Tinh giản biên chế: Chưa “lọc” được công chức yếu năng lực, kém đạo đức

(Dân trí) - Đoàn giám sát của Quốc hội về cải cách hành chính giai đoạn 2011 – 2016 nhận xét, việc tinh giản biên chế vừa qua chưa đạt được mục tiêu, chưa tinh giản được những người yếu kém trình độ, năng lực và phẩm chất... Một bộ phận công chức vẫn làm việc kiểu bao cấp, suy giảm đạo đức, hách dịch, cửa quyền, tham nhũng...

(Minh hoạ: Ngọc Diệp)
(Minh hoạ: Ngọc Diệp)

Biên chế vẫn tăng – biểu hiện không bình thường

Theo báo cáo giám sát, tổng biên chế công chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước từ Trung ương đến cấp huyện trong giai đoạn 2011 - 2016 có xu hướng giảm, đặc biệt là trong giai đoạn 2014 - 2016 với số lượng giảm trung bình mỗi năm khoảng hơn 4.000 biên chế.

Cụ thể, năm 2014, cả nước có hơn 281.700 biên chế, thì sang đến 2017 chỉ còn hơn 269.000 biên chế.

Tuy vậy, vẫn có 13/15 Bộ, cơ quan ngang Bộ dư biên chế tại các vụ, cục trực thuộc, như: Bộ Tài chính dư hơn 6.000 biên chế; Bộ Nội vụ dư gần 500 biên chế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam dư hơn 600 biên chế...

Đoàn giám sát cũng chỉ ra rất nhiều hạn chế, tồn tại. Đầu tiên, thẩm quyền quản lý biên chế thiếu thống nhất, giao cho nhiều cơ quan quyết định, làm tăng không nhỏ số lượng biên chế, nhất là biên chế viên chức, người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập ở địa phương trong giai đoạn 2011 - 2015.

Đoàn giám sát dẫn báo cáo của Chính phủ, năm 2016, trong tổng cộng gần 2,1 triệu người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập thì có đến xấp xỉ 1,9 triệu người ở địa phương.

Báo cáo của Chính phủ cũng cho biết, vẫn còn 11 địa phương sử dụng vượt 7.951 (vượt 5%) so với số biên chế công chức được giao. Tuy nhiên, theo tổng hợp từ các Phụ lục thống kê kèm theo Báo cáo thì con số này lại chỉ còn 5 địa phương là TP Hồ Chí Minh vượt hơn 20%, TP Hải Phòng, Quảng Ninh vượt hơn 9%, Khánh Hòa vượt hơn 16%, Bạc Liêu vượt hơn 51%.

Đoàn giám sát nhận định, trong điều kiện tăng cường quản lý chặt chẽ và thực hiện tinh giản biên chế hiện nay, việc sử dụng vượt biên chế tại các đơn vị trực thuộc, cơ quan chuyên môn của một số Bộ, ngành, địa phương là hiện tượng không bình thường. Đây là vấn đề cần được xem xét một cách thận trọng, chắc chắn, kỹ lưỡng trước khi báo cáo ra Quốc hội.

Chất lượng nguồn nhân lực đo từ số lượng ít ỏi chuyên gia

Đoàn giám sát cũng nhận xét, tinh giản biên chế chưa đi vào thực chất và chưa đạt mục tiêu.

Qua giám sát cho thấy, tổng số đối tượng được giải quyết tinh giản biên chế trong 2 năm 2015 và 2016 là gần 17.700 người.

Với kết quả này, việc tinh giản biên chế thực hiện đến hết năm 2016 vẫn còn rất hạn chế, chưa đạt mục tiêu đề ra, gây áp lực rất lớn cho các năm còn lại.

Từ nay đến năm 2021, mỗi năm phải tinh giản gần 2% biên chế mới đạt được yêu cầu được Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị đề ra là đến năm 2021, tỷ lệ tinh giản biên chế phải đạt tối thiếu 10% so với năm 2015.

Bên cạnh đó, việc tinh giản biên chế mới chỉ tập trung về số lượng mà chưa chú trọng tới việc cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức theo đề án vị trí việc làm. Đối tượng tinh giản được thống kê tập trung vào nhóm người nghỉ hưu trước tuổi (chiếm 90%), người hưởng chính sách thôi việc ngay hoặc hưởng chính sách chuyển sang các tổ chức không hưởng lương thường xuyên từ ngân sách nhà nước, hưởng chính sách thôi việc sau khi đi học; chưa tinh giản được đúng đối tượng là người người có đạo đức công vụ, trình độ năng lực yếu kém.

Công cụ để tinh giản biên chế là Đề án vị trí việc làm nhưng thực tế căn cứ xây dựng đề án mới chỉ là khung biên chế hiện có để mô tả, hợp thức hoá các công việc đang có và khối lượng công việc để đề xuất bảo toàn số lượng biên chế hiện có, chứ chưa hoàn toàn xuất phát từ chức năng, nhiệm vụ để lựa chọn cán bộ, công chức.

Chất lượng nguồn nhân lực cũng là vấn đề đáng bàn khi đội ngũ chuyên gia đầu ngành còn rất ít.

Đơn cử Bộ Tư pháp, số lượng chuyên viên cao cấp và tương đương, chuyên viên chính và tương đương hiện nay chiếm tỷ lệ tương ứng là 0,8 % và 9,2 % so với tổng số công chức, viên chức của Bộ và hệ thống thi hành án dân sự, chưa tương xứng với yêu cầu và tính chất, vị trí công việc.

P.Thảo