Công ty chứng khoán sẽ chia lại thị phần?
Cả nước hiện có khoảng 70 công ty chứng khoán đang hoạt động, trong khi chỉ có khoảng 0,4% dân số tham gia, là một con số quá lớn so với quy mô của thị trường.
Là một trong 3 công ty chứng khoán hàng đầu Việt Nam, Công ty CP Chứng khoán Bảo Việt (BCVS) chịu ảnh hưởng gì giữa “làn sóng” ra đời các công ty chứng khoán? Dân trí đã có cuộc phỏng vấn ông Phạm Quang Huy, Phó Tổng Giám đốc BVSC về vấn đề này.
Thị trường đi xuống, nhà đầu tư không còn mặn mà với sàn, nhiều công ty chứng khoán ra đời đang nảy sinh sự cạnh tranh khốc liệt về dịch vụ. Theo ông, liệu có xảy ra sự xáo trộn về thị phần giữa các công ty chứng khoán?
Thị trường chứng khoán có đặc thù riêng, trong đó, đa số các Công ty chứng khoán mới ra đời sẽ tập trung vào 2 nghiệp vụ chính là: nghiệp vụ môi giới chứng khoán và tự doanh. Khi tập trung vào hoạt động môi giới chứng khoán, đa số các công ty sẽ đánh vào mảng khách hàng cá nhân.
Mảng khách hàng này sẽ cạnh tranh rất dữ dội trong thời gian tới, các công ty sẽ làm sao thu hút được khách hàng của nhau, bằng rất nhiều chiêu như hạ phí, cung cấp tiện ích cho khách hàng, bổ sung các dịch vụ cho vay cầm cố…
Với những công ty chứng khoán hàng đầu, số lượng mở tài khoản lớn, khi thị trường nóng lại không thể phục vụ hài lòng tất cả, một số người sẽ chuyển sang các công ty khác để được chăm sóc tốt hơn.
Vì vậy theo tôi mảng dịch vụ môi giới chứng khoán cho các nhà đầu tư cá nhân sẽ có cạnh tranh mạnh và có thể chia lại thị phần.
Tuy nhiên cũng có những mảng dịch vụ khó chia lại thị phần như: môi giới cho các khách hàng là tổ chức đầu tư nước ngoài, tư vấn và bảo lãnh phát hành. Bởi vì ở những mảng dịch vụ này uy tín, kinh nghiệm, năng lực tài chính và đặc biệt deal flows là yếu đố quyết định trong khi đó các công ty mới chưa có được.
BVSC hiện đang phục vụ cho 75 tổ chức đầu lớn trên thế giới đầu tư vào Việt Nam (chiếm 30% tổ chức mở tài khoản tại các công ty chứng khoán) nên chúng tôi rất hiểu những yêu cầu mà các tổ chức này đòi hỏi ở các nhà môi giới trong nước.
Mặc dù có những thuận lợi nêu trên nhưng do có nhiều công ty chứng khoán mới ra đời, được đầu tư bài bản, nếu các công ty chứng khoán hàng đầu hiện nay không có chiến lược đúng đắn thì rất có thể họ sẽ bị mất thị phần thậm chí mất vị trí hiện tại.
Vậy Chứng khoán Bảo Việt đã chuẩn bị gì cho thời gian tới?
Để có thể đứng vững trong môi trường cạnh tranh rất khốc liệt này, chúng tôi đã xác định phải có một chiến lược mới phù hợp với điều kiện mới của thị trường. Theo đó chiến lược của BVSC sẽ tập trung vào dịch vụ, công nghệ, quản lý rủi ro, và con người.
Về dịch vụ BVSC sẽ cần phải tìm cách nâng cao chất lượng dịch vụ ở tất cả các mảng kinh doanh của mình.
Tại mảng môi giới, chúng tôi sẽ đầu tư mạnh vào công nghệ hướng đến cung cấp chất lượng dịch vụ môi giới như các nhà đầu tư được hưởng tại các nước trong khu vực. Các khách hàng giao dịch tại BVSC có thể đặt lệnh trực tiếp qua Internet với tốc độ và độ an toàn rất cao.
Khả năng đáp ứng của hệ thống do BVSC cùng với tổ chức tư vấn nước ngoài thiết kế lên tới 200.000 giao dịch/ngày mà không ảnh hưởng đến tốc độ của giao dịch. Khách hàng cũng có thể đặt lệnh qua điện thoại cố định, PDA hay tra cứu thông tin qua điện thoại hay SMS.
Tại mảng phân tích, chúng tôi sẽ đầu tư lớn để từng bước xây dựng một Trung tâm nghiên cứu (Resreach Center). Trung tâm này sẽ chịu trách nhiệm tổ chức công tác nghiên cứu kinh tế vĩ mô, nghiên cứu về ngành, và các doanh nghiệp.
Hiện nay BVSC có khoảng 30 chuyên gia phân tích, các chuyên gia của chúng tôi được đào tạo bài bản cả ở trong nước và nước ngoài. Chúng tôi đã phối hợp với các công ty chứng khoán lớn của nước ngoài để đưa các chuyên gia phân tích của chúng tôi sang nghiên cứu và làm việc tại các công ty này trong khoảng 6 tháng sau đó sẽ trở về làm việc tại Việt Nam.
Bắt đầu từ năm 2008, chúng tôi sẽ định kỳ phát hành các báo cáo phân tích chia làm 2 nhóm chính. Các báo cáo thị trường (strategy reports) sẽ bao gồm các báo cáo ngày, tuần và báo cáo hàng quý bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh tập trung phân tích diễn biến thị trường và nhận định về xu hướng và chiến lược đầu tư trong thời gian tới.
Các báo cáo phân tích ngành và công ty (sector reports) sẽ tập trung phân tích các ngành kinh tế trọng điểm và các Công ty lớn trong các ngành đó. Hiện BVSC đã chia ra 12 nhóm nghành và đều có các chuyên gia phân tích của từng ngành.
Tại mảng tư vấn và bảo lãnh phát hành
Chúng tôi tập trung nâng cao chất lượng tư vấn, hướng đến áp dụng thông lệ quốc tế cho hoạt động này. BVSC cũng ưu tiên phối hợp với các tập đoàn tài chính lớn của thế giới để thực hiện các thương vụ vượt ra ngoài biên giới của Việt Nam.
Hiện nay BVSC đang thực hiện một số hợp đồng tư vấn theo đúng tiêu chuẩn quốc tế trong đó có sự tham gia của cả các Ngân hàng đầu tư Quốc tế, Công ty Luật quốc tế, Công ty kiểm toán, Công ty định giá tài sản để thực hiện tư vấn cho khách hàng.
Việc áp dụng thông lệ này sẽ giúp cho BVSC đứng vững là công ty tư vấn và bảo lãnh phát hành hàng đầu tại Việt Nam và là đối tác Việt Nam tốt nhất của các Ngân hàng đầu tư Quốc tế trong các hợp đồng tư vấn lớn.
Về phát triển sản phẩm, do các sản phầm tài chính tại Việt Nam còn quá đơn giản, trong khi các sản phẩm tài chính tại các nước đã trở nên rất phức tạp. Chúng tôi sẽ tập trung nghiên cứu để có thể giới thiệu các sản phẩm mới tại thị trường chứng khoán Việt Nam, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư có thể có thêm sự lựa chọn để đầu tư cũng như có thêm các công cụ quản lý rủi ro hữu hiệu cho mình.
Để “giữ chân” người tài, nhiều công ty chứng khoán không tiếc áp dụng các biện pháp mạnh về tài chính như trả lương, thưởng hậu hĩnh. Với BVCS thì sao, thưa ông?
Cùng với chiến lược kinh doanh lấy khách hàng làm trọng tâm, BVSC còn xác định con người là nhân tố quan trọng hàng đầu; vì vậy, chúng tôi xây dựng chính sách nhân sự nhằm thu hút và giữ chân người tài thông qua chính sách lương, thưởng và các chế độ đãi ngộ khác.
Hiện lương trung bình của Công ty năm 2008 lên tới 1000 USD/người. Đặc biệt, trong năm 2006 nhân viên của BVSC được mua cổ phiếu với giá ưu đãi. Cổ phiếu này được chuyển nhượng 50% trong 2 năm và chuyển nhượng toàn bộ trong 4 năm.
Rời bỏ trụ sở 94 Bà Triệu vốn đã quen thuộc với nhà đầu tư để chuyển qua toà nhà số 8 Lê Thái Tổ, đây có phải là cách để BVSC “làm mới” mình hay không?
BVSC có 30.000 khách hàng, thương hiệu BVSC cũng đã khẳng định rồi, sàn giao dịch ở 94 Bà Triệu không đáp ứng đủ nhu cầu giao dịch của khách hàng hiện tại, kể cả cơ sở vật chất và những tiện ích cho khách hàng.
Chuyển sang trụ sở mới, BVSC sẽ có điều kiện để chăm sóc và phục vụ khách hàng tốt hơn.
- Xin cám ơn ông!
P.V