Một ngày kiếm tiền triệu của Gen Z làm nghề... chụp ảnh bằng điện thoại
(Dân trí) - Chỉ với chiếc điện thoại trong tay, cô nàng Gen Z có thể đi làm "nhiếp ảnh gia" tới 30 ngày mỗi tháng, thậm chí có ngày làm cả ba buổi sáng - chiều - tối.

Nghề chụp ảnh bằng điện thoại
10h, Nguyễn Thúy Hằng (SN 2005, Vĩnh Phúc) tới quán cà phê đã hẹn trước với khách. Với buổi chụp hôm nay, khách yêu cầu chụp 2 bộ, một áo dài, một áo yếm và có trang điểm.
Cô bắt đầu soạn đồ đạc mang theo ra, kiểm tra và đi xung quanh quán xem các góc chụp trước khi khách chụp hôm nay tới.

Đồ trang điểm và các phụ kiện Hằng sử dụng trong buổi chụp.
Công việc của Hằng được gọi là photophone, nghĩa là nghề chụp ảnh bằng điện thoại. Là "nhiếp ảnh gia", nhưng ngoài cốp make up (dạng vali nhỏ đựng đồ trang điểm) ra, cô không xách thêm máy ảnh, ống kính cồng kềnh nào.
Tất cả đồ dùng hành nghề gói gọn vào một chiếc túi đeo chéo, chỉ một chiếc điện thoại, dây sạc, một chiếc máy ảnh compact nhỏ (chỉ dùng đến khi khách yêu cầu) và tấm hắt sáng.

Hằng trang điểm cho khách hàng.
"Điện thoại hay dây sạc là vật bất ly thân của tôi. Mỗi lần chuẩn bị đi làm, điện thoại phải đầy pin 100% tôi mới yên tâm ra đường", cô vừa nói vừa bắt đầu những bước trang điểm đầu tiên cho khách hàng.
Sau khoảng 2 tiếng trang điểm, làm tóc, thay trang phục, buổi chụp bắt đầu. Lựa chọn được góc chụp, Hằng và khách bắt đầu buổi chụp ngày hôm nay. Hỗ trợ cô là một bạn sinh viên giúp cầm hắt sáng, hỗ trợ chỉnh tóc tai, dáng đứng của khách khi cần.

2 người trong nhóm cùng phối hợp với nhau xuyên suốt buổi chụp.
Địa điểm chụp hôm nay là một quán cà phê với phong cách trang trí hướng đến ngày 30/4, đang được rất nhiều bạn trẻ tìm đến chụp ảnh tại Hà Nội.
"Thẳng lưng giúp em ạ. Rồi …2…3, tiếp ạ. 2…3, rồi ạ, rất đẹp ạ. Chị đổi dáng đi ạ", Hằng vừa chụp vừa tương tác với khách.


Chỉ mới 10 phút đứng máy, cô đã chụp được hơn 100 ảnh. Hằng đưa khách xem ảnh, trao đổi với khách đã ưng ý với ảnh ở góc này chưa, trước khi di chuyển qua khu vực khác chụp tiếp.
"Khi nào khách bí dáng chụp, tôi đứng luôn vào góc chụp để hướng dẫn khách để tay ở đâu, mắt nhìn hướng nào… Tôi cũng tạo không khí vui vẻ để khách thấy thoải mái, khi này nụ cười, ánh mắt, cách tạo dáng sẽ tự nhiên và nhiều ảnh đẹp hơn", cô vui vẻ kể chuyện.

Hằng cho khách xem sản phẩm trước khi đổi góc chụp.
"Mỗi buổi chụp thế này tôi tính theo giờ, nên khách có thể chụp bao nhiêu tấm tùy thích, đến khi nào ưng ý mới thôi", Hằng vừa nói vừa đếm lại tất cả số ảnh chụp trong buổi hôm nay. Theo Hằng có những khi khách chụp cả nghìn tấm là chuyện bình thường.
Không chỉ chụp một khách lẻ, nhiều buổi chụp Hằng có thể nhận nhóm khách đông tới 3-4 người.

Theo Hằng có những khi khách chụp cả nghìn tấm là chuyện bình thường.
Dù chụp 2 concept (phong cách) khác nhau, một cổ trang với áo yếm, một áo dài để kỷ niệm ngày 30/4 nhưng buổi chụp hôm nay kết thúc sớm hơn dự kiến.
"Trước đây tôi chỉ thuê thợ chụp ảnh bằng máy ảnh chuyên nghiệp. Đây là lần đầu tôi trải nghiệm chụp photophone mà kết quả ngoài mong đợi", khách hàng nữ phấn khởi chia sẻ sau khi kiểm tra toàn bộ ảnh của buổi chụp.

Hằng cùng khách hàng xem lại những bức ảnh đã chụp.
Nếu khách có nhu cầu, Hằng sẽ chỉnh ảnh dựa trên mong muốn của khách. Trong máy cô nàng có hơn chục ứng dụng chỉnh ảnh, từ chỉnh màu, photoshop, cho đến làm đẹp chân dung.
Trong lúc đợi khách thay đồ, Hằng tranh thủ sửa trước một vài ảnh. Cô thành thục các thao tác căn lại bố cục, ánh sáng, lựa chọn màu ảnh…
Với ca chụp trong buổi sáng này, chi phí khách cần thanh toán là khoảng 400.000 đồng (bao gồm cả chi phí trang điểm).


Xong việc, Hằng lại tranh thủ đăng ảnh của một khách cũ trên Instagram, Tiktok, Facebook của mình để PR công việc. Tất cả tác vụ chỉ diễn ra trên chiếc điện thoại chưa đến 7 inch trên tay.
"Nhiều khi chụp cho khách không cần trang điểm, tôi chỉ đeo mỗi túi xách tay đựng điện thoại, sạc, hắt sáng. Vậy mà có thể chụp được cả 3 buổi sáng - chiều - tối trong một ngày", Hằng vừa nói vừa ấn nút đăng bài.
Kiếm tiền nhờ nhu cầu "sống ảo"
Như nhiều Gen Z khác, khi có thời gian rảnh, Hằng và bạn bè thường cùng nhau tới các quán cà phê để trò chuyện và chụp hình.
"Nói như trên mạng thì một buổi đi chơi thành công là một buổi đi chơi có ảnh đẹp mang về, mà tôi thường xuyên là người được bạn bè 'tin tưởng' bấm máy", cô bắt đầu kể chuyện.
Nhận thấy tay nghề của mình được bạn bè tin tưởng, cộng thêm nắm bắt xu hướng chụp ảnh của phái nữ đang có sự thay đổi, cô bắt đầu nghĩ đến chuyện kiếm tiền từ việc chụp ảnh theo yêu cầu tại các quán cà phê như thế này.

Nghề photophone giúp đem lại cho Hằng nguồn thu nhập "trong mơ" với nhiều sinh viên.
"Tôi nhớ như in mình bắt đầu đăng bài PR đầu tiên lên fanpage vào ngày 29/12/2024. Chỉ ngay ngày hôm sau - 30/12 - tôi đã có khách hàng đầu tiên", cô nàng hào hứng kể.
Càng về sau, số lượng khách càng lớn. Để phục vụ công việc, cô đầu tư thêm chiếc digicam nhỏ để chụp khi khách có nhu cầu - đây cũng là xu hướng ở thời điểm hiện tại.
"Nhiều người không sẵn sàng chi cả triệu đồng cho một buổi chụp hình có thợ chụp chuyên nghiệp, chụp bằng máy ảnh tại các studio. Nhiều khi chỉ cần mặc đồ và make up thật xinh, ra quán cà phê và có ảnh đẹp đã là thỏa mãn rồi, mà chi phí có khi chỉ bằng 1/5, thậm chí 1/10 so với việc ra studio", cô kể.
"Chỉ trong tháng đầu tiên cận Tết, tôi nhận lịch chụp không kịp thở. Thậm chí đến 29 Tết, tôi vẫn có lịch đi chụp. Vậy là chỉ riêng trong tháng đó, trừ đi mọi khoản, con số tôi kiếm được đã lên tới hơn 9 triệu đồng", cô kể.

Có những ngày Hằng đi chụp kín lịch cả 3 buổi.
Nhờ tần suất khách đặt lịch ổn định, Hằng nhanh chóng thu hồi vốn. Thậm chí với số lượng khách ngày càng nhiều, cô mở rộng hệ thống nhân sự, đều là các bạn sinh viên có cùng sở thích chụp giống mình.
Đã có lúc Hằng và các bạn nhận chụp đến 30 ngày trong tháng, hầu như ngày nào cũng kín lịch nhưng cô đặt ra những nguyên tắc để cân bằng giữa việc học và đi chụp.
"Sau khi tính toán thời gian của các ca học tại trường, cân đối lịch chụp của cả các nhân sự khác, khi này tôi mới chốt lịch và người chụp với khách để đảm bảo không ai trong nhóm bị ảnh hưởng đến việc học", cô chia sẻ.
Khác với các công việc làm thêm truyền thống của sinh viên như bưng bê, bán hàng phải làm việc trong khoảng thời gian cố định và nặng nhọc, công việc photophone có thời gian làm việc ngắn và dễ sắp xếp hơn. Có ngày nhiều khách đặt lịch chụp, con số thu nhập cũng sẽ cao hơn.

Mọi công việc được thao tác hoàn toàn trên điện thoại.
Kết thúc ca chụp buổi chiều lúc 17h, Hằng lại nhanh chóng thu dọn đồ đạc để chuẩn bị chụp khách buổi tối.
"Hầu như ngày nào cũng có khách, thậm chí có những ngày tôi còn đi chụp ở ngoại thành, ngoại tỉnh là bình thường", Hằng đóng cốp make up và di chuyển.