Bạn đọc viết

Ám ảnh nỗi lo hỏa hoạn

Thời gian qua, cháy nổ xảy ra ngày một gia tăng như thách thức, gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản, tính mạng, tài sản của nhà nước và nhân dân.

>> Hà Nội: Ba tòa nhà chung cư Xa La hoảng loạn vì cháy… mái bể bơi


Minh họa: Ngọc Diệp

Minh họa: Ngọc Diệp

Đúng là chưa khi nào tình trạng hỏa hoạn, cháy nổ lại xảy ra liên tục như trong thời gian gần đây, khiến bất cứ ai cũng đều băn khoăn lo lắng, ám ảnh. Nhiều người chưa hết bàng hoàng bởi vụ cháy tại quán karaoke 68 ở Trần Thái Tông, Hà Nội khiến 13 người thiệt mạng, thì mới đây nhất ngày 29/11, lại xảy ra vụ cháy tại khu bể bơi nằm giữa 3 khối nhà chung cư CT 1A, CT 1B1 và CT 1B2 - Khu đô thị Xa La - Hà Đông - Hà Nội, hay trước đó, ngày 28/11 liên tiếp 2 vụ cháy xảy ra tại Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội, đó là vụ cháy tại trường mầm non tầng 3 của tòa chung cư cao 25 tầng ở đường Nguyễn Chánh (phường Trung Hòa, Cầu Giấy – Hà Nội), rất may vụ cháy không gây thiệt hại về người. Còn vụ cháy chiều 28/11 tại ngôi nhà 2 tầng trên đường Hồ Bá Phấn (quận 9, TPHCM) đã khiến ít nhất 2 người chết, 1 người bị thương.

Dư luận đang đặt ra nhiều câu hỏi, vì sao Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách cũng như hành động thực tế nhằm nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm an toàn phòng chống, cháy nổ. … nhưng nhìn vào những con số thống kê số vụ hỏa hoạn trong những năm gần đây đều tăng cả số vụ, số người chết, số người bị thương… khiến bất cứ ai cũng đều phải băn khoăn, lo lắng.

Thống kê của Bộ Công an, trong 10 năm trở lại đây, cho thấy, cả nước đã xảy ra trên 16.767 vụ cháy ở các nhà máy, xí nghiệp, kho tàng, cơ quan, trường học, bệnh viện, nhà dân và 6.109 vụ cháy rừng, làm chết 688 người, bị thương 1.848 người. Thiệt hại về tài sản ước tính trị giá 4.187 tỷ đồng và 42.332 ha rừng có giá trị kinh tế lớn. Trung bình mỗi năm xảy ra 1.677 vụ cháy, nổ, làm chết và bị thương 254 người (chết khoảng 60 người mỗi năm), trung bình mỗi ngày xảy ra 5 vụ cháy, làm chết hoặc bị thương 8 người, thiệt hại về tài sản trị giá 419 tỷ đồng.

Nhưng điều đáng lo ngại hơn đó là càng ở những thành phố lớn, nơi có điều kiện về kinh tế để đầu tư phương tiện phòng cháy chữa cháy và có đông lực lượng phòng cháy chữa cháy thì dường như số vụ cháy nổ càng nhiều hơn và nghiêm trọng hơn. Chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2016, cả nước xảy ra 1.506 vụ cháy, làm 31 người tử vong, 181 người bị thương, thiệt hại về tài sản hơn 8 tỷ đồng… Nhất là trong thời gian gần đây liên tiếp các vụ cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản có chiều hướng gia tăng.

Vậy nguyên nhân nào dẫn đến thực trạng này?

Có thể khẳng định nguyên nhân đầu tiên và trước hết là do ý thức của con người. Thực tế cho thấy rất nhiều cơ quan, công xưởng, nhà máy, trung tâm thương mại, khu chung cư, cơ sở buôn bán…, việc đầu tư các trang thiết bị chữa cháy chỉ là để đối phó với các đoàn kiểm tra hơn là để phòng cháy; lực lượng bảo vệ và nhân viên có nhiệm vụ phòng cháy chữa cháy tại chỗ vừa mỏng, vừa yếu về chuyên môn, lại hay lơ là, mất cảnh giác. Do vậy, mỗi khi có cháy, nổ, các lực lượng phòng cháy chữa cháy chuyên nghiệp đến nơi thì đã muộn hoặc gặp rất nhiều khó khăn. Hay nói một cách khác là do công tác phòng cháy chữa cháy bấy lâu đang chưa được quan tâm đúng mức. Ngay tại trung tâm thành phố Hà Nội công tác này vẫn còn một khoảng trống lớn.

Từ sau những vụ cháy xảy ra liên tục như trong thời gian gần đây có thể cho thấy, để công tác phòng cháy chữa cháy thực sự có hiệu quả, rõ ràng cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật và kiến thức phòng cháy chữa cháy, làm cho tất cả mọi người đều thấy được nguy cơ, nguyên nhân gây cháy và tác hại do cháy gây ra, để từ đó đề cao ý thức phòng ngừa và thấy được lợi ích của việc đầu tư cho các hoạt động phòng cháy chữa cháy; hướng dẫn các biện pháp, giải pháp thực hiện công tác phòng cháy chữa cháy; tuyên truyền về trách nhiệm phòng cháy chữa cháy của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, chủ hộ gia đình và cá nhân tiến tới hình thành tinh thần hoàn toàn tự giác trong việc phòng cháy chữa cháy của từng cơ sở, từng gia đình theo nguyên tắc mọi hoạt động phòng cháy chữa cháy phải thực hiện và giải quyết tại chỗ

Bên cạnh đó là chú trọng tăng cường hiệu lực công tác quản lý Nhà nước đối với lĩnh vực công tác phòng cháy chữa cháy, trong đó lấy lực lượng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy làm nòng cốt. Theo đó, cần chú trọng đầu tư trang thiết bị chữa cháy hiện đại; cán bộ, chiến sỹ của lực lượng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy phải được thường xuyên luyện tập sẵn sàng chiến đấu nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Nhất là cần có các chế tài đủ mạnh để ngăn ngừa, răn đe và xử phạt đối với các hành vi vi phạm trong lĩnh vực phòng cháy chữa cháy. Đồng thời cũng cần chỉ đạo các ngành chức năng có liên quan rà soát, sắp xếp, bố trí, quy hoạch hợp lý các cơ sở có nguy cơ cao về cháy nổ (các trạm xăng dầu; các cơ sở sản xuất kinh doanh vật liệu dễ nổ, dễ cháy…)

Cha ông ta cũng đã nói “Phòng hỏa hơn cứu hỏa” hay “Nước xa không cứu được lửa gần”. Thực tế đã chứng minh đúng như vậy. Làm tốt công tác phòng ngừa ngay từ đầu, thì chắc chắn sẽ hạn chế được tối đa hậu quả của cháy nổ gây ra.

Minh Tư