Tổng Bí thư: Gần 200 Ủy viên TƯ thực sự soi mình sẽ tạo chuyển biến mạnh
(Dân trí) - “Cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp chưa xác định rõ trách nhiệm và chưa thật sự gương mẫu trong việc rèn luyện, giữ gìn phẩm chất, đạo đức, lối sống... gây dư luận xấu. Nếu gần 200 Ủy viên Trung ương khoá XII thật sự soi vào bản thân mình, đề cao trách nhiệm nêu gương, sẽ tạo sức lan toả lớn, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong toàn hệ thống” – Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh.
Các tỉnh thành ven biển phải đóng góp 65-70% GDP
Nói về kết quả 5 ngày nghị sự trong khuôn khổ chương trình hội nghị TƯ 8, Tổng Bí thư nhấn mạnh trước hết về kinh tế - xã hội.
Ban Chấp hành Trung ương nhất trí đánh giá, trong 9 tháng đầu năm 2018, nhờ có sự nỗ lực phấn đấu của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, kinh tế - xã hội nước ta tiếp tục có những chuyển biến tích cực, toàn diện trên các lĩnh vực. Dự báo, đến cuối năm 2018, có thể hoàn thành toàn bộ 12 chỉ tiêu kế hoạch đề ra, trong đó có 8 chỉ tiêu hoàn thành vượt mức. Nổi bật là: Tốc độ tăng trưởng tiếp tục duy trì ở mức cao, đạt 6,6 - 6,8%, quy mô GDP khoảng 240,5 tỉ đô la Mỹ.
Chất lượng tăng trưởng ngày càng được cải thiện. Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định. Lạm phát được kiểm soát; chỉ số giá tiêu dùng duy trì ở mức dưới 4%. Các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được bảo đảm; bội chi ngân sách ở mức 3,67% GDP; nợ công có xu hướng giảm và ngày càng thấp xa hơn mức trần do Quốc hội quy định.
Tuy nhiên, Trung ương cũng chỉ rõ, bên cạnh những kết quả, thành tích đã đạt được, kinh tế - xã hội của đất nước vẫn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức, còn tiềm ẩn một số yếu tố có thể tác động tiêu cực đến ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, an ninh, trật tự xã hội.
Về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển, theo Tổng Bí thư, TƯ thống nhất cao với những nhận định, đánh giá về kết quả của việc thực hiện Nghị quyết số 9, đồng thời nhất trí ban hành Nghị quyết mới về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 để từng bước đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu lên từ biển, dựa vào biển và hướng ra biển.
Mục tiêu TƯ đề ra là đến 2030 đạt các mục tiêu cơ bản về phát triển bền vững kinh tế, xã hội và môi trường biển, vùng ven biển và hải đảo. Tăng trưởng kinh tế biển và thu nhập bình quân đầu người của các tỉnh, thành phố ven biển ngày càng cao so với mức tăng trưởng chung của cả nước; đóng góp của các ngành kinh tế thuần biển chiếm khoảng 10% GDP cả nước; đóng góp GRDP của các tỉnh, thành phố ven biển chiếm 65 - 70% GDP cả nước.
Tổng Bí thư lưu ý các lĩnh vực theo thứ tự ưu tiên: Phát triển du lịch biển, đảo; kinh tế hàng hải; khai thác dầu khí và các tài nguyên khoáng sản khác; nuôi trồng, khai thác thuỷ hải sản và phát triển hạ tầng nghề cá; phát triển công nghiệp đóng tàu; phát triển năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế mới. Tập trung đầu tư có hiệu quả các khu kinh tế, khu công nghiệp, đô thị ven biển và hệ thống kết cấu hạ tầng kết nối vùng đồng bộ làm nền tảng đột phá để phát triển vùng biển, ven biển trở thành điểm đến của thế giới đồng thời là cửa ngõ vươn ra thế giới.
Lãnh đạo chủ chốt cũng chưa gương mẫu, gây dư luận xấu
Về công tác xây dựng Đảng, Tổng Bí thư điểm lại, tại hội nghị lần này, TƯ thống nhất cao việc ban hành Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Ban Bí thư, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Trung ương cho rằng, trong những năm qua, nhờ có những chủ trương, quy định đúng đắn, kịp thời của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về trách nhiệm nêu gương cho nên ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên từng bước được nâng lên, từ đó có những hành động thiết thực trong công tác và cuộc sống, tạo được sự chuyển biến tích cực về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tác phong làm việc; ý thức tổ chức kỷ luật và đoàn kết nội bộ.
Tuy nhiên, theo Tổng Bí thư, những kết quả thu được còn hạn chế, chưa đạt được yêu cầu đề ra. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện vẫn còn bất cập, hiệu quả chưa cao, chưa tạo được sức lan toả lớn. Một số cán bộ, đảng viên, trong đó có cả cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp chưa xác định rõ trách nhiệm và chưa thật sự gương mẫu trong việc rèn luyện, giữ gìn phẩm chất, đạo đức, lối sống..., gây dư luận xấu trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Từ đó, Ban Chấp hành Trung ương cơ bản thống nhất với các nội dung trong dự thảo Quy định. Trung ương nhấn mạnh, nếu gần 200 Uỷ viên Trung ương khoá XII, từng cán bộ thật sự soi vào bản thân mình, đề cao trách nhiệm nêu gương và gương mẫu đi đầu thực hiện thì sẽ có sức lan toả rất lớn, sẽ tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ trong toàn Đảng, toàn hệ thống chính trị, góp phần củng cố, tăng cường niềm tin của cán bộ, đảng viên, nhân dân vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị và Ban Bí thư.
Tiếp tục kỷ luật hành chính ông Nguyễn Bắc Son, Trần Văn Minh
Tại hội nghị, Trung ương thống nhất quyết định thành lập 5 tiểu ban chuẩn bị Đại hội XIII của Đảng gồm: Tiểu ban Văn kiện; Tiểu ban Kinh tế - Xã hội; Tiểu ban Điều lệ Đảng; Tiểu ban Nhân sự và Tiểu ban Tổ chức phục vụ Đại hội. Khi xem xét, quyết định thành lập các Tiểu ban, Trung ương đã thảo luận và thống nhất cao với Tờ trình của Bộ Chính trị, đồng thời yêu cầu các Tiểu ban cần khẩn trương xây dựng chương trình, kế hoạch để sớm đi vào hoạt động.
Tổng Bí thư lưu ý, đặc biệt là Tiểu ban Văn kiện và Tiểu ban Kinh tế - Xã hội cần tăng cường phối hợp với các cơ quan nghiên cứu, tham mưu của Đảng và Nhà nước, chắt lọc, kế thừa các kết quả nghiên cứu trong những năm gần đây và căn cứ vào tình hình thực tế của đất nước để đề xuất với Ban Chấp hành Trung ương, với Đại hội XIII của Đảng những chủ trương, chính sách tiếp tục đẩy mạnh đổi mới mạnh mẽ, sâu sắc và đồng bộ hơn, tạo xung lực mới cho phát triển đất nước nhanh và bền vững, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.
Về công tác nhân sự, Tổng Bí thư nêu lại, Ban Chấp hành Trung ương đã xem xét và quyết định giới thiệu Tổng Bí thư để Quốc hội bầu làm Chủ tịch nước khoá XIV; bầu bổ sung 2 đồng chí Uỷ viên Uỷ ban Kiểm tra Trung ương khoá XII.
Đề cập việc Ban Chấp hành Trung ương xem xét, thi hành kỷ luật 2 nguyên Uỷ viên TƯ Đảng là ông Nguyễn Bắc Son và ông Trần Văn Minh, Tổng Bí thư cho biết, theo Quy định số 30, ngày 26/7/2016 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư sẽ tiếp tục chỉ đạo thực hiện quy trình xử lý kỷ luật về hành chính đối với ông Nguyễn Bắc Son và ông Trần Văn Minh bảo đảm đồng bộ, kịp thời, tương ứng với kỷ luật đảng.
“Việc xem xét, quyết định về công tác cán bộ và thi hành kỷ luật đã được tiến hành rất chặt chẽ, dân chủ, đúng quy định của Đảng với sự thống nhất rất cao của Ban Chấp hành Trung ương” – người lãnh đạo đứng đầu Đảng kết luận.
P.T