Bài 2: Những cách làm có hiệu quả rõ rệt

Quyết tâm chính trị của Đảng, Nhà nước ta rất cao, nhân dân rất ủng hộ công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Nhưng tại sao “tham nhũng, lãng phí vẫn còn nghiêm trọng, với những biểu hiện tinh vi, phức tạp, xảy ra trên nhiều lĩnh vực, nhiều cấp, nhiều ngành”? Đó là câu hỏi có tính lịch sử! Thực tiễn những năm vừa qua, nhất là từ khi thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đã từng bước cho chúng ta những câu trả lời

Cấp ủy Đảng trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo

Dấu ấn lớn nhất trong công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN), tiêu cực những năm vừa qua là việc thành lập Ban chỉ đạo (BCĐ) Trung ương về PCTN do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm Trưởng ban. BCĐ Trung ương về PCTN có chức năng chỉ đạo, phối hợp, kiểm tra, đôn đốc công tác PCTN trên phạm vi cả nước. Từ ngày ra đời cho đến nay mới hơn 5 năm, nhưng mỗi kỳ họp, mỗi lần kiểm tra của BCĐ Trung ương về PCTN đều cho thấy hiệu lực, hiệu quả rõ nét. Không ít quyết định của BCĐ Trung ương về PCTN khiến dư luận nức lòng, nhân dân phấn khởi vì đã “gãi đúng chỗ ngứa”, “đánh trúng huyệt tham nhũng”.

Việc chuyển BCĐ Trung ương về PCTN trực thuộc Bộ Chính trị, do Tổng Bí thư làm Trưởng ban đã tạo cơ sở, niềm tin trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về tính khách quan trong hoạt động. Hơn nữa, ngay từ khi ra đời, hoạt động của BCĐ Trung ương về PCTN đã bảo đảm tính độc lập tương đối về tổ chức và hoạt động của các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp; trong đó độc lập về tổ chức và hoạt động với các cơ quan hành pháp là đặc điểm cơ bản của mô hình này. Việc thành lập BCĐ Trung ương về PCTN trực thuộc Bộ Chính trị cũng khẳng định Đảng đã nhận thức được tầm quan trọng đặc biệt, vấn đề sống còn của Đảng cầm quyền là PCTN nên đặt công tác này dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng.


Ảnh minh họa: Internet.

Ảnh minh họa: Internet.

Những năm qua, hàng chục vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp được tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ, mở rộng điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh theo đúng quy định của pháp luật, áp dụng mức án đủ nghiêm đã có tác dụng răn đe, giáo dục, phòng ngừa chung được dư luận xã hội đồng tình, ủng hộ. BCĐ Trung ương về PCTN đã thể hiện rõ vai trò trung tâm trong chỉ đạo, phối hợp, kiểm tra, đôn đốc công tác PCTN trên phạm vi cả nước, góp phần nâng cao hiệu quả công tác PCTN, được nhân dân ghi nhận, đánh giá cao.

Ở các địa phương, Trung ương quy định không tổ chức BCĐ về PCTN mà quy định cấp ủy địa phương phải trực tiếp lãnh đạo công tác PCTN. Tại hội nghị toàn quốc về công tác PCTN ngày 5-5-2014, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh phải “đề cao trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, tính tiên phong, gương mẫu của tổ chức đảng và đảng viên trong công tác phòng, chống tham nhũng”. Cuộc đấu tranh PCTN là cuộc đấu tranh ngay trong mỗi cơ quan, tổ chức, đơn vị; đấu tranh ngay trong bản thân mỗi con người. Quyết tâm chính trị của cấp ủy là sự cam kết tuyên chiến với tham nhũng, phải được thể hiện bằng những hành động cụ thể và được công khai để nhân dân biết, nhân dân giúp sức và giám sát. PCTN không chỉ bằng lời nói, bằng nghị quyết mà phải bằng việc làm hết sức cụ thể, thiết thực, hiệu quả, nhìn thấy được trong cuộc sống. Thực tế những năm qua cho thấy, ở đâu cấp ủy trực tiếp lãnh đạo, người đứng đầu gương mẫu thì ở đó công tác PCTN, tiêu cực có sự chuyển biến rõ nét.

Hiệu lực từ kiểm tra, thanh tra

Công tác kiểm tra, thanh tra có vị trí, vai trò vô cùng quan trọng trong PCTN. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Kiểm soát khéo, bao nhiêu khuyết điểm lòi ra hết, hơn nữa kiểm tra khéo về sau khuyết điểm nhất định bớt đi". Nhưng trong nhiều vụ án tham nhũng trước đây cho thấy, công tác kiểm tra, thanh tra rơi vào hình thức và bị vô hiệu hóa. Ví như vụ tiêu cực dẫn đến đổ vỡ Vinashin, trước đó đã 11 lần thanh tra nhưng không phát hiện được sai phạm. Hay như tâm sự của ông Đinh La Thăng khi làm việc với Ủy ban Kiểm tra Trung ương: “Giá mà các đồng chí kiểm tra, phát hiện sớm thì vụ việc không gây hậu quả nặng nề đến vậy”.

Những chuyển biến, tiến bộ của công tác PCTN, tiêu cực kể từ sau Hội nghị Trung ương 4, khóa XI đến nay đã khẳng định, kiểm tra, thanh tra sẽ là “thanh bảo kiếm” diệt trừ tham nhũng một cách hiệu lực, hiệu quả nếu công tác này được tiến hành một cách thực chất, đúng nguyên tắc. Đồng chí Vũ Quốc Hùng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã nhận xét: “Tôi có thể khẳng định Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa XII đã xử lý khối lượng công việc khổng lồ. Trong hai năm (2016-2017), ủy ban đã tiến hành 20 kỳ họp để đưa ra những kết luận xác đáng, tâm phục khẩu phục. Qua kết quả đó, tôi thấy rất trân trọng lao động của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, của Chủ nhiệm Ủy ban là ông Trần Quốc Vượng. Ủy ban thực sự đang hoạt động theo phương châm "nói ít, làm nhiều", thận trọng, chắc chắn, không vội vàng”.

Theo báo cáo của Chính phủ về công tác PCTN năm 2017, trong năm, toàn ngành thanh tra đã triển khai 5.065 cuộc thanh tra hành chính và hơn 190.000 cuộc thanh tra chuyên ngành, đã phát hiện vi phạm hơn 34.000 tỷ đồng, hơn 5.800ha đất; kiến nghị thu hồi hơn 19.500 tỷ đồng, hơn 5.000ha đất xuất toán và loại khỏi giá trị quyết toán do chưa thực hiện đúng quy định và đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét xử lý hơn 14.000 tỷ đồng, 729ha đất; kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính hơn 1.500 tập thể và nhiều cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự 83 vụ, 176 đối tượng… Qua công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, ngành thanh tra đã phát hiện 76 vụ, 141 đối tượng có hành vi tham nhũng và liên quan đến tham nhũng. Đặc biệt, tòa án nhân dân các cấp đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 300 vụ với 706 bị cáo; đã xét xử sơ thẩm 145 vụ, 328 bị cáo về các tội danh tham nhũng, trong đó tỷ lệ tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng chiếm 50% (tăng 2,3% so với cùng kỳ năm 2016)...

Tăng cường hiệu lực thanh tra, kiểm tra là cách làm thu được hiệu quả rõ nét trong PCTN. Hiện nay, theo nhận định chung của dư luận, công cuộc PCTN đang có tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”, “trên vội vã, dưới thư thả”. Hay như trong phát biểu kết luận cuộc họp Thường trực BCĐ Trung ương về PCTN ngày 25-11-2017, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng, qua kiểm tra cho thấy cấp dưới chuyển chưa mạnh bằng cấp trên… Như vậy, “thanh bảo kiếm” đã được cơ quan chức năng các cấp ở Trung ương sử dụng thành thạo và có hiệu quả, còn ở cấp dưới, “thanh bảo kiếm” vẫn chưa phát huy được tác dụng như mong muốn.

Tăng cường sức mạnh các cơ quan phòng, chống tham nhũng

Theo Thượng tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an: Công tác điều tra, xử lý tội phạm tham nhũng năm 2017 đã có những chuyển biến tích cực, dưới sự chỉ đạo của BCĐ Trung ương về PCTN, Bộ Công an đã chỉ đạo chủ động làm tốt công tác nắm tình hình, thu thập thông tin về hoạt động của tội phạm tham nhũng để khởi tố, điều tra (khởi tố mới tăng 47 vụ, 90 bị can so với cùng kỳ năm 2016). Cơ quan điều tra trong công an nhân dân đã khẩn trương đẩy nhanh tiến độ điều tra, xác minh các vụ án, vụ việc về tham nhũng; tập trung thu hồi, kê biên nhiều tài sản, áp dụng các biện pháp quản lý, giám sát không để đối tượng bỏ trốn, tẩu tán tài sản. Đồng thời qua công tác điều tra đã rút ra được những sơ hở, thiếu sót trong quản lý kinh tế để kiến nghị Đảng, Chính phủ, các bộ, ngành chấn chỉnh, khắc phục, không để các đối tượng lợi dụng hoạt động phạm tội…

Thành tích PCTN của ngành công an gắn liền với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước; nhất là việc toàn ngành đang triển khai thực hiện Đề án “Kiện toàn tổ chức bộ máy Bộ Công an tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”. Từ những thành tích riêng của ngành công an, có thể thấy rõ yêu cầu của việc tăng cường sức mạnh của các cơ quan PCTN. Nếu nói về “cơ quan phòng, chống tham nhũng” thì sẽ bao gồm tất cả cơ quan thuộc hệ thống chính trị. Tuy nhiên, điều cần chú trọng hiện nay là phải tăng cường sức mạnh cho những cơ quan chịu trách nhiệm chủ yếu. Đó là các cơ quan được văn kiện của Đảng và pháp luật của Nhà nước quy định thực hiện những nhiệm vụ cụ thể, thể hiện vai trò quan trọng và chủ yếu của nó trong thực hiện các giải pháp phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng, coi đó như một trọng tâm trong hoạt động của mình. Cụ thể ở đây gồm: BCĐ Trung ương về PCTN; Ủy ban Kiểm tra Trung ương và hệ thống ủy ban kiểm tra của các cấp ủy Đảng cấp dưới; Ban Nội chính Trung ương và các ban nội chính cấp dưới; Thanh tra Nhà nước; Kiểm toán Nhà nước; các đơn vị điều tra tội phạm tham nhũng trong lực lượng công an; các đơn vị thực hiện quyền công tố và kiểm sát điều tra án tham nhũng trong ngành kiểm sát...

Tăng cường sức mạnh các cơ quan PCTN trước hết phải chú trọng sức mạnh nguồn nhân lực. Thời gian qua, việc một số cán bộ cấp cao trong cơ quan chuyên trách chống tội phạm vi phạm pháp luật, bị khởi tố, bắt giam đã ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu lực, hiệu quả của lực lượng này. Công tác đấu tranh PCTN vốn phải thường xuyên đối mặt với thử thách, con người dễ sa ngã nếu không có bản lĩnh, lập trường vững vàng và phẩm chất nghề nghiệp trong sáng. Vì vậy, các cơ quan chuyên trách PCTN cần rà soát và kiến nghị cấp có thẩm quyền điều chỉnh kịp thời những quy định chưa phù hợp hoặc có sơ hở, giải quyết vướng mắc trong quá trình hoạt động nhằm thực hiện chống tham nhũng ngay trong các cơ quan chống tham nhũng. Bố trí cán bộ có phẩm chất, đạo đức tốt, trong sạch, liêm khiết, có dũng khí và bản lĩnh đương đầu với thử thách. Đồng thời, khi có tiêu cực trong bộ máy chống tham nhũng phải kiên quyết xử nghiêm, công khai, minh bạch, không có vùng cấm để củng cố, giữ gìn niềm tin của nhân dân.

Theo các chuyên gia PCTN, việc tăng cường sức mạnh cho các cơ quan nói trên đồng thời xây dựng cơ chế giám sát có hiệu quả nhằm ngăn chặn sự lạm quyền sẽ là giải pháp có tính quyết định trong cuộc chiến chống tham nhũng đang vào hồi quyết liệt hiện nay. Trong đó, cần đặc biệt chú trọng đến việc quy định cụ thể hơn về nhiệm vụ và tăng thẩm quyền, trách nhiệm của ủy ban kiểm tra Đảng các cấp. Sửa đổi, bổ sung pháp luật về thanh tra, kiểm tra theo hướng tăng tính độc lập, thẩm quyền, trách nhiệm của thanh tra Nhà nước, kiểm toán Nhà nước trong việc phát hiện, xử lý, kiến nghị xử lý tham nhũng, lãng phí; quy định trách nhiệm của các cơ quan thanh tra Nhà nước, kiểm toán Nhà nước trong việc chuyển hồ sơ vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan điều tra và trách nhiệm của cơ quan điều tra trong việc thông báo kết quả điều tra, xử lý những vụ việc đó.

Bên cạnh đó, cũng cần có cách làm mới với việc nghiên cứu, đề xuất mô hình cơ quan, đơn vị chuyên trách chống tham nhũng; xây dựng cơ quan điều tra tội phạm tham nhũng độc lập với cơ quan hành pháp đồng thời với việc có cơ chế kiểm soát sự lạm quyền của cơ quan này. Vừa qua, trên diễn đàn Quốc hội, nhiều đại biểu Quốc hội cũng đã kiến nghị thành lập cơ quan điều tra độc lập để điều tra các tội phạm về tham nhũng. Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng cũng khuyến nghị các quốc gia thành viên thành lập các cơ quan chuyên trách, bảo đảm sự độc lập cần thiết để thực hiện nhiệm vụ chống tham nhũng có hiệu quả. Ngoài ra, thực tiễn PCTN những năm qua cũng đòi hỏi chúng ta phải tiến hành đồng thời cả trong khu vực công và khu vực tư. Hiện nay, do nguồn lực hạn chế, các cơ quan chức năng chưa mở rộng công tác PCTN ra khu vực ngoài Nhà nước. Đây là mô hình, cách làm cần được thúc đẩy mạnh mẽ trong thời gian tới.

Huy động sức mạnh xã hội và báo chí

Công cuộc PCTN, tiêu cực không thể thành công nếu không huy động sức mạnh từ cộng đồng xã hội, nhất là từ các cơ quan báo chí. Những năm qua, giải thưởng “Báo chí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng” do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức đã có đóng góp tích cực vào việc nhân lên sức mạnh cộng đồng, sự vào cuộc của mỗi công dân và nhất là sự vào cuộc của các cơ quan báo chí. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh tại phiên họp lần thứ 12 BCĐ Trung ương về PCTN: "Đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực không phải lẻ mẻ từng vụ, từng việc mà bây giờ đã thành phong trào, thành một xu thế, làm có bài bản, phân công cơ quan nào làm, kết quả thế nào, bao giờ xong. Đây là kinh nghiệm rất quý. Tạo ra được xu thế, được phong trào mới là cơ bản. Khi tiếp xúc cử tri, tôi hay nói: Cái lò đã nóng lên rồi thì củi tươi vào đây cũng phải cháy. Củi khô, củi vừa vừa cháy trước, rồi cả lò nóng lên, tất cả các cơ quan vào cuộc, có ai đứng ngoài đâu. Và không thể đứng ngoài được. Cá nhân nào muốn không làm cũng không thể được, thế mới là thành công”.

Kinh nghiệm của các nước trên thế giới và thực tiễn đấu tranh PCTN thời gian qua cho thấy, muốn huy động sức mạnh của toàn dân vào cuộc đấu tranh này nhất thiết phải coi trọng công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của cá nhân và tổ chức về PCTN, tạo sự thống nhất, tự giác, quyết tâm cao trong hành động. Đây là cách làm không mới nhưng rất căn bản, quan trọng. Đặc biệt là trong tình hình hiện nay, khi niềm tin vào thành công của nhân dân đang được khơi dậy thì trách nhiệm của mỗi cấp ủy, đơn vị, địa phương là phải ra sức giữ gìn, củng cố, nâng cao. Trước mắt, phải xây dựng nhận thức đúng về trách nhiệm trong phát hiện, xử lý các vụ việc tham nhũng ngay từ trong từng cấp ủy, từng cơ quan, tổ chức, từng cán bộ, đảng viên. Nhận thức rõ và hiểu thấu đáo về mục đích, ý nghĩa, nội dung các quy định của Đảng, Nhà nước về công tác PCTN, trong đó lấy phòng, ngừa là chính, nhưng việc phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng cũng có tác dụng rất tích cực để răn đe, phòng ngừa tham nhũng.

Khẳng định vai trò đặc biệt quan trọng của báo chí, truyền thông trong PCTN, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Các cơ quan truyền thông cần đăng tin, bài định hướng đúng đắn dư luận xã hội để thấy rõ những kết quả tích cực của công tác đấu tranh PCTN, cũng như những hạn chế, yếu kém, những khó khăn, phức tạp; khẳng định rõ quyết tâm của Đảng, Nhà nước; của cả hệ thống chính trị trong việc ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng”. Tất nhiên, các cơ quan báo chí, truyền thông cũng cần khắc phục tình trạng thông tin một chiều, thông tin không chính xác, mang tính kích động, gây hoang mang hoặc quy kết về tội danh, mức án trước khi xét xử. Bên cạnh đó, Đảng, Nhà nước cần hành động thực chất hơn nữa trong bảo vệ, khen thưởng, động viên những nhà báo và công dân tích cực chống tham nhũng; xử lý nghiêm các hành vi bao che tội phạm, trù dập người đấu tranh chống tham nhũng cũng như những kẻ lợi dụng chống tham nhũng để xuyên tạc, tố cáo sai, vu khống, làm hại người khác vì động cơ xấu.

Trong công cuộc PCTN do Đảng ta lãnh đạo hiện nay, quyết tâm chính trị của Đảng là yếu tố hàng đầu quyết định thành bại của công tác này. Nhưng quyết tâm chính trị mới chỉ là điều kiện cần, điều kiện đủ chính là những giải pháp đồng bộ, những phương pháp phòng, chống phù hợp với thực tiễn. Những cách làm đã thu được hiệu quả rõ rệt nêu trên chính là những dấu ấn lớn trên hành trình đầy gian lao, thử thách mà toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đã đạt được trong thời gian vừa qua. Đây cũng có thể coi là những bài học kinh nghiệm cần được vận dụng vào cuộc đấu tranh PCTN, tiêu cực trong thời gian tới.

(còn nữa)

Theo Công Minh, Nguyễn Minh, Hồng Hải, Tấn Tuân

Báo Quân đội nhân dân