“Áo choàng...” !

Không biết khởi đầu từ bao giờ mà hiện nay trên rất nhiều tuyến đường dọc dài đất nước mọc lên rất nhiều cổng chào. Rồi cổng chào được xây mới bằng tiền tỷ cũng xuất hiện ở không ít làng, xã, huyện, tỉnh.


Ảnh minh họa. (Nguồn: baoquangninh.com.vn)

Ảnh minh họa. (Nguồn: baoquangninh.com.vn)

Làng, xã Việt Nam xưa mang đặc điểm chung là tự quản, mỗi làng là một cộng đồng tương đối độc lập, có lũy tre ken dày, có cổng làng sáng mở tối đóng, có đội ngũ tuần phiên tuần tra, bảo vệ; có lệ làng để quản lý điều chỉnh các quan hệ nảy sinh. Vì thế, cổng làng rất quan trọng, làng to, làng nhỏ đều phải có cổng làng tương ứng với vị thế, với tiềm năng kinh tế của làng. Hiện nay, nhiều làng cổ còn giữ được cổng làng xưa hài hòa với khung cảnh làng quê, nơi gắn bó với biết bao kỷ niệm của mỗi người dân trong làng…

Tuy nhiên, cơ cấu làng, xã ngày nay đã thay đổi hoàn toàn, mỗi làng, xã là một đơn vị mở, mở rộng để phát triển, để đáp ứng nhu cầu của cuộc sống hiện đại. Vì vậy, những cổng làng cổ trở thành di tích quý giá, nhưng đua nhau xây cổng làng mới thì lại phải suy nghĩ thêm. Hà Nội có cửa Ô Quan Chưởng rất đẹp, nhưng nếu xây thêm cho đủ các cửa ô như xưa thì thật khó chấp nhận.

Vì vậy, dư luận không thể không giật mình, thậm chí bức xúc khi không ít địa phương đua nhau xây mới cổng chào xã, cổng chào huyện, cổng chào tỉnh!

Bức xúc đầu tiên là tốn tiền dân, có những cổng chào xây dựng với kinh phí 5-7 tỷ đồng, có cổng chào xây dựng với kinh phí hàng chục tỷ đồng, hoặc nhiều hơn thế. Dẫu là nguồn ngân sách địa phương hay xã hội hóa thì cũng là tiền dân, không nên lãng phí khi sự thật ai cũng biết: nợ công sắp chạm trần, cuộc sống của người dân còn nhiều khó khăn, nhiều dự án đầu tư đang “khát vốn”...

Lý do thứ hai là không ít cổng chào chưa đẹp về thẩm mỹ, đặc biệt là chưa đảm bảo an toàn khi trời “trở gió”.... Cổng chào thường được xây dựng bằng khung thép, ốp nhôm, có bảng chữ điện tử, thấp thoáng gần giống các trạm thu phí BOT, không mấy thiện cảm với người tham gia giao thông. Và đương nhiên nó chưa phải là điểm nhấn đáng quan tâm để phát triển du lịch, thu hút đầu tư cho địa phương.

Thực tiễn là sự kiểm nghiệm chân thực nhất nên có cổng chào trị giá 24 tỷ đồng, sau hai năm xuống cấp nhếch nhác đã phải tháo dỡ toàn bộ; có cổng chào trị giá 40 tỷ đổng, sau vài năm cũng tơi tả, người dân ngại không dám đi qua…

Ở nhiều nước du lịch phát triển, họ dựng tấm biển ghi địa danh và “Welcome” quý khách với phong cách riêng, có tính thẩm mỹ cao, không tốn kém, nhưng du khách nào đến cũng muốn dừng lại chụp tấm ảnh lưu niệm. Ngược lại, ở ta, có lẽ không nhiều du khách dừng lại trước những cổng chào gần giống trạm thu phí BOT? Cổng chào có thể ví như cái áo choàng. Áo choàng chỉ đẹp khi người mặc nó đẹp về cốt cách, tâm hồn./.

Theo Đăng Dương

Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam