5 cách giúp khơi dậy trí thông minh cảm xúc

(Dân trí) - Trí thông minh cảm xúc (EQ hoặc EI) là một trong những chỉ số đo lường thành công hiệu quả nhất trong công việc. Tại sao ư? Bởi EQ không chỉ là khả năng xác định và quản lý cảm xúc của chính bạn mà còn là khả năng nhận ra cảm xúc của người khác. Các nghiên cứu cho thấy rằng người có năng suất làm việc cao nhất cũng là người có trí thông minh cảm xúc cao hơn.

5 cách giúp khơi dậy trí thông minh cảm xúc - 1

Trong rất nhiều trường hợp nhân viên cảm thấy thất vọng với người quản lý của họ và sẵn sàng ra đi vì mối quan hệ không tốt đẹp giữa hai bên, mà nguyên nhân thường là do cấp trên không thể hiện mức độ thông minh cảm xúc cao. Đừng để người đó là bạn. Dưới đây là 5 cách để phát triển EQ của bạn được chia sẻ từ Trưởng phòng Tư vấn Tuyển dụng Careerlink.vn, một trong những trang web uy tín trong lĩnh vực tuyển dụng và tìm kiếm việc làm, hãy cùng tham khảo nhé!

Xem thêm các việc làm được cập nhật mới nhất tại careerlink.vn

  1. Quản lý tốt cảm xúc tiêu cực

Khi quản lý tốt và có thể giảm cảm xúc tiêu cực thì bạn sẽ ít có khả năng rơi vào tình trạng quá sức chịu đựng. Tuy nhiên, nói dễ hơn làm phải không? Vậy thì hãy thử điều này: Nếu ai đó làm bạn khó chịu, đừng vội vàng đưa ra phán xét. Thay vào đó, cần để bản thân xem xét tình huống theo nhiều hướng khác nhau, cố gắng nhìn vào mọi khía cạnh một cách khách quan nhất. Hãy thực hành chánh niệm (nhìn nhận những điều đang xảy ra mà không đưa ra bất cứ nhận xét chủ quan nào) tại nơi làm việc và xem quan điểm của bạn thay đổi ra sao nhé!

2. Phát triển vốn từ vựng

Một điều quan trọng khác cần thực hiện để nâng cao chỉ số EQ và cũng để cải thiện nhiều hơn khả năng giao tiếp, đó chính là phát triển vốn từ vựng. Không phải ai cũng dễ dàng biểu đạt cảm xúc cũng như truyền tải quan điểm một cách rõ ràng. Những người thông minh cảm xúc có xu hướng sử dụng từ ngữ chính xác, cụ thể để mô tả đúng tình huống, khó khăn đang gặp phải và ngay lập tức đưa ra phương pháp giải quyết hữu hiệu. Chẳng hạn, khi đã có buổi làm việc không mấy tốt đẹp với cấp trên, người có trí thông minh cảm xúc cao sẽ nghĩ ngay đến lí do gì đã khiến không khí tồi tệ đến vậy và cách để có thể cải thiện trong lần sau. Khi có thể xác định những gì đang diễn ra, bạn có khả năng giải quyết vấn đề nhanh hơn, tốt hơn thay vì lúng túng và bối rối.

5 cách giúp khơi dậy trí thông minh cảm xúc - 2

Để nâng cao vốn từ thì tốt nhất là bạn nên chăm đọc sách nhiều thể loại, nghe nhiều các chương trình tin tức và tranh thủ cơ hội giao tiếp với mọi người xung quanh. Theo thời gian thì bạn sẽ tự tích lũy thêm vốn từ vựng cho bản thân và chuyện “kết nối cảm xúc” cũng vì thế sẽ hiệu quả hơn.

3. Thực hành sự đồng cảm

Đồng thời với việc tăng vốn từ vựng thì vấn đề tiếp theo để cải thiện trí tuệ cảm xúc chính là thực hành sự đồng cảm với những người xung quanh, cụ thể là bạn phải “bắt sóng” được cảm xúc khác nhau của họ. Điều này sẽ giúp bạn hiểu ý từng đồng nghiệp và khách hàng nhằm cải thiện và duy trì tốt mối quan hệ, mở ra cơ hội cộng tác mới trong tương lai.

Cách đơn nhất để “tìm dây kết nối” với mọi người chính là chú tâm quan sát, tập trung vào các tín hiệu bằng lời nói và không lời giúp bạn có cái nhìn sâu sắc về cảm xúc của họ, đồng thời đứng vào vị trí của họ để suy nghĩ, đánh giá. Sự đồng cảm không có nghĩa là đồng tình với các hành vi không thể chấp nhận, mà điều đó nhắc nhở bạn rằng mọi người đều có vấn đề riêng của họ.

4. Hiểu những điều khiến bạn căng thẳng

Tất nhiên để có thể “thấu” bản thân thì bạn phải có nhiều kinh nghiệm làm việc. Bởi khi bạn đã “kinh” qua các trải nghiệm thì sẽ hiểu rằng bản thân mạnh - yếu như thế nào và cần phải cải thiện điều gì. Từ đó, khả năng quản lý cảm xúc của bạn sẽ tốt hơn. Hãy chỉ ra chính xác điều khiến bạn cảm thấy căng thẳng và chủ động hạ thấp mức độ mắc phải. Chẳng hạn, nếu biết rằng kiểm tra email công việc trước khi đi ngủ sẽ khiến bạn lo lắng không yên thì hãy để đến hôm sau hoặc tốt hơn là chỉ làm điều đó khi đến văn phòng.

5. Vực dậy sau khó khăn

Mọi người đều gặp khó khăn trong công việc nhưng cách phản ứng với các thách thức này sẽ quyết định bạn sẽ thành công hay tiếp tục lún sâu vào khủng hoảng. Một người luôn ở trong trạng thái cảm xúc tồi tệ thì họ sẽ kém minh mẫn nên các quyết định thường mang tính nhất thời và kém hiệu quả. Ngược lại, một suy nghĩ tích cực sẽ đưa bạn đến với điều tốt đẹp. Để thoát khỏi khó khăn, hãy sống với tinh thần lạc quan thay vì phàn nàn. Hãy tự hỏi bản thân: Mình đã học được gì từ khó khăn này và đặt những câu hỏi mang tính xây dựng để biết điều gì nên làm để vượt qua thử thách một cách hiệu quả nhất.

Trung Thành