Bạn đọc viết:

Áp lực học trái tuyến: Phải chăng do tâm lý “đám đông”?

(Dân trí) - Hàng năm cứ đến giữa tháng 6, các trường học mầm non, Tiểu học và Trung học cơ sở lại tổ chức tuyển sinh đầu cấp. Đó là bề nổi, còn thực tế, nhiều phụ huynh đã “vận động” từ mấy tháng trước để lo cho con em mình vào học được trường “như ý”…

Vất vả đăng ký cho trẻ vào lớp 1 (ảnh minh họa: Lao Động)
Vất vả đăng ký cho trẻ vào lớp 1 (ảnh minh họa: Lao Động)

 

… Cho dù trường “như ý” đó có xa, có trái tuyến.  Điều này đã tạo nhiều áp lực cho các trường, gây khó khăn cho khâu tuyển sinh và cả sự thiếu chủ động về nhân lực, cơ sở vật chất. Không những thế, nó còn ảnh hưởng trực tiếp đến học sinh,  khiến xã hội càng thêm có cái nhìn không tốt về bức tranh giáo dục.

 

Học sinh đến tuổi đi học có quyền được chọn một cơ sở giáo dục để học tập theo chương trình phù hợp với lứa tuổi của các em. Trên mỗi địa bàn dân cư (xã, phường, thị trấn) đều có trường học các cấp. Những học sinh có hộ khẩu tại khu dân cư đó gọi là học đúng tuyến, học sinh hộ khẩu nơi khác chuyển đến gọi là học trái tuyến. Đấy chỉ là cách gọi để quản lý tốt hơn, còn trong thực tế dù trái tuyến hay đúng tuyến, các em đều được đối xử công bằng như nhau, được học và tham gia mọi hoạt động do trường tổ chức.

 

Mấy năm gần đây, cơ chế “mở” có phần thoáng hơn nên hiện tượng học trái tuyến càng nhiều. Những trường hợp này phải đóng góp cao hơn các cháu học đúng tuyến. Đáng chú ý là có nhiều em không phải do hoàn cảnh khách quan, mà do bố mẹ nhận thức chưa  đúng về thứ hạng các trường nên đã bằng cách này hay cách khác xin cho con học trái tuyến bằng được. Trong ý nghĩ của họ, những trường đó thuộc “tốp trên” sẽ giúp cho con em mình học tốt hơn.

 

Họ tìm mọi cách để cho con vào bằng được ngôi trường mong muốn. Thôi thì tận dụng mọi mối quan hệ thân có, sơ cũng có. Có những người nghe lời  “cò” còn phải chi một khoản không nhỏ để con được vào trường theo ý bố mẹ muốn. Vì thế mới dẫn đến tình trạng xếp hàng từ nửa đêm để mua bằng được hồ sơ vào trường cho con. Mới có cảnh tượng xô đổ cánh cổng trường để bằng mọi cách xin cho con vào học được trường "như ý".

 

Để khắc phục, một số trường thuộc tốp trên có phương án thi vào đầu cấp để tuyển sinh vừa đủ số lượng theo chỉ tiêu, tránh quá tải so với hệ thống trường lớp hiện tại. Thế là dịch vụ luyện thi vào lớp 1 - một hình thức “ăn theo” - cũng xuất hiện. Chỉ khổ cho các bé 5 tuổi ngây thơ phải rời bỏ gấu bông, búp bê, theo bố mẹ đến các “lò” luyện thi. Để rồi nhiều em nảy sinh tâm lý sớm sợ phải đến lớp, chán học, tìm đủ mọi lý do để khỏi phải đến trường. Điều đó ảnh hưởng đến cả quá trình học tập sau này…

 

Phụ huynh cần nhận thức rõ hơn về học trái tuyến. Việc dạy và học của các trường đều theo một chương trình chuẩn chung do Bộ Giáo dục Đào tạo quy định. Tất cả giáo viên đang trực tiếp đứng lớp giảng dạy đều được đào tạo bài bản trong các trường sư phạm. Tâm huyết với nghề thì ai cũng có, lòng nhiệt tình thì một mười, một chín. Nhưng do sự đầu tư của lãnh đạo địa phương, do tạo dựng được những mối quan hệ tốt, hay do làm tốt công tác xã hội hoá giáo dục nên một số trường có cơ sở vật  chất khang trang hơn. Có một số trường bề dày thành tích hơn đã tạo dựng được “thương hiệu” của mình.

 

Đành rằng tạo điều kiện cho con học tập là rất nên, nhưng các bậc phụ huynh đừng nghĩ rằng chỉ có học trong điều kiện tốt nhất, con em mình mới học tốt được. Kết quả học tập phải đâu là do điều kiện trường lớp quyết định hoàn toàn. Cái chính là do ý chí và nghị lực cuả con người. Đôi lúc ta cũng cần nghĩ: Càng trong khó khăn, các em càng được tôi luyện kỹ năng sống để vượt khó, sau này ra đời sẽ khỏi bỡ ngỡ trước những sự việc, có cách ứng xử tốt hơn trong mọi hoàn cảnh.

 

Học trái tuyến nhìn chung vừa vất vả cho các em, vừa gây áp lực không cần thiết cho nhà trường.

 

Về phía ngành giáo dục: Để khắc phục dần hiện tượng phụ huynh đổ xô cho con đi học trái tuyến ở những trường thuộc tốp trên, ngành giáo dục cần đầu tư trang thiết bị cho các trường một cách đồng đều. Mỗi thầy cô giáo cũng cần tự rèn luyện về nghiệp vụ đạo đức và kiến thức sư phạm để dạy tốt hơn. Các trường cần sớm khẳng định “thương hiệu” của mình qua kết quả giáo dục thực chất để tạo được niềm tin trong nhân dân, để phụ huynh học sinh tin tưởng giao phó con em họ.
 
Để hạn chế những tiêu cực phát sinh từ việc học trái tuyến, thu tiền trái tuyến, hơn bao giờ hết các cơ sở giáo dục cần có biện pháp nâng cao chất lượng của trường để thu hút học sinh đến lớp, không chỉ bằng việc quảng cáo, mà phải bằng thực chất. Hãy dành cho trẻ em những gì tốt nhất, nhưng nên dành cho trẻ em những gì “mình sẵn có” chứ đừng cố gắng tạo ra những thảm đỏ, nhung lụa từ khi các em còn bé. Vì như thế các em rất dễ trở thành người ích kỷ, kiêu căng và không có ý chí phấn đấu, tôi luyện. Nếu con em mình chưa đạt được yêu cầu về mặt này mặt khác (lực học, sức khoẻ, môi trường, địa bàn) thì tốt nhất hãy để các em học tập gần nhà theo địa bàn dân cư.

 

Không nên vì sự ganh đua của người lớn mà buộc trẻ học trái tuyến, gây áp lực không nhỏ đến môi trường giáo dục vốn được xã hội tôn vinh.  

Nguyễn Thị Diệp