Đảo chiều mất điểm trong nửa giờ giao dịch cuối
(Dân trí) - Thị trường tăng điểm mạnh trong phiên tuy nhiên để mất thành quả vào cuối phiên. Thị trường lo ngại FED sẽ tiến hành rút đi biện pháp kích thích kinh tế.
Chỉ số S&P 500 hạ 0,4% xuống mức 1.092,17 điểm tại thị trường New York. Chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 2,57 điểm tương đương chưa đầy 0,1% xuống mức 10.194,29 điểm.
Chỉ số MSCI của TTCK 23 nước phát triển giảm 0,5%.
Trên thị trường New York, cứ 2 cổ phiếu giảm điểm thì có 1 cổ phiếu tăng điểm. Khối lượng giao dịch tăng lên mức 4,8 tỷ cổ phiếu từ mức 4,5 tỷ cổ phiếu trong phiên giao dịch ngày thứ Hai.
Cổ phiếu của nhiều nhóm ngành đi xuống trong ngày hôm qua. Cổ phiếu các công ty sản xuất hàng hóa nguyên liệu thô giảm 0,25%. Cổ phiếu năng lượng giảm 0,05%. Cổ phiếu tài chính giảm 0,36%. Cổ phiếu công nghệ tăng 0,37%.
Việc giảm điểm vào đầu phiên bắt nguồn từ việc Trung Quốc đưa ra thêm biện pháp hạn chế tín dụng ngân hàng. Nhà đầu tư tại Mỹ cũng như nhiều nơi khác lo lắng việc kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại sẽ có thể khiến đà phục hồi của kinh tế toàn cầu trở nên mất ổn định.
Ngoài ra thị trường lo lắng khi FED bắt đầu buổi họp 2 ngày về vấn đề lãi suất. Ngân hàng Trung ương dự kiến sẽ duy trì lãi suất cơ bản ở mức thấp kỷ lục, dù nhà đầu tư sẽ chăm chú theo dõi đánh giá của FED về nền kinh tế trong tuyên bố được đưa ra trong buổi họp ngày thứ Tư.
Sau khi giảm điểm nhẹ vào đầu phiên, các chỉ số hồi phục bởi thông tin chỉ số niềm tin người tiêu dùng Mỹ và lợi nhuận do một số công ty công bố tốt hơn dự báo của các chuyên gia.
Conference Board công bố chỉ số niềm tin người tiêu dùng Mỹ tháng 1/2010 tăng lên mức 55,9 từ mức 53,6 của tháng 12/2009. Chỉ số niềm tin người tiêu dùng như vậy đã tăng đến tháng thứ 3 liên tiếp và ở mức cao nhất trong hơn 1 năm.
Nguyên nhân khác khiến thị trường mất điểm còn là nhà đầu tư lo lắng về việc hạn chế quy mô cũng như hoạt động kinh doanh của các ngân hàng lớn, cổ phiếu tài chính vì thế giảm điểm sâu.
Thị trường Mỹ như vậy mất điểm phiên thứ 5 trong 7 phiên gần đây và việc thị trường Mỹ đảo chiều giảm điểm trong giờ giao dịch cuối cho thấy tâm lý nhà đầu tư đang hết sức bất an. Việc đảo chiều vào cuối phiên là đặc điểm tiêu biểu của những phiên giao dịch trong thời kỳ khủng hoảng tài chính năm 2008.
Thông báo của Tổng thống Obama vào tuần trước về việc hạn chế quy mô và hoạt động kinh doanh của các ngân hàng đã khiến thị trường Mỹ có tuần mất điểm mạnh nhất trong 10 tuần.
Cổ phiếu của những ngân hàng lớn như Goldman Sachs và JP Morgan giảm sâu.
Công ty bảo hiểm Travelers Cos công bố việc danh mục đầu tư của công ty phục hồi trong năm 2008 đã giúp lợi nhuận trong 3 tháng cuối năm 2009 tăng cao.
Phiên đầu tuần thị trường Mỹ tăng điểm bởi lạc quan về khả năng chủ tịch FED Ben Bernenke nắm giữ thêm một nhiệm kỳ mới. Nhiệm kỳ hiện tại của ông này kết thúc vào ngày Chủ Nhật.
Tuần trước, những lo lắng về khả năng tại vị của ông và kế hoạch hạn chế quy mô, hoạt động các ngân hàng của Tổng thống Obama đã khiến thị trường đi xuống.
Ông Christian Bendixen, giám đốc bộ phận nghiên cứu tại Bay Crest Partners LLC ở New York, nhận xét việc cổ phiếu Goldman Sachs giảm điểm, khối lượng giao dịch tăng cho thấy thị trường lo lắng thế nào về việc thắt chặt điều tiết có thể buộc các ngân hàng điều chỉnh lại mô hình kinh doanh của họ.
Phiên hôm qua, thị trường châu Á giảm điểm bởi những lo lắng xung quanh xếp hạng trái phiếu của Nhật và khả năng Trung Quốc tiến hành hạn chế tín dụng, đà tăng trưởng của kinh tế nước này có thể giảm bớt.
S&P hạ xếp hạng triển vọng tín dụng của Nhật xuống mức “tiêu cực” từ “ổn định” và cho biết sẽ hạ xếp hạnh dài hạn nếu kinh tế nước này tiếp tục ở mức yếu và nợ cao. Chỉ số Nikkei 225 của thị trường Nhật giảm 1,8% còn chỉ số Hang Seng của thị trường Hồng Kông giảm 2,4%.
Chỉ số FTSE của thị trường Anh tăng 0,3%, chỉ số DAX của thị trường Đức và chỉ số CAC-40 của thị trường Pháp tăng 0,7%.
Ngọc Diệp
Theo Bloomberg, Reuters