Việt Nam - Indonesia thúc đẩy đàm phán phân chia vùng biển chồng lấn

(Dân trí) - Mới đây, Indonesia đã cho hồi hương 695 ngư dân Việt Nam bị bắt giữ. Hai nước đang thúc đẩy đàm phán về việc phân chia vùng đặc quyền kinh tế chồng lấn và đẩy mạnh hợp tác về biển, nghề cá… Đây là nội dung trao đổi giữa Phó Thủ tướng Việt Nam Vương Đình Huệ và Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Retno Marsudi chiều 19/7.

Nhận lời mời của Chính phủ Indonesia và Tổng thư ký ASEAN , Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã tới thủ đô Jakarta, bắt đầu chuyến thăm làm việc tại đất nước này và trong buổi chiều ngày 19/7, Phó Thủ tướng làm việc với Bộ trưởng Ngoại giao Retno Marsudi, Bộ trưởng Thương mại Enggartiasto Lukita.

Tại các cuộc làm việc, Phó Thủ tướng khẳng định, việc thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược năm 2013 đã mở ra một chương hợp tác mới giữa Việt Nam và Indonesia, đưa quan hệ song phương phát triển cả về bề rộng và chiều sâu.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đến thăm, làm việc tại Indonesia chiều 19/7.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đến thăm, làm việc tại Indonesia chiều 19/7.

Phó Thủ tướng ghi nhận, cảm ơn sự tích cực của Bộ Ngoại giao Indonesia trong việc mới đây đã cho hồi hương 695 ngư dân Việt Nam bị bắt giữ.

Bộ trưởng Ngoại giao nước này, bà Retno Marsudi khẳng định sẽ hợp tác để thúc đẩy đàm phán để sớm đạt được thỏa thuận phân chia vùng đặc quyền kinh tế chồng lấn giữa hai nước. Hai bên nhất trí đẩy mạnh hợp tác về biển và nghề cá.

Bộ trưởng Ngoại giao Retno Marsudi cũnghoàn toàn ủng hộ để Việt Nam tổ chức thành công Năm APEC 2017, nhất trí tăng cường hợp tác trong vấn đề Biển Đông nhằm bảo đảm duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải và hàng không ở khu vực; giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở Luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Luật biển năm 1982 (UNCLOS).

Trao đổi với Bộ trưởng Thương mại Enggartiasto Lukita về hợp tác khu vực và quốc tế, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định chủ trương của Việt Nam về hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện, tăng cường kết nối kinh tế khu vực, ưu tiên thúc đẩy các sáng kiến liên kết kinh tế khu vực, trong đó có RCEP.

Hai bên hài lòng ghi nhận hợp tác hai nước trong các lĩnh vực tiếp tục phát triển tốt đẹp và mạnh mẽ, nhất là hợp tác kinh tế-thương mại và đầu tư; thống nhất tăng cường hợp tác sản xuất hồ tiêu cả về chất lượng và số lượng trong khuôn khổ hoạt động của Hiệp hội hồ tiêu quốc tế (có trụ sở tại Jakarta); chuẩn bị tích cực cho kỳ hợp lần thứ 7 của Ủy ban hỗn hợp về Hợp tác kinh tế, khoa học và kỹ thuật vào đầu tháng 8 tới để trao đổi các biện pháp cụ thể, trong đó có việc nỗ lực đề ra các biện pháp nhằm đưa kim ngạch song phương sớm đạt mục tiêu 10 tỷ USD vào năm 2018 (năm 2016 là 6 tỷ USD- PV).

P.T