Ai sẽ khóc?

Ai sẽ khóc cho ngân khố quốc gia, cho những đồng tiền đóng thuế chắt chiu nhiều năm tháng của từng người dân khi danh sách các dự án đầu tư công chậm tiến độ, đội vốn ngày càng dày, càng nhiều lên?

Câu hỏi nghe chừng vu vơ, không mấy liên quan nhưng thực tế rất sát với diễn biến với việc sử dụng vốn công ở Việt Nam trong nhiều năm qua?

Như với ngành giao thông vận tải, báo cáo hồi giữa năm 2020 của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) cho thấy, cả nước hiện có 48 công trình, dự án trọng điểm, song mới chỉ có 24 công trình được đưa vào khai thác; 6 dự án đang thi công rơi vào tình trạng chậm tiến độ, thậm chí đội vốn cao. Dù các dự án liên tiếp được điểm mặt, chỉ tên về đội vốn, chậm tiến độ nhiều năm, nhưng đến nay, chưa có quan chức nào dũng cảm từ chức để thể hiện trách nhiệm với dân, với đất nước về những quyết định của mình.

Ngay như 6 dự án đường sắt đô thị đang được triển khai chỉ sau ít năm, đến nay tổng mức đầu tư sau khi điều chỉnh tăng so với được duyệt lần đầu cho 6 tuyến đường sắt này đã lên tới trên 243.400 tỷ đồng, nhiều gấp đôi số vốn để làm 11 đoạn cao tốc kết nối Bắc - Nam hiện nay. Đáng nói, các dự án này đều sử dụng vốn vay ODA và đối ứng từ ngân sách nhà nước.

Đến khi nào các “siêu dự án” đầu tư hàng nghìn, hàng chục nghìn tỷ đồng/dự án của ngành giao thông nói riêng và các ngành khác nói chung khắc phục được vấn đề tiến độ, mang lại hiệu quả đích thực cho xã hội và người dân là câu hỏi luôn bỏ ngỏ.

Hết nhiệm kỳ này đến nhiệm kỳ khác trôi qua, nhiều dự án, chủ đầu tư hoặc bộ chủ quản cũng chỉ hứa trước người dân: Xin rút kinh nghiệm. Có chăng trách nhiệm hơn thì: “Cố gắng hoàn thành sớm”. Nhưng rốt cuộc, các dự án không mấy tiến triển trong khi nhiều quan chức lần lượt “hạ cánh an toàn”, để nhiệm kỳ sau giải quyết.

Cũng chưa có một lãnh đạo ngành nào bị đưa ra xử lý vì những trách nhiệm liên quan đến những dự án mà họ đã đặt bút ký trình Chính phủ.

Ở rất nhiều nước trên thế giới, việc những dự án trọng điểm của ngành, của quốc gia mỗi khi xảy chuyện, gặp vấn đề tương tự, người đứng đầu ngành, thậm chí quan chức cấp cao hơn trong Chính phủ cũng sẽ phải đối mặt với áp lực dư luận và tự động từ chức. Đối với các quan chức này, việc từ nhiệm vì không hoàn thành nhiệm vụ được giao là hành động thể hiện trách nhiệm cao nhất với đất nước, với người dân. Văn hóa từ chức là động thái thường thấy của lòng tự trọng.

Thực tế cho thấy, chừng nào kỷ cương, phép nước chưa nghiêm, chừng đó sẽ vẫn còn một bộ phận lãnh đạo các đơn vị, tổ chức sẽ coi việc lãng phí tiền đầu tư của đất nước là chuyện bình thường. Có mạnh tay cắt chức, truy cứu trách nhiệm những người đứng đầu các bộ, ngành, các chủ đầu tư sử dụng lãng phí vốn Nhà nước, trật tự mới được thiết lập. Ai sẽ khóc nếu coi vốn nhà nước, thuế của dân là... cha chung?

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm