Bạn đọc viết;

Bắc Giang bảo tồn nét đẹp văn hóa làng quê - Kết Chạ

(Dân trí) - Về Bắc Giang chúng tôi được nghe người dân truyền nhau câu chuyện “kết Chạ” hay còn gọi là kết nghĩa làng chạ - một phong tục có từ rất lâu đời của các làng cổ ở Bắc Giang, tới nay vẫn được người dân duy trì, bảo tồn nét đẹp văn hóa làng quê.

(ảnh: khapnamchau.com)
(ảnh: khapnamchau.com)

 

Nói về “kết Chạ”, mấy anh trong Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Bắc Giang cho biết: Phong tục “kết Chạ” có từ rất lâu đời ở vùng đất Kinh Bắc này, mà nguồn cội xa xưa nhất được bắt đầu từ thời người dân ở nơi đây còn thưa thớt, sống heo hút hoang vắng giữa bao la núi rừng và thú dữ. Bởi vậy, dân hai làng cận kề nhau xích lại gần nhau, kết nghĩa anh em để cùng giúp đỡ nhau trong sản xuất, lao động, chống lại thiên tai địch họa, thú dữ và chia vui sẻ buồn trong cuộc sống.

 

Cứ như  vậy trải qua bao biến cố thăng trầm của thời gian, các làng quê vùng Kinh Bắc không chỉ duy trì mà còn tiếp tục phát triển phong tục đẹp này. Có những câu chuyện về sự kết chạ thật cảm động, ví dụ như chuyện về hai làng bên sông Cầu. là Trâu Lỗ và Kim Thượng từ chỗ không thân thích, nhờ tục kết Chạ sau một đêm bỗng chốc trở thành như anh em ruột thịt. Chuyện xưa, nay vẫn được nhắc lại như một tập tục cổ của người dân hai vùng đất.

 

Chuyện rằng: Thời xa xưa, làng Kim Thượng mở hội tế thần linh bằng một con trâu trắng to khỏe nhất để dâng lên Thành Hoàng làng, cầu mong Thành Hoàng phù hộ cho dân làng được bình an vô sự, cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, vạn vật sinh sôi nảy nở. Buổi lễ diễn ra long trọng. Đang lúc lễ tế chuẩn bị kết thúc, lạ kỳ thay bỗng có con trâu trắng lồng lên, cứ nhìn hướng mặt trời mà chạy. Rồi trâu vượt qua sông Cầu sang nằm phủ phục trước ngôi đền của làng Trâu Lỗ - nơi thờ Trương Hống và Trương Hát là hai vị anh hùng dân tộc có công giúp Triệu Quang Phục đánh đuổi giặc Lương xâm lược.

 

Người dân làng Trâu Lỗ cho đó là điều kỳ lạ, điềm thiêng. Còn người dân Kim Thượng lại cho là điềm dữ nên đã cất công dò theo bước trâu chạy. Sau khi biết được trâu đang ở làng Trâu Lỗ, họ liền cử người sang chuộc trâu về. Người dân làng Kim Thượng tưởng rằng khi đi chuộc trâu sẽ bị làng Trâu Lỗ làm khó dễ và không cho đưa trâu về. Tuy nhiên, người dân làng Trâu Lỗ ứng xử rất thiện chí, khiêm nhường cho phép làng bên được chuộc trâu về: “Dạ thưa quý anh, người là vàng, của là ngãi, chúng em đâu dám nhận tiền chuộc”.

 

Cảm kích trước nghĩa cử của thôn Trâu Lỗ, hai làng quyết định nhận nhau làm anh em. Từ câu chuyện con trâu trắng tình cảm, ơn nghĩa hai làng bắt đầu nảy sinh. Qua thời gian, tình cảm đó ngày càng được vun đắp, xây dựng thêm bền chặt và kết quả là hai làng kết Chạ với nhau.

 

Hay câu chuyện kết Chạ giữa hai làng Phúc Linh- Hương Lâm, huyện Hiệp Hoà với tình nghĩa thuỷ chung, nghĩa tình sâu nặng không chỉ thể  hiện qua sự mời chào, đón rước trong ngày hội lễ của làng, mà họ còn giúp nhau trong cuộc sống thường nhật, trong sản xuất, xây dựng và bảo vệ xóm làng. Khi vui mừng cũng như khi gặp khó khăn hoạn  nạn, hai làng đối xử với nhau như anh em ruột thịt, chân tình cởi mở… Tới tận ngày nay, dân hai làng ai cũng thuộc câu ca lưu truyền: “Mối tình huynh đệ rõ ràng /Anh em sau trước như ang nước đầy/ Mấy ngàn năm cũ đến nay/ Mặc cho sông lở, cát bay không sờn”.

 

Nét đặc biệt chung của các làng kết Chạ là hai bên đều tự nhận mình là em, tôn bên kia là anh. Đó là cách gọi xưng hô khiêm nhường, tôn kính nhau. Từ cách xưng hô đến cử chỉ họ đều trân trọng nhau, chan hoà cởi mở như người trong một nhà. Họ còn quan niệm dân làng hai bên đều là “dân xã cả, anh em một nhà”. Họ cùng quy ước với nhau: trai gái hai làng không được lấy nhau, không gây bất hoà, đối xử với nhau thân tình, giúp đỡ nhau trong sản xuất, lao động, cuộc sống… Hai bên còn cam kết đi lại thăm hỏi nhau vào các dịp lễ tết, hiếu hỉ…

 

Ngày hội của những làng kết nghĩa bao giờ cũng là ngày đông vui nhất vì có cả làng anh sang chung vui. Trong ngày này, những người con xa quê  bao giờ cũng nhớ tìm về hội làng. Trước ngày hội, người người, nhà nhà đều náo nức chuẩn bị. Gói bánh trái, sắm lễ vật lên đình chùa và quần áo là lượt đi đón làng anh. Đặc điểm nổi bật vào ngày hội giữa hai làng kết chạ là cùng tổ chức đoàn đón rước nhau. Đúng giờ quy ước, cả hai làng với đầy đủ thành phần cùng xuất hành từ làng mình tiến sang làng bên. Đến giữa đường gặp nhau, làng anh, làng em cung kính vái chào. Rồi anh trước em sau, cả hai làng cùng tiến vào đình, chùa làng có hội để làm lễ.

 

Họ cùng cầu chúc cho nhau một năm mưa thuận gió hoà, làm ăn tấn tới, tình anh em gắn kết bền chặt. Những lời ca, tiếng hát, những trò vui của ngày hội được làng anh và làng em trổ sức đua tài đến thâu đêm. Tan hội ra về, bao giờ làng em cũng có đoàn tiễn làng anh đúng đến điểm gặp lần trước, cung kính vái chào nhau và hẹn gặp lại mùa sau.

 

Ngày nay, những nghi lễ này tuy không được duy trì  thường xuyên nhưng các hoạt động tương trợ, giúp đỡ nhau của các làng kết chạ vẫn là những việc làm thường xuyên. Nhất là hàng năm, vào ngày hội làng bao giờ làng anh, làng em cũng gặp nhau chia sẻ niềm vui trong cuộc sống.

 

Có thể kể đến các làng kết chạ như: Làng Hoàng Mai xã Hoàng Ninh và làng Mai Vũ xã Ninh Sơn huyện Việt Yên. Làng Trâu Lỗ xã Mai Đình huyện Hiệp Hoà và làng Kim Lũ, huyện Sóc Sơn, Hà Nội. Làng Thượng Phúc xã Tăng Tiến kết nghĩa với làng Đức Liễn, Nghi Thiết huyện Việt Yên. Làng Lăng Cao xã Ngô Xá  huyện Tân Yên với làng Mụa, xã Nghĩa Trung huyện Việt Yên. Làng Hậu xã Minh Đức huyện Việt Yên, Làng Hà Mỹ xã Chu Điện huyện Lục Nam kết nghĩa với các làng Mẫu Sơn, Mai Thường, Phương Lạn, Ngọc Sơn huyện Lục Nam. Làng Hậu xã Liên Chung huyện Tân Yên kết nghĩa với làng Cao Thượng xã Cao Thượng. Làng Sậy Thượng, Tân Trung kết nghĩa với làng Sậy Hạ xã Phúc Lễ huyện Tân Yên...

 

Kết chạ quả là một nét đẹp văn hóa làng mang đậm bản sắc dân tộc trong đời sống cộng đồng ở làng quê VN…

 

Minh Tư
(Phòng Tổ chức cán bộ-Công tác chính trị, trường Đại học Sư phạm Thể dục Thể thao Hà Nội)