Vua chúa và Công hầu không nên buôn bán

(Dân trí) - “Ta là vua mà các người biến ta thành ông chủ kho hàng ư. Người nghèo lấy gì ăn nếu chúng ta tranh mất nghề của họ? Ta đã là vua thì ai có thể phạt ta, nếu ta làm hãng độc quyền? Ai sẽ buộc ta thực hiện các hợp đồng?... Dân chúng tin vào tính công bằng của ta chứ không tin vào sự giàu có của ta”.

 


Ông Vũ Ngọc Hoàng - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương. (Ảnh: Quang Phong)

Ông Vũ Ngọc Hoàng - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương. (Ảnh: Quang Phong)

 

 

Trong cuốn sách “Bàn về Tinh thần Pháp luật” (được dịch từ tiếng Pháp – De L’Esprit Des Lois) của tác giả Montesquieu - nhà triết học người Pháp từ nửa đầu thế kỷ thứ 18 (1689-1755) do Nhà xuất bản Lý luận chính trị phát hành tái bản lần thứ nhất năm 2006, tại chương 19 có đoạn viết:

“Vua chúa và Công hầu không nên buôn bán

Théophile trông thấy con tàu có các hàng hóa của vợ ông là Théodora, liền hạ lệnh đốt tàu này. Ông nói: “Ta là vua mà các người biến ta thành ông chủ kho hàng ư. Người nghèo lấy gì ăn nếu chúng ta tranh mất nghề của họ?”. Và ông nói thêm: “Ta đã là vua thì ai có thể phạt ta, nếu ta làm hãng độc quyền? Ai sẽ buộc ta thực hiện các hợp đồng? Ta buôn thì các triều thần cũng sẽ buôn, họ sẽ tham lam hơn, bất công hơn ta. Dân chúng tin vào tính công bằng của ta chứ không tin vào sự giàu có của ta đâu. Thuế đánh vào dân quá nặng làm cho dân nghèo đói, đó là điều chắc chắn đưa chúng ta đến chỗ suy vong”.

Đó là chuyện từ thời vua chúa phong kiến, khi mà cả giang sơn, mọi thần dân đều là của “trẫm”, mọi quyền sinh quyền sát đều trong tay vua, thời mà hai chữ dân chủ dường như còn chưa tồn tại, mà vị minh quân đã nhận ra cái đức, định ra chuẩn mực về sự anh minh công bằng cần có của các bậc Vua chúa, Công hầu.

Vậy mà ngày nay, trong thời đại văn minh này, chúng ta lại phải chứng kiến một sự thật hiển nhiên, hiện diện hàng ngày, sờ sờ ngay trước mắt cái sự mà vị Vua Théophile anh minh từ thời xa xưa kia đã biết từ chối, đã khẳng khái cự tuyệt và chỉ đích danh, bằng những ngôn từ mộc mạc mà dễ hiểu: “Vua chúa và Công hầu không nên buôn bán”.

Ở nước ta, hàng chục năm nay, không ít vợ con của các quan chức đi “buôn bán”, kể cả “buôn thần, bán thánh” và  bản thân quan chức cũng tham gia hoạt động “lợi ích nhóm” tiêu cực, buôn bán dự án, đất đai, giấy phép, cấp tiền, cho vay và mua bán cả chức quan lớn, bé. Lãnh đạo Đảng và Nhà nước luôn hô hào chống tham nhũng, “lợi ích nhóm” tiêu cực, cũng đã có những biện pháp đáng kể, nhất là vài ba năm gần đây, nhưng nhìn chung tình hình vẫn còn rất xấu, làm mất lòng tin trong dân chúng.

Nhiều cán bộ, đảng viên và nhân dân mong muốn nhiệm kỳ XII của Đảng cần quan tâm hàng đầu việc chống tham nhũng, “lợi ích nhóm”, từ việc đề ra chủ trương giải pháp đến việc chọn nhân sự, sao cho lòng tin không mất thêm mà bắt đầu khôi phục, tạo đà cho nhiệm kỳ đến có sự phát triển bền vững và lành mạnh hơn, không để cho quyền lực bị tiếp tục tha hóa, dẫn đến nguy cơ đổ vỡ từ bên trong. Trong nhiệm kỳ XII của Đảng cần sớm có các quy định cụ thể về kiểm soát quyền lực, chống lộng quyền, minh bạch thông tin và trách nhiệm giải trình, tự do ngôn luận trong chống tham nhũng, không có vùng cấm, vùng “nhạy cảm” và quy định cụ thể về việc người nhà (như vợ, chồng, con…) của các quan chức chủ chốt từ cấp tỉnh, bộ trưởng trở lên không được tham gia kinh doanh trên lĩnh vực và địa bàn mà người nhà phụ trách, đồng thời phải chịu sự giám sát chặt chẽ của các cơ quan nhà nước và công luận về nguồn gốc các khoản thu nhập của các doanh nghiệp này. Nước ta cũng nên quyết liệt thực hiện chi tiêu không bằng tiền mặt, không được rút nhiều tiền mặt ra khỏi ngân hàng, tập trung giao dịch qua chuyển khoản minh bạch; thực hiện đánh thuế lũy tiến đối với bất động sản cá nhân; quy định trách nhiệm giải trình công khai minh bạch và thanh tra về tài sản và nguồn thu nhập của các gia đình cán bộ chủ chốt, xem xét trách nhiệm và thực hiện miễn nhiệm quản lý đối với những người trực tiếp phụ trách lĩnh vực, địa bàn, và đơn vị mà xảy ra tham nhũng.

Nói chung, trong chống tham nhũng, cần ưu tiên hàng đầu việc đề ra những cơ chế quản lý cụ thể, kể cả luật và các quy định hành chính khác, để cán bộ không dám và không thể tham nhũng. Đầu tư thỏa đáng cho việc nghiên cứu, học kinh nghiệm các nước làm tốt, đề ra các quy định có chất lượng và hiệu quả thiết thực, thay cho việc nêu nhiều khẩu hiệu hoặc quan điểm chung chung, trừu tượng. Chống tham nhũng là công việc hết sức hệ trọng đối với nước ta hiện nay, để đảm bảo cho sự ổn định chính trị và phát triển bền vững đất nước, quy tụ lòng người để bảo vệ Tổ quốc; vừa phải khẩn trương, quyết liệt như chống giặc, vừa là việc phải rất khoa học thì mới có hiệu quả. Nhiều người mong đợi những chuyển biến mới thực chất trong lĩnh vực này.

Vũ Ngọc Hoàng
Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương