300 chi tiết sách Công nghệ giáo dục “có vấn đề”, ai chịu trách nhiệm?
Hội đồng thẩm định quốc gia đã “chấm điểm” sách Tiếng Việt 1 – Công nghệ giáo dục của Giáo sư Hồ Ngọc Đại với kết quả “Không đạt”, đồng thời chỉ ra có đến 300 nội dung, chi tiết cần chỉnh sửa. Câu hỏi đặt ra là ai chịu trách nhiệm về vấn đề này, khi tài liệu nói trên đã được sử dụng gần như đại trà trong nhiều năm qua.
Hội đồng thẩm định quốc gia đã “chấm điểm” sách Tiếng Việt 1 – Công nghệ giáo dục của Giáo sư Hồ Ngọc Đại với kết quả “Không đạt”, đồng thời chỉ ra có đến 300 nội dung, chi tiết cần chỉnh sửa. Câu hỏi đặt ra là ai chịu trách nhiệm về vấn đề này, khi tài liệu nói trên đã được sử dụng gần như đại trà trong nhiều năm qua.
Thông tin chính thức từ Hội đồng thẩm định quốc gia về sách giáo khoa của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, bộ tài liệu “Tiếng Việt 1 - Công nghệ giáo dục” do Giáo sư Hồ Ngọc Đại chủ biên đã bị loại ngay từ vòng thẩm định đầu tiên.
Cụ thể, sách đã bị 15/15 thành viên hội đồng xếp loại "Không đạt" với gần 300 nội dung, chi tiết cần sửa, cần bỏ, phần lớn là những nội dung mà hội đồng cho rằng sách "vượt chương trình", "quá khó với học sinh lớp 1", một số vấn đề kỹ thuật, trình bày.
Giáo sư Mai Ngọc Chừ - thuộc hội đồng thẩm định - thông tin chương trình mới bao gồm nhiều yếu tố về giáo dục toàn diện, bảo vệ môi trường, bình đẳng giới chứ không phải chỉ có việc dạy viết, đánh vần.
Theo ông, sách của Giáo sư Hồ Ngọc Đại dạy “một mớ kiến thức không cần thiết về ngữ âm". Giáo viên dạy sách thầy Đại thậm chí ban đêm phải bổ sung kiến thức của sách giáo khoa hiện hành, tăng thêm giờ làm việc 2-3 lần. Các thầy cô cũng cho rằng sách mở nhưng giáo viên phải dạy như cái máy.
Học sinh phải tiếp cận với kiến thức ngôn ngữ học, khái niệm âm đệm, nguyên âm đôi. Theo Hội đồng thẩm định, kiến thức này là quá sức với học sinh lớp 1, trong khi nguyên tắc của chương trình mới là giảm tải nội dung khó, nâng cao.
Theo đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo, nếu nhóm tác giả chỉnh sửa và gửi lại từ đầu, được Hội đồng thẩm định thông qua thì “Công nghệ giáo dục” vẫn chưa hết cơ hội. Tuy nhiên, Giáo sư Hồ Ngọc Đại tuyên bố là ông sẽ không chỉnh sửa nữa.
Một vấn đề đặt ra là cuốn tài liệu có rất nhiều nội dung, chi tiết “có vấn đề” như trên đã được triển khai gần như đại trà trong nhiều năm qua. Đến năm 2017, đã có 48 tỉnh thành triển khai áp dụng, với số lượng học sinh tham gia lên tới khoảng 800.000 em. Vậy ai phải chịu trách nhiệm về những nội dung được cho là khó, quá sức với học sinh lớp 1 như đã nói ở trên?
Theo nhà giáo ưu tú Trần Chút – nguyên Chủ tịch Hội ngôn ngữ học Thành phố Hồ Chí Minh - chuyên gia biên soạn sách giáo khoa Tiếng Việt, thì Bộ Giáo dục và Đào tạo phải chịu trách nhiệm về việc đã cho phép triển khai áp dụng tài liệu Tiếng Việt 1 – Công nghệ giáo dục trước khi có sự thông qua của Hội đồng thẩm định quốc gia (triển khai từ năm 2009 - đến 2017 mới thẩm định).
“Đến nay, tài liệu Tiếng Việt 1 - Công nghệ của Giáo sư Hồ Ngọc Đại vẫn ghi là “Tài liệu thí điểm”. Tuy nhiên, thực tế đã triển khai rộng rãi trên phạm vi 48 tỉnh thành. Bộ Giáo dục và Đào tạo cần rút kinh nghiệm sâu sắc về việc này, tránh lặp lại lần thứ hai gây ra nhiều hệ lụy cho nhà trường, giáo viên và đặc biệt là các em học sinh” – nhà giáo Lê Văn Vỵ (Hà Tĩnh) bày tỏ.
Theo Quang Đại
Báo Lao động