Trung Quốc sẽ mất nhiều hơn được

Trao đổi với PV Tiền Phong, Thiếu tướng Lê Văn Cương (nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược, Bộ Công an) cho rằng, những hành động vi phạm chủ quyền gần đây của Trung Quốc sẽ đánh mất hình ảnh một đất nước “phát triển hòa bình” và Trung Quốc sẽ mất nhiều hơn được.

Hành động có chủ ý lâu dài


Hành động có chủ ý lâu dài

Ông đánh giá thế nào về việc Trung Quốc quyết định thành lập “thành phố Tam Sa” với phạm vi quản lý bao gồm hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam; mời thầu dầu khí ngay tại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam mới đây?

Hành động của Trung Quốc được tính toán rất cẩn thận cả về không gian và thời gian, chứ không phải là bột phát. Nó thuộc chính sách đối ngoại của Trung Quốc. Vậy tại sao Trung Quốc lại hành động vào lúc này, không sớm hơn và muộn hơn?

Có thể nói Trung Quốc gây chuyện với Philippinnes và đã phần nào thành công ở bãi cạn Scarborough (nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippinnes).

Mục tiêu của Trung Quốc tại Scarborough là thử phản ứng của Mỹ. Mỹ tuyên bố trở lại Châu Á, củng cố liên minh với Philippines, tiến hành tập trận chung, trang bị hiện đại cho hải quân. Scarborough nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Philippines.

Theo Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) thì Philippines có quyền chủ quyền và quyền tài phán với vùng biển này. Hành động của Trung Quốc là vi phạm, đi ngược lại UNCLOS 1982.

Qua vụ việc này, Trung Quốc biết được ranh giới, vạch đỏ của Mỹ trong can thiệp vào Biển Đông.

Mỹ đã không vượt quá vạch đỏ, dừng ở tuyên bố không can thiệp vào tranh chấp chủ quyền, yêu cầu các nước giải quyết bằng thương lượng hòa bình, đảm bảo lưu thông hàng hải quốc tế. Tôi đã nhận định cách đây 1 tháng rằng, chắc chắn sau Scarborough sẽ đến Việt Nam.

Đây cũng là phản ứng mang tính trả đũa sau khi Quốc hội Việt Nam thông qua Luật Biển Việt Nam. Trước khi có hành động này, hàng trăm tờ báo Trung Quốc đã có những bài viết xuyên tạc, vu cáo Việt Nam.

Đậm đặc nhất là từ ngày 20- 6 đến trước khi Tổng Cty Dầu khí hải dương Trung Quốc (CNOOC) mời thầu khai thác dầu khí tại vùng biển của Việt Nam. Nhiều bài viết bịa đặt, vu cáo 100% về Việt Nam, nói “Việt Nam xâm phạm chủ quyền Trung Quốc” “Việt Nam hiếu chiến”…

Thử hỏi những nhà lãnh đạo Bắc Kinh, những điều báo chí Trung Quốc viết đúng hay sai? Rõ ràng, Trung Quốc đã chuẩn bị dư luận trong nước. Mỗi hành động Trung Quốc đều chuẩn bị chu đáo, ý đồ “đánh lận con đen”, bôi nhọ nước khác.

Ngoài ra, trong nội bộ Trung Quốc cũng có vấn đề. Vụ Bạc Hy Lai tôi đánh giá nghiêm trọng hơn vụ Trần Hy Đồng tại Bắc Kinh và Trần Lương Vũ tại Thượng Hải, tạo không khí rất căng trong xã hội Trung Quốc. Hành động vừa qua còn có ý giảm bớt sức nóng trong nội bộ và chuyển sức nóng ra bên ngoài.

Theo ông mục tiêu của Trung Quốc trong các chuỗi hành động này là gì?

Mục tiêu xuyên suốt, chiến lược của Trung Quốc là biến những vùng biển không tranh chấp thành vùng biển tranh chấp. Đây là giai đoạn một.

Giai đoạn hai là biến vùng biển tranh chấp thành vùng biển của mình, khẳng định chủ quyền với những vùng biển này.

Scarborough không phải là vùng biển tranh chấp mà thuộc chủ quyền của Philippines. 9 lô dầu khí mà công ty Trung Quốc vừa mời thầu hoàn toàn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, hoàn toàn không có tranh chấp với quốc gia nào.

Điều này giống như hai gia đình độc lập, có sổ đỏ, nhưng đường đột nhà bên cạnh đưa người sang đánh bắt cá trong ao nhà hàng xóm nhưng lại lu loa lên là ao tranh chấp.

Cho nên, ý đồ, âm mưu lâu dài của Trung Quốc là lấn từng bước, chuyển dần theo hai giai đoạn như tôi đã nói ở trên.

Trung Quốc mất nhiều hơn được

Vậy ông nhận định hành động sắp tới của Trung Quốc sẽ như thế nào?

Trung Quốc làm gì sắp tới không hoàn toàn phụ thuộc vào Trung Quốc mà phụ thuộc một phần quan trọng vào phản ứng của Việt Nam và cộng đồng quốc tế, khu vực.

"Mối quan hệ giữa Đảng, dân tộc, chủ quyền là thống nhất. Trong đó, chủ quyền quốc gia là tối thượng. Bởi không có lãnh thổ trường tồn thì không có Đảng. Đảng sinh ra trong dân tộc và trên mảnh đất này."

Thiếu tướng Lê Văn Cương
 
Việc làm của Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng UNCLOS 1982 và Hiến chương Liên hợp quốc mà Trung Quốc là thành viên thường trực, Tuyên bố về quy tắc ứng xử của các bên trên biển Đông (DOC).

Điều đáng buồn là Trung Quốc đã nói một đằng làm một nẻo. Tháng 10- 2010, Thủ tướng Trung Quốc gửi điện cho Thủ tướng các nước ASEAN nói rằng, Trung Quốc mong muốn hợp tác với ASEAN để tạo không khí hòa bình, ổn định, xây dựng lòng tin. Nhưng hiện nay họ lại làm khác.

Tháng 10- 2011 trong tuyên bố chung Việt Nam - Trung Quốc, hai bên cam kết cùng giữ gìn hòa bình, ổn định trên biển Đông, giữ thái độ bình tĩnh và kiềm chế, không có hành động làm phức tạp hoặc mở rộng thêm tranh chấp.

Trong khi chờ đợi giải quyết một cách cơ bản, lâu dài thì có thể đi từng bước nhỏ.

Nhưng Trung Quốc thường xuyên cam kết vậy mà không làm vậy. Theo tôi việc này người dân Việt Nam phải biết. Chúng ta phải làm cho 90 triệu dân Việt Nam cả ở trong và ngoài nước, 7 tỷ người trên toàn thế giới biết rõ việc này. Nếu Trung Quốc không tạo lòng tin với khu vực và thế giới thì họ làm ăn với ai.

Tôi nhấn mạnh, việc Trung Quốc có làm gì sắp tới thì một phần quan trọng phụ thuộc vào phản ứng của Việt Nam và cộng đồng quốc tế chứ không phải Trung Quốc muốn làm gì thì làm.

Trung Quốc nhiều lần tuyên bố “trỗi dậy hòa bình” vậy những hành động vừa qua của Trung Quốc với Philippines và Việt Nam sẽ tác động như thế nào đến hình ảnh đất nước này?

Từ năm 2003 đến nay, lãnh đạo Trung Quốc và bộ máy truyền thông khổng lồ của họ đều truyền tải cho thế giới một thông điệp là Trung Quốc trỗi dậy hòa bình, sau đó chuyển thành phát triển hòa bình.

Như vậy, Trung Quốc đã mất 9 năm để chứng minh đất nước phát triển nhanh, mạnh, không có hại cho ai; sự phát triển của Trung Quốc chỉ có lợi cho khu vực và thế giới với những lời kêu gọi đầu tư, làm ăn.

Sau 9 năm tuyên truyền cho thế giới như vậy nhưng hành động vừa qua đã phủ định lại, buộc lòng thế giới phải nhận thức lại về Trung Quốc. Thuyết “mối đe dọa Trung Quốc” không phải là không có lý.

Trong trường hợp này, câu phương ngôn “không có lửa làm sao có khói” là đúng. Với một chuỗi hành động gây sự của Trung Quốc từ năm 2007 đến nay với Mỹ, Nhật Bản, Việt Nam, Philippines thì rõ ràng bộc lộ ý định thật của họ. Thế giới đã và sẽ nhận rõ Trung Quốc.

Tôi nghĩ một vài lô dầu so với việc bị mất mặt trên thế giới thì rất nhỏ. Họ đã “tham bát bỏ mâm”. Họ được 1 mà mất 10, thậm chí mất 100. Tôi nghĩ lãnh đạo Trung Quốc đã sai lầm, sa lầy vào Biển Đông, đánh mất hình ảnh của đất nước.

Khi đó, buộc lòng các liên minh với Mỹ phải chặt chẽ hơn. Người Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, các nước ASEAN nhìn rõ Trung Quốc hơn. Ấn Độ chắc chắn cũng phải dựa vào Mỹ và mối quan hệ Mỹ- Ấn Độ sẽ tiến tới trên mức bạn bè và dưới đồng minh, dù hiện nay chưa phải là đồng minh. Người Nga cũng phải nhận thức lại.

Là một học giả, tôi cho rằng những hành động gây chuyện vừa qua Trung Quốc mất nhiều hơn được.

Đảng, dân tộc, chủ quyền là thống nhất

Đối với Việt Nam, chúng ta có thuận lợi gì trong việc đấu tranh chủ quyền, thưa ông?

Thuận lợi lớn nhất của Việt Nam là cơ sở pháp lý, là cái sổ đỏ. Chính cái sổ đỏ này buộc Trung Quốc phải ngồi với Việt Nam. Việt Nam không chỉ đám phán song phương và còn đa phương với quốc tế.

Việt Nam không chống Trung Quốc mà Việt Nam chỉ bày tỏ quan điểm. Việt Nam chắc chắn không bao giờ liên kết với Mỹ để chống Trung Quốc. Cũng như không liên kết với Trung Quốc để chống Mỹ. Quan điểm của Việt Nam rất rõ ràng.

Quan điểm của Việt Nam là củng cố quan hệ với Trung Quốc, tuyệt đối không chống Trung Quốc, không bao giờ khơi dậy chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi.

Nhưng chủ quyền lãnh thổ là thiêng liêng, bất khả xâm phạm. Lợi ích quốc gia, dân tộc là tối thượng, chủ quyền lãnh thổ là trường tồn, vĩnh cữu.

Trong quan hệ với bất cứ nước nào, chế độ xã hội nào thì chúng ta cũng phải đặt độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ lên trên hết. Mối quan hệ giữa Đảng, dân tộc, chủ quyền là thống nhất.

Trong đó, chủ quyền quốc gia là tối thượng. Bởi không có lãnh thổ trường tồn thì không có Đảng. Đảng sinh ra trong dân tộc và trên mảnh đất này.

Vậy Việt Nam cần triển khai những mặt trận nào để bảo vệ biển đảo, chủ quyền đất nước, thưa ông?

Trước hết, chúng ta cần trao đổi với Trung Quốc bằng nhiều kênh, ở nhiều cấp độ khác nhau. Tổng Bí thư trao đổi với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước điện với Chủ tịch nước, hoặc Thủ tướng nói với Thủ tướng...rằng hành động vừa qua là trái với tuyên bố chung mà hai nước đã cam kết.

Tôi nghĩ phản ứng của chúng ta chưa đủ. Khi cần thiết phải có tuyên bố của Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam với toàn thế giới, chứ không chỉ có người phát ngôn Bộ Ngoại giao lên tiếng. Nhưng chúng ta vẫn trên cơ sở hết sức tôn trọng họ, quan hệ Việt Nam - Trung Quốc ổn định thì có lợi cho cả hai nước.

Trên diễn đàn đa phương, chúng ta đưa vấn đề ra ASEAN và thậm chí Liên hiệp quốc.

Chúng ta có nhiều kênh, cấp độ khác nhau. Chúng ta phải phát huy các định chế quốc tế và khu vực. Tôi nghĩ chúng ta có điều kiện và phải làm mạnh hơn trên nguyên tắc bảo vệ độc lập chủ quyền quốc gia, và quan trọng là biết lúc nào thì lựa chọn biện pháp nào.

Cùng với đó, hệ thống truyền thông phải vào cuộc mạnh mẽ, nói rõ, khách quan, đúng pháp luật quốc tế vấn đề này. Sức mạnh dân tộc qua truyền thông sẽ nhân lên.

Chúng ta không kích động chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi nhưng người dân phải hiểu rõ thực tế hiện nay.

Cám ơn ông.

Theo Hà Nhân

Tiền phong