhưng số bài báo có phản hồi xử lý, giải quyết còn hạn chế. Cũng tại hội thảo này, nhiều cơ quan báo chí đã nêu thực tế, còn nhiều rào cản khiến ít nhà báo dám dấn thân vào lĩnh vực điều tra chống tham nhũng do phải đối mặt với nhiều rủi ro, nguy hiểm; khó tiếp cận với các nguồn thông tin vì không ít cá nhân, tổ chức, đơn vị có sai phạm tìm mọi cách cản trở, bưng bít thông tin. Mặc dù đã có quy định của pháp luật về phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí nhưng rất nhiều đơn vị vẫn cố tình không thực hiện. Nguy hiểm, rủi ro lớn nhưng cơ chế bảo vệ nhà báo lại thiếu chặt chẽ. Ôn cố để tri tân, mới đây, có nhà báo chia sẻ thông tin sau 10 năm phải gánh chịu những hậu quả nặng nề từ việc phản ánh vụ án PMU 18 đã gợi ra nhiều bài học đáng suy nghĩ về hoàn thiện và thực thi hành lang pháp lý đối với nhà báo PCTN, tiêu cực. Theo ông Phạm Văn Hòa, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp: “Cơ quan có trách nhiệm cần vào cuộc bảo vệ những nhà báo trung thực, khách quan mạnh dạn dấn thân đưa lên mặt báo những tiêu cực là hết sức cần thiết trong tình hình hiện nay, để báo chí đóng góp hiệu quả hơn nữa trong PCTN, loại trừ những cán bộ không xứng đáng”.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng trong một hội nghị giao ban báo chí gần đây cũng trăn trở làm sao để “những vấn đề báo chí nêu được các cơ quan quản lý nhà nước tiếp thu, lắng nghe, giải quyết và phản hồi; những vấn đề báo chí nêu mà chưa làm được, chưa có kết quả thì cũng thông tin lại cho báo chí”.

Giữ vững liêm chính, hun đúc bản lĩnh và sức mạnh ngòi bút

Báo chí đấu tranh PCTN cũng cần phải nêu cao trách nhiệm xã hội và giữ vững sự liêm chính của chính mình. Nhà báo Hữu Thọ từng thẳng thắn nêu quan điểm: "Người ta hay nói về "quyền lực thứ tư" của báo chí. Tôi không thích thú với khái niệm này vì tôi nghĩ là không chính xác, đồng thời dễ gây ảo tưởng với những người làm báo". Báo chí khi PCTN, tiêu cực phải luôn gắn với trách nhiệm xã hội và động cơ xây dựng; phản ánh kịp thời cả những mặt tốt, những điều tốt đẹp cần cổ vũ nhân rộng và cả những tiêu cực, thói hư tật xấu phải đấu tranh, đẩy lùi. Cần tránh khuynh hướng thương mại hóa, chạy theo những nội dung tiêu cực, câu khách. Đây cũng là điều Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng ghi nhận và nhắc nhở: Báo chí “định hướng để giúp người đọc, người xem, người nghe hiểu rõ cái đúng, cái sai, qua đó giúp mọi người biết bảo vệ lẽ phải, bảo vệ cái đúng, làm theo cái tốt, cái đẹp, biết ghét thói hư tật xấu và hướng tới những giá trị nhân văn cao cả, vì cuộc sống bình yên, tốt đẹp của mọi người, mọi nhà và cả xã hội”.

Thời gian gần đây, dư luận xã hội cũng từng phản ánh hiện một số ít nhà báo có những hành vi thiếu trong sáng, lợi dụng quyền lực thông tin gây sức ép cho doanh nghiệp và các đơn vị để trục lợi; một số tờ báo, trang tin xa rời tôn chỉ mục đích, sa đà “đánh đấm”… Một nhà báo lão thành đã cảnh báo trong cuốn sách viết cách đây nhiều năm về nạn “đánh thuê, đánh “hội đồng”; thậm chí tham gia đường dây chạy, kể cả chạy chức, chạy quyền… Những cảnh báo ấy rất đáng suy nghĩ trong bối cảnh báo chí cần được quy hoạch lại hiện nay. Vào dịp kỷ niệm 93 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam vừa qua, cùng với việc biểu dương những thành tích của báo chí, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã thẳng thắn phê bình: “…Có trường hợp còn chạy theo yếu tố thương mại, lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân, đưa tin một chiều, giật gân, câu khách, gây bức xúc xã hội… Cá biệt có những nhà báo, cơ quan báo chí còn vi phạm đạo đức nghề nghiệp làm báo, vi phạm pháp luật; thậm chí có nhà báo đã bị xử lý hình sự”.

Báo chí PCTN, lãng phí là một lĩnh vực đặc thù, đầy khó khăn, thử thách. Vì thế, ngoài trách nhiệm, bản lĩnh, nhà báo cần phải có kỹ năng, kiến thức chuyên sâu cần thiết. Trong cuốn sách “Nhà báo điều tra” xuất bản mới đây, nhà báo Đức Hiển, Phó tổng biên tập Báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh, một phóng viên điều tra là cử nhân luật và có nhiều trải nghiệm, dấn thân trong nghề đã đúc kết, nhà báo điều tra, cơ quan báo chí làm điều tra hơn ai hết phải hiểu biết pháp luật và phải thực thi đúng pháp luật. Đồng thời, để nhà báo có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ, họ còn cần được sự giúp đỡ, bảo vệ của các cơ quan chủ quản; sự phối hợp cung cấp thông tin, xử lý thông tin của các cơ quan chức năng, cơ quan pháp luật. Hoạt động báo chí điều tra của nhà báo thường đơn tuyến nhưng nhà báo, cơ quan báo chí vẫn rất cần có được sự ủng hộ, giúp đỡ của xã hội, của cộng đồng. Phải có hành lang pháp lý hiệu quả để tạo thuận lợi và bảo vệ nhà báo đấu tranh PCTN, tiêu cực; thực thi nghiêm túc các quy định của Luật Báo chí, Luật PCTN, Luật Thanh tra, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo… Đồng thời, cần tích cực khen thưởng xứng đáng nhà báo đấu tranh PCTN, tiêu cực; thậm chí có khen thưởng lớn về vật chất theo quy định của pháp luật đối với nhà báo, cơ quan báo chí có thành tích phát hiện, thu hồi tài sản tham nhũng. Bên cạnh đó, cần quan tâm hơn nữa đến công tác đào tạo, bồi dưỡng nhà báo tham gia đấu tranh PCTN, tiêu cực từ trong các nhà trường có đào tạo chuyên ngành báo chí đến tập huấn, bồi dưỡng, tham khảo kinh nghiệm quốc tế; xây dựng được đội ngũ chiến sĩ cầm bút xung kích và sắc bén trên trận tuyến PCTN, tiêu cực.

Quan điểm của Đảng ta là chống tham nhũng nhưng phải giữ được sự ổn định, phát triển; không để kẻ xấu lợi dụng để công kích, chống phá chế độ. Báo chí đấu tranh PCTN, tiêu cực rất dễ bị lợi dụng. Cần lưu ý bài học trước khi Liên Xô sụp đổ. Ngày 28-12-1987, bài xã luận trên Báo Sự thật cho biết: Liên Xô khi đó có hơn 30.000 tổ chức đoàn thể và các tổ chức này có những tờ báo ngang nhiên tuyên truyền chống cộng, hô hào kích động khiến các cuộc bãi công nổ ra khắp nơi, khoét sâu mâu thuẫn xã hội. Cũng nên nhớ bài học năm 2010, vụ tự thiêu của một người bán hàng rong ở Tunisia vì phẫn uất trước viên cảnh sát tham ô vặt đã được báo chí và mạng xã hội “kích hoạt” trở thành cuộc cách mạng đường phố, lật đổ chính quyền, được gọi là “cách mạng hoa nhài”, khiến biết bao triệu người bị trả giá bằng tính mạng, chiến tranh và nghèo đói…

Thực tế đó nhắc nhở và đòi hỏi báo chí cách mạng phải luôn giữ được ngọn lửa cách mạng, sự tỉnh táo, bản lĩnh và niềm tin từ ngòi bút, từ trái tim mỗi nhà báo. Báo chí đấu tranh PCTN, tiêu cực không chỉ bao hàm đấu tranh với giặc “nội xâm” mà qua đó cần khẳng định thành tựu của cuộc chiến này dưới sự lãnh đạo của Đảng, làm thất bại những âm mưu, thủ đoạn xuyên tạc, lợi dụng chính thông tin chống tham nhũng để chống phá Đảng, Nhà nước. Đấu tranh PCTN, tiêu cực xét cho cùng cũng là nhằm vun đắp cây đời, dựng xây cuộc sống, hướng tới những điều tốt đẹp cho xã hội, cho Tổ quốc và nhân dân.

Theo Công Minh, Nguyễn Minh, Hồng Hải, Tấn Tuân

Báo Quân đội nhân dân