Kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Campuchia
“Anh lính tình nguyện và điệu múa Apsara” - Bài ca của tình hữu nghị
Trong dòng nhạc cách mạng Việt Nam, có những bài hát khắc ghi lại sự kiện như một dấu ấn lịch sử, gợi lại một thời sát cánh kề vai giúp nhau trong công cuộc cách mạng, để rồi tình hữu nghị nở hoa kết trái mãi mãi xanh tươi. Bài hát Anh lính tình nguyện và điệu múa Apsara của nhạc sĩ Minh Quang là một khúc ca như thế.
Cách đây 38 năm, người dân Campuchia không thể quên ngày Quân tình nguyện Việt Nam giúp họ thoát khỏi nạn diệt chủng Pôn Pốt. Và ngày 7 tháng 1 năm 1979 đã đi vào lịch sử minh chứng cho tình đoàn kết hữu nghị bền chặt của nhân dân Việt Nam - Campuchia. Trong những tháng ngày đáng nhớ ấy, bao khúc ca của tình hữu nghị vang lên, và không ai lại không biết đến ca khúc “Anh lính tình nguyện và điệu múa Apsara” – một sáng tác của nhạc sĩ Minh Quang.
Toàn bộ lời bài hát như sau:
Em dịu dàng trong điệu múa Apsara. Anh là người lính tình nguyện mang theo câu hát dân ca “Yêu nhau cởi áo cho nhau”.
Apsara… ơi điệu múa hay tình đất nước. Apsara… anh từng yêu Campuchia qua câu chuyện cổ, đền Ăng Co uy nghi nắng chói chang. Anh từng đi vượt rừng sâu qua bao mùa giông bão, cùng những người lính Campuchia anh dũng.
Apsara…ơi điệu múa hay tình đất nước. Apsara – và lời hát thay lời Tổ Quốc. “Yêu nhau cởi áo cho nhau”.
Apsara… Những người lính sẽ cùng chiến đấu. Apsara… Anh nguyện mãi giữ màu nắng ấm. Cho em được múa dưới trời tự do…
Apsara…Apsara
Bài hát đã mượn lời của một chiến sĩ quân Tình nguyện Việt Nam để nói lên tình đoàn kết gắn bó với nhân dân Campuchia. Cách đây 38 năm, tập đoàn PonPot đã giết hại hơn 2 triệu người dân Campuchia, chiếm 1/3 dân số lúc đó. Một xã hội đen tối không có chợ, không trường học, không bệnh viện, chỉ có trại tập trung; người dân có thể bị xử bất cứ lúc nào bằng nhiều hình thức man rợ như kiểu thời trung cổ… Trong lúc ấy, với tinh thần quốc tế cao cả, những chiến sĩ Quân tình nguyện Việt nam đã kề vai sát cánh cùng Bộ đội Mặt trận đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia chiến đấu bảo vệ đất nước Ăng Co - quê hương Chùa Tháp tươi đẹp. Trong cuộc chiến cao cả ấy, sau những lúc miệt mài nơi thao trường, tình quân dân càng bền chặt hơn bên bếp lửa hồng. Những cô gái Campuchia dịu dàng uyển chuyển trong điệu múa Apsara, những khúc hát dân ca của dân tộc Khơ Me hòa cùng câu ca miền quê quan họ ở Việt Nam. Và đêm giao lưu âm nhạc càng trở nên bền chặt khi điệu múa câu hát được nâng lên thành tình hữu nghị tuyệt vời của hai dân tộc anh em.
Như một làn điệu dân ca quan họ hòa quyện vào âm hưởng dân ca Campuchia, bài hát được viết theo thể hai đoạn đơn với 8 câu hát ngắn gọn. Đoạn 1 cho ta thấy hình ảnh điệu múa Apsara với những người con gái dịu dàng trong bộ váy Sampot quấn sát mình, bước đi nhẹ nhàng, uyển chuyển mềm mại: “Em dịu dàng trong điệu múa Apsara, anh là người lính tình nguyện, mang theo câu hát dân ca: “yêu nhau cởi áo cho nhau”…”. Câu hát tiếp theo, tác giả dẫn ta đi thăm đất nước chùa tháp xinh đẹp với “những câu chuyện cổ” và “đền Ăng Co uy nghi nắng chói chang”. Nét nhạc ấy gợi cho ta một đất nước Campuchia xinh đẹp, một nền văn hóa lâu đời. Đến đây, câu nhạc được giãn ra bằng nốt trắng ứng với ca từ “nắng chói chang” để chuyển sang câu nhạc tiếp theo ca ngợi sự gắn kết bền chặt giữa những người lính của hai đất nước cùng sát cánh kề vai chống lại cái ác, bảo vệ người dân lương thiện: “Anh từng đi, vượt rừng sâu qua bao mùa giông bão, cùng những người lính Campuchia anh dũng…” . Câu hát đã làm cầu nối cho 2 đoạn nhạc của bài ca tiếp sau đó. Đoạn 2 lên cao trào da diết “Apsara, ơi điệu múa hay tình đất nước…”. Sự đan xen giữa việc miêu tả vẻ đẹp dịu dàng của cô gái trong điệu múa Apsara với sự khắc nghiệt của chiến tranh là điều đặc biệt của câu hát. Câu ca tiếp theo vẫn nhắc lại nét nhạc ấy với ca từ nêu bật được ý nghĩa của chiến thắng ngày 7 tháng 1 năm 1979 “Apsara… Những người lính sẽ cùng chiến đấu. Apsara… Anh nguyện mãi giữ màu nắng ấm. Cho em được múa dưới trời tự do…”. Chiến thắng ấy còn giúp nhân dân Campuchia giữ lại những văn hóa truyền thống suýt bị cuộc diệt chủng làm cho mai một. Điệu múa Apsara trước đây là điệu múa cung đình. Dưới thời Khơ Me đỏ, 90% số nghệ sĩ bị sát hại, trong đó có cả những người phục vụ ở hoàng cung. Chiến thắng ngày 7 tháng 1 đã giúp nhân dân Campuchia hồi sinh, giúp nước bạn thoát khỏi nạn diệt chủng và giữ lại những giá trị văn hóa truyền thống. Bước ra từ cung đình nguy nga, điệu múa Apsara đã phô diễn hết vẻ đẹp của nó cùng bài dân ca quan họ của người lính tình nguyện Việt Nam. Bài hát được rất nhiều bộ đội tình nguyện Việt Nam chép trong sổ tay, và không ít lần xuất hiện trên sân khấu Hội diễn văn nghệ của quân đội. Anh lính tình nguyện và điệu múa Apsara không chỉ là bài hát tình yêu đôi lứa mà còn là bài ca thắm tình hữu nghị của hai nước láng giềng cùng chia ngọt sẻ bùi, đánh đuổi cái ác, đem lại sự hồi sinh cho cả một dân tộc.
Đã 38 năm qua đi, chúng ta càng biết đến nhạc sĩ Minh Quang với nhiều sáng tác khác viết về người lính như Sông Lô chiều cuối năm, Cây đàn ghi ta một dây, Hoa sim biên giới…Nhưng mỗi khi nhắc đến Anh lính tình nguyện và điệu múa Apsara, ta không khỏi bồi hồi nhớ lại một thời máu lửa, sự đồng cam cộng khổ của hai dân tộc, chia ngọt sẻ bùi. 38 năm ấy, một dân tộc đã hồi sinh, nhũng người lính tình nguyện Việt Nam và những “vũ công Apsara” năm xưa đã thành ông bà, con đàn cháu đống, nhưng bài ca ấy mãi là minh chứng cho tình hữu nghị bền chặt của hai dân tộc Việt Nam- Campuchia vững chắc như dãy Trường Sơn, như nước dòng sông Mê Kông không bao giờ cạn.
Nguyễn Thị Diệp