Trưởng đặc khu phải có “bàn tay sắt” mới mong thành công!

(Dân trí) - “Làm đặc khu nhất định phải thành công. Cần rút kinh nghiệm từ sự thất bại của các khu kinh tế, khu chế xuất, khu cửa khẩu… đã quá nhiều vừa qua. Muốn vậy, Trưởng đặc khu cần phải có một bàn tay sắt” – đại biểu Quốc hội Vũ Trọng Kim nêu quan điểm tại phiên thảo luận chiều 10/11 về dự luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt.

Kinh tế “giậm chân tại chỗ, bước lên từ từ”

Đại biểu Vũ Trọng Kim phân tích, chủ trương xây dựng các đặc khu kinh tế đã được chờ đợi lâu, quyết định ở thời điểm này cũng không còn sớm.

Theo ông Kim, trước Đại hội Đảng khoá 12, cả nước thực hiện tổng kết 30 năm đổi mới thì một vấn đề được cảnh báo là các nguồn lực của đất nước đã gần tới mức cạn kiệt, không nhìn thấy động lực cho sự phát triển trong thời gian tới.

“Sự giậm chẫn tại chỗ, bước lên từ từ đã bộc lộ trong suốt thời gian qua. Cần tìm giải pháp phát triển kinh tế để nó quay lại thúc đẩy phát triển chính trị, nâng cao dân chủ” – đại biểu Kim đặt nhiều kỳ vọng đặc khu sẽ là động lực mới, quan trọng cho sức phát triền nền kinh tế.

Đại biểu Vũ Trọng Kim: Phải trao quyền cho cá nhân người đứng đầu đặc khu mạnh mẽ hơn, tránh tình trạng chồng lớp quản lý.
Đại biểu Vũ Trọng Kim: "Phải trao quyền cho cá nhân người đứng đầu đặc khu mạnh mẽ hơn, tránh tình trạng chồng lớp quản lý".

Ủng hộ việc làm luật với đối tượng điều chỉnh là 3 đặc khu xác định Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc vì đây là những địa chủ phù hợp về chiến lược, vị trí để hướng ngoại, ông Kim cho rằng, ý nghĩa cho việc xây dựng mô hình đặc biệt này là “tìm miền đất mới cho sự phát triển”. Đặc khu có thể tạo ra hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với các đơn vị lãnh thổ thông thường trong nước, là giải pháp mạnh khi những chính sách kinh tế thông thường gần như không còn dư địa.

Nhấn mạnh về sự đặc biệt, đột phá, đại biểu Vũ Trọng Kim cũng chọn phương án tổ chức bộ máy theo thiết chế Trưởng đặc khu để đảm bảo tính hiệu quả, tinh gọn, tránh tình trạng việc gì cũng phải quyết định tập thể. Đại biểu khuyến cáo: “Phải trao quyền cho cá nhân người đứng đầu đặc khu mạnh mẽ hơn, tránh tình trạng chồng lớp quản lý, thay vì cảnh “2 mẹ 1 cha” thì loanh quanh lại thành “2 cha 1 mẹ”, không tạo được gì khác biệt”.

Nguyên lý của việc tập trung quyền lực trong trường hợp này, theo ông Kim chính là mở hết cỡ cho không khí dân chủ tràn vào như một làn gió mới mẻ. Các cơ chế dân chủ trực tiếp, theo đó, phải đặt lên cao hơn so với dân chủ đại diện.

Đại biểu thậm chí cho rằng, các cấp giám sát với Trưởng đặc khu chỉ cần Chủ tịch tỉnh, Trung ương và cơ chế hội nghị đại biểu nhân dân tổ chức định kỳ hàng quý hoặc 1 năm 2 lần để người đứng đầu trả lời trực tiếp trước nhân dân là được, không cần tới cả HĐND cấp tỉnh hay Hội đồng tư vấn – giám sát…

“Làm đặc khu nhất định phải thành công, không được để sai sót. Cần rút kinh nghiệm từ sự thất bại của các khu kinh tế, khu chế xuất, khu cửa khẩu đã quá nhiều vừa qua. Muốn vậy, Trưởng đặc khu cần phải có một bàn tay sắt chứ nếu không chắc không làm được” – ông Kim chốt lại.

Không thiếu kênh giám sát quyền lực

Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long cũng nhấn mạnh quan điểm, cơ chế cho đặc khu dứt khoát phải vượt trội chứ không nên tư duy kiểu “nhùng nhằng”, chỗ này mở cho đôi chút rồi đến phần khác lại tìm cách kéo lại, sẽ không giải quyết được vấn đề gì.

Nhất trí mô hình tổ chức theo phương án 1, ông Long cho rằng, kiểm soát hoạt động của một con người không khó, trước hết chính là bằng cách giảm bớt thủ tục và tăng cường nguyên tắc chịu trách nhiệm cá nhân.

Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long là đại biểu Quốc hội của tỉnh Kiên Giang, nơi sẽ có đặc khu Phú Quốc.
Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long là đại biểu Quốc hội của tỉnh Kiên Giang, nơi sẽ có đặc khu Phú Quốc.

“Cơ chế kiểm soát đương nhiên là một chìa khoá nhưng kể cả các kênh giám sát cũng nên giảm. Quản lý Đảng chắc chắn có, chính quyền cấp trên cũng cần và thêm một công cụ là quyền dân chủ của người dân là đủ, không cần cả HĐND cấp trên. Mô hình tổ chức này thì khác biệt hẳn” – Bộ trưởng Tư pháp phát biểu.

Cũng đồng tình với phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật song đại biểu Đỗ Thị Lan - Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Quảng Ninh đề nghị cần luật hoá cơ chế dùng ngân sách để lại đầu tư cho hạ tầng đặc khu cho những năm đầu.

Cũng như nhiều ý kiến nghiêng về phương án 1 về mô hình tổ chức bộ máy, tức là chỉ có Trưởng đặc khu và trao quyền đặc biệt cho chức danh này, bà Lan phân tích, qua 7 năm thí điểm bỏ HĐND quận, huyện, phường vẫn đảm bảo sự quyết định của địa phương và có đổi mới.

Với đặc khu, theo bà Lan, không thiếu cơ chế để giám sát. Quốc hội có quyền thành lập đặc khu nên cơ quan của UB Thường vụ có quyền giám sát đặc khu và Trưởng đặc khu, HĐND cấp tỉnh cũng có chức năng giám sát và giám sát của cấp uỷ đảng, mặt trận đoàn thể. Trưởng đặc khu cũng phải tiếp công dân liên quan đến thực hiện quyền lực… Yêu cầu về việc giám sát quyền thực, theo đó, vẫn đảm bảo.

Cũng chọn phương án 1, đại biểu Trần Văn Minh (Quảng Ninh) cho rằng, thiết chế Trưởng đặc khu không trái với Hiến pháp, vì Hiến pháp trao quyền cho luật định, dù có khác với luật tổ chức chính quyền địa phương thì luật ra sau có thể khác.

Ông Minh cũng cho rằng mọi cái mới đều xuất phát từ cá nhân và phải giao đủ quyền lực cho cá nhân đó. Hoàn toàn thống nhất nguyên tắc phải có cơ chế kiểm soát phù hợp để tránh lạm quyền, ông Minh cho rằng dự thảo luật đưa ra nhiều hình thức giám sát khá đủ. Tuy nhiên quy định thì còn chung chung, cần làm rõ mối quan hệ công việc chế độ báo cáo với HĐND và UBND cấp tỉnh, các cơ quan Trung ương, tránh thực hiện giám sát hình thức hoặc giám sát tràn lan vì e lạm quyền.

P.Thảo