Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề xuất xây dựng cơ chế cảnh báo rủi ro kinh tế
(Dân trí) - Trước những diễn biến mới trong tình hình kinh tế thế giới tiềm ẩn nhiều rủi ro, bất định, Thủ tướng đề xuất IMF và WB hỗ trợ ASEAN xây dựng một cơ chế cảnh báo rủi ro kinh tế vĩ mô khu vực để giúp nâng cao năng lực tự cường của ASEAN.
Đó là nội dung trao đổi của Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng về chuyến thăm Indonesia và tham dự Cuộc gặp các nhà lãnh đạo ASEAN nhân dịp Hội nghị thường niên Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) vừa qua.
- Phóng viên: Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa tham dự Cuộc gặp các nhà lãnh đạo ASEAN nhân dịp Hội nghị thường niên Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) tại Bali, Indonesia. Xin Thứ trưởng cho biết những nội dung của Cuộc gặp này?
- Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng: Cuộc gặp các lãnh đạo ASEAN (ALG) được tổ chức theo sáng kiến của Indonesia, nước chủ nhà của Hội nghị Thường niên Ban Thống đốc IMF/WB 2018, với chủ đề: “Thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững và thu hẹp khoảng cách phát triển thông qua các hành động phối hợp cấp khu vực và toàn cầu”.
Tại cuộc gặp, Lãnh đạo 10 nước ASEAN và lãnh đạo của các tổ chức toàn cầu gồm Tổng Thư ký Liên hợp quốc, Tổng Thư ký ASEAN, Tổng Giám đốc IMF, Chủ tịch WB đã trao đổi các ý tưởng, định hướng và biện pháp tăng cường hợp tác, phối hợp giữa ASEAN và LHQ, IMF, WB trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững; tạo động lực thúc đẩy tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN trên cơ sở tăng cường tính tương hỗ giữa các Kế hoạch xây dựng Cộng đồng ASEAN 2025 với Chương trình nghị sự 2030 về SDG.
Đáng chú ý, Lãnh đạo Liên hợp quốc (LHQ), IMF và WB đánh giá cao nỗ lực của các nước ASEAN trong việc thực hiện SDGs, trong đó lấy Việt Nam làm ví dụ điển hình; cam kết tiếp tục hợp tác và hỗ trợ với các nước ASEAN thực hiện thành công các mục tiêu này.
- Tại Cuộc gặp, có những sáng kiến được Thủ tướng Chính phủ đề xuất, Thứ trưởng có thể nói rõ hơn về các sáng kiến này cũng như sự tham gia và đóng góp của Việt Nam?
- Việt Nam đã tích cực ủng hộ ủng hộ sáng kiến của Indonesia và chuẩn bị cho Cuộc gặp giữa các Lãnh đạo ASEAN với lãnh đạo LHQ, WB và IMF vì đây là cơ hội rất tốt để chia sẻ và thảo luận các biện pháp, phối hợp hành động giữa ASEAN và các tổ chức toàn cầu thực hiện hiệu quả các mục tiêu phát triển bền vững.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nêu rõ ASEAN tiếp tục là điểm sáng về phát triển kinh tế, đạt nhiều thành công trong thu hẹp khoảng cách phát triển, ứng phó với biến đổi khí hậu, sử dụng bền vững tài nguyên, phát triển nguồn nhân lực…
Trước những diễn biến mới trong tình hình kinh tế thế giới tiềm ẩn nhiều rủi ro, bất định, Thủ tướng đề xuất IMF và WB hỗ trợ ASEAN xây dựng một cơ chế cảnh báo rủi ro kinh tế vĩ mô khu vực để giúp nâng cao năng lực tự cường của ASEAN.
Thủ tướng cũng đề nghị tập trung vào 5 nhóm lĩnh vực ưu tiên cần phối hợp triển khai là nâng cao năng lực tự cường; phát triển cơ sở hạ tầng; sản xuất và tiêu dùng bền vững; giảm nghèo; quản lý bền vững tài nguyên thiên nhiên. Đối với các nước Mê Công, Thủ tướng đề xuất Ngân hàng Thế giới tham gia và trở thành Đối tác phát triển của Hợp tác Campuchia - Lào - Việt Nam cũng như Nhóm nước Mê Công gồm Campuchia, Lào, Mianma, Thái Lan và Việt Nam.
Về Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nêu bật kết quả đạt được trong thực hiện 17 mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam, khẳng định quan điểm phát triển bền vững được Chính phủ lồng ghép xuyên suốt trong các chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và đã được cụ thể hóa trong kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự năm 2030 của Liên hợp quốc về phát triển bền vững.
Để phát huy thành công của Hội nghị WEF ASEAN 2018 vừa qua tại Việt Nam vừa qua, Thủ tướng đề nghị các tổ chức trên phối hợp với ASEAN triển khai các đề xuất của Hội nghị, nhất là tạo dựng Cơ chế hài hòa môi trường kinh doanh, Khuôn khổ kết nối các vườn ươm quốc gia, Kết nối mạng lưới giáo dục và xây dựng hệ thống học tập suốt đời ở các nước ASEAN.
- Chuyến thăm Indonesia của Thủ tướng Chính phủ đã đạt nhiều kết quả quan trọng. Xin Thứ trưởng cho biết những kết quả nổi bật của chuyến thăm lần này và những lĩnh vực mà hai bên sẽ tập trung thúc đẩy trong thời gian tới?
- Đây là chuyến thăm đầu tiên của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến Indonesia. Cùng với chuyến thăm Indonesia của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tháng 8/2017 và chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Joko Widodo tháng 9/2018, chuyến thăm của Thủ tướng lần này một lần nữa khẳng định mối quan hệ nồng ấm, ngày càng thân tình và sức phát triển mạnh mẽ của quan hệ Việt Nam - Indonesia những năm gần đây. Mặc dù là chuyến thăm làm việc, được thu xếp gọn nhẹ nhưng đã đạt nhiều kết quả quan trọng và thực chất.
Thứ nhất, hai bên đã xác định nhiều biện pháp để đưa hợp tác kinh tế trở thành trụ cột chính của quan hệ Đối tác Chiến lược. Cơ hội và tiềm năng hợp tác giữa hai nước là rất lớn, nhất là về thương mại, đầu tư, nông nghiệp-thủy sản, năng lượng-dầu khí, hợp tác biển.... đưa kim ngạch thương mại đạt 10 tỷ USD trong thời gian sớm nhất.
Thứ hai, trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ, hai bên đã nhất trí mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực của tương lai như kinh tế sáng tạo, kinh tế số, năng lượng sạch, đô thị thông minh, công nghệ thông tin, nông nghiệp thông minh, logistics..
Thứ ba, nhiều lĩnh vực hợp tác tiềm năng cũng sẽ được thúc đẩy. Là hai nước có thế mạnh về biển, hai bên nhất trí sớm xác lập cơ chế hợp tác song phương mới về biển và đại dương, đẩy mạnh hợp tác thiết thực, nhất là lĩnh vực nghề cá, tạo khuôn khổ thuận lợi để ngư dân của hai nước được hoạt động đánh bắt hải sản an toàn, bền vững và hợp pháp; sớm thiết lập đường dây nóng để giải quyết nhanh chóng các vấn đề nảy sinh...
Thứ tư, trong bối cảnh khu vực, quốc tế có những biến chuyển phức tạp, hai bên nhất trí tăng cường hợp tác với vai trò nòng cốt. Indonesia khẳng định sẽ phối hợp chặt chẽ và ủng hộ Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN năm 2020, đồng thời tái khẳng định ủng hộ Việt Nam ứng cử Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021.
C.N.Q