Xem xét xử lý 58 trường hợp bổ nhiệm người nhà tại 9 địa phương
(Dân trí) - Sau khi kết luận cụ thể về 58 trường hợp bổ nhiệm người nhà, người quen tại 9 địa phương, Bộ Nội vụ sẽ yêu cầu Chủ tịch các tỉnh chỉ đạo thu hồi, miễn nhiệm những cán bộ được cất nhắc không đúng hoặc bố trí lại công việc nếu quy trình tuyển dụng đúng nhưng vị trí công việc không phù hợp.
Vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Nội vụ kiểm tra các vụ việc báo chí phản ánh hiện tượng lãnh đạo một số địa phương tuyển dụng, bổ nhiệm người nhà tại các đơn vị do mình quản lý. Kết quả của Bộ Nội vụ xác định có 58 trường bổ nhiệm người nhà tại 9 địa phương và báo cáo cụ thể với Thủ tướng.
Trao đổi thêm về việc này, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cho biết, kết quả kiểm tra này, Bộ Nội vụ đã tổ chức họp báo thông tin rộng rãi vào ngày 17/2 vừa qua.
Về 58 người nhà được bổ nhiệm, tuyển dụng ở 9 địa phương đã xác định, Thứ trưởng Nội vụ cho rằng, quan trọng nhất sau khi kiểm tra, Bộ sẽ cùng với tỉnh xử lý những trường hợp bổ nhiệm, tuyển dụng không đúng.
Cụ thể, theo ông Thăng, với những cán bộ không đủ điều kiện bổ nhiệm hoặc quy trình bổ nhiệm, tuyển dụng chưa đảm bảo, hoặc việc bổ nhiệm đúng nhưng người đó không phù hợp vị trí việc làm được phân, Bộ Nội vụ sẽ yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh này xem xét lại. Trên cơ sở đó, địa phương phải thu hồi quyết định, tiến hành miễn nhiệm với những trường hợp bổ nhiệm không đúng; trường hợp tuyển dụng vào bộ máy mà không đúng vị trí thì phải bố trí lại công việc khác.
“Quan trọng nhất, tôi nhắc lại, ở bất cứ vị trí công tác nào khi tuyển dụng, bổ nhiệm nhân sự, ngoài những trường hợp cấm như “cấm” người thân trực tiếp (vợ, chồng, con…) thì việc tuyển dụng, bổ nhiệm còn phải tuân theo đúng tiêu chuẩn, điều kiện, trên cơ sở xét xem xác định có phù hợp với vị trí, việc làm, có phù hợp đảm nhận công việc không” – Thứ trưởng Nội vụ nhấn mạnh.
Thứ trưởng Nội vụ cũng nhận thêm câu hỏi về tiến độ soạn thảo quy chế xử lý kỷ luật cán bộ công tác đã nghỉ hưu mà Bộ này được Chính phủ giao làm để tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, có thể áp chế tài hành chính với cán bộ công chức ngay cả khi người đó đã ra khỏi cơ quan nhà nước. Ông Thăng cho biết, Bộ Nội vụ đang tích cực thành lập ban soạn thảo để tham gia xây dựng dự thảo quy chế, trình Quốc hội xem xét. Trước hết, theo ông Thăng, cần phải thống nhất để trình Quốc hội thông qua được chủ trương về hình thức văn bản sẽ ban hành, là luật mới hay luật sửa đổi, bổ sung luật Cán bộ, công chức, viên chức hay một loại văn bản quy phạm pháp luật khác.
“Cách tiếp cận là làm thế nào để đảm bảo xử lý nghiêm minh, công bằng với cán bộ, kể cả khi đã về hưu. Bộ Nội vụ đang tích cực triển khai việc này, khi nào xong sẽ cung cấp thông tin đến báo chí” – ông Thăng chốt lại.
P. Thảo