Thủ tướng: Dưa hấu từng “thất thủ”, giờ đến thịt lợn, sắp tới là gì?
(Dân trí) - Phát biểu khai mạc phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các thành viên Chính phủ thảo luận những vấn đề nóng, thời sự như “trận thua” của thịt lợn hiện nay. Thủ tướng nhắc lại chuyện dưa hấu từng "thất thủ" nhiều trận, giờ đến thịt lợn, sắp tới sẽ là gì?
Theo thông tin từ Cổng thông tin điện tử Chính phủ, mở đầu phiên họp, Thủ tướng đã đề nghị rà soát ngay các quy hoạch, kế hoạch và tình hình sản xuất, chế biến, lưu thông, tiêu thụ sản phẩm thuộc phạm vi quản lý, không được để xảy ra những trường hợp tương tự chuyện dưa hấu, thịt lợn…
Đánh giá chung về tình hình kinh tế xã hội tháng 4, người đứng đầu Chính phủ khái quát, tình hình vĩ mô ổn định, chỉ số giá tiêu dùng không tăng (mặc dù đã điều chỉnh giá dịch vụ y tế bước 2 tại 14 tỉnh, thành phố). Tăng trưởng các ngành kinh tế tiếp tục phục hồi (nhất là sản xuất công nghiệp tháng 4 tăng 7,4%, cao hơn mức 4,2% của quý I).
Các lĩnh vực văn hóa, xã hội tiếp tục được quan tâm; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội cơ bản được bảo đảm. Thủ tướng đánh giá cao tinh thần chia sẻ khó khăn với người dân trong tiêu thụ thịt lợn ở một số địa phương.
“Chúng ta vừa chứng kiến kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5 với không khí nô nức. Chưa bao giờ số lượng khách trong nước đi du lịch, nghỉ ngơi đông như thế. Nếu như năm ngoái, biển miền Trung vắng người thì năm nay, các bãi biển từ Quảng Ninh đến mũi Cà Mau, có thể nói là không còn chỗ trống. Đây là tín hiệu đáng mừng. Khách quốc tế đến Việt Nam ngày càng đông” – Thủ tướng nói.
Cho biết đã đi dự nhiều hội nghị xúc tiến đầu tư trong thời gian qua như ở Bình Thuận, Trà Vinh, Thủ tướng bày tỏ, không khí đầu tư làm ăn của các địa phương, doanh nghiệp có khởi sắc.
Tuy nhiên, Thủ tướng nhấn mạnh, cần phải nhìn thẳng vào những vấn đề cần tập trung giải quyết, thảo luận để đưa ra biện pháp, đối sách cụ thể.
Thịt lợn rớt giá, siêu thị vẫn bán 100.000 đồng/kg
Theo Thủ tướng, một số ngành kinh tế tiếp tục gặp khó khăn, nhất là khu vực công nghiệp, lĩnh vực khai khoáng và trồng trọt, chăn nuôi. Tổng cầu phục hồi chậm. Tình hình sản xuất kinh doanh còn nhiều khó khăn (4 tháng có trên 4.000 doanh nghiệp (DN) giải thể và trên 27.400 DN tạm ngừng hoạt động).
“Các giải pháp quyết liệt cả về phía cung (tăng trưởng ngành, lĩnh vực) và phía cầu (tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu ròng) để đạt mục tiêu tăng trưởng 6,7% đòi hỏi phải nỗ lực và quyết tâm cao hơn”, Thủ tướng nêu rõ và đề nghị các thành viên Chính phủ phát biểu ý kiến nhận định, đánh giá thực trạng tình hình và đề xuất các giải pháp, đối sách để đạt được tăng trưởng 6,7% nhưng vẫn bảo đảm giữ ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra.
Tình hình thị trường một số lĩnh vực còn bất ổn, công tác quản lý nhà nước còn nhiều bất cập, nhất là giá nông sản còn thấp, đặc biệt giá thịt lợn hơi rất thấp, kéo dài, gây thiệt hại lớn cho người nông dân. Trong khi đó thì giá thịt lợn trên thị trường vẫn cao (siêu thị vẫn bán giá khoảng 100.000 đồng/kg). Thủ tướng đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương làm rõ nguyên nhân và có giải pháp khẩn trương khắc phục.
Thủ tướng đề nghị rà soát ngay các quy hoạch, kế hoạch và tình hình sản xuất, chế biến, lưu thông, tiêu thụ sản phẩm thuộc phạm vi quản lý, không được để xảy ra những trường hợp tương tự.
“Chúng ta đã bị dưa hấu mấy trận rồi, bây giờ đến thịt lợn, sắp tới còn bị cái gì nữa?”, Thủ tướng đặt vấn đề và cho rằng, phát triển nông nghiệp công nghệ cao là đúng hướng nhưng trước đó, cần xem xét thị trường tiêu thụ nào cho sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao đó, chứ không chỉ tập trung vào sản xuất mà không chú ý vấn đề tiêu thụ.
Đối với ngành công nghiệp, ngành đóng vai trò quan trọng vào tăng trưởng, theo Thủ tướng, tăng trưởng còn thấp. Bốn tháng tăng 5,1%, thấp hơn so với cùng kỳ, trong đó khai khoáng tiếp tục suy giảm mạnh.
“Tôi đề nghị Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng báo cáo rõ, đề xuất cụ thể các giải pháp để phục hồi tăng trưởng khu vực công nghiệp theo hướng tái cơ cấu, tập trung vào các ngành chế biến chế tạo, điện, nước, xây dựng”, Thủ tướng nhấn mạnh, “đồng thời, chúng ta sẽ nghe việc xử lý 12 dự án thua lỗ”.
Việc phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công còn chậm. Xuất khẩu nhiều mặt hàng có thế mạnh tăng chậm hoặc giảm trong khi nhập khẩu những mặt hàng trong nước có thể sản xuất lại tăng mạnh.
Không để xảy ra điểm nóng an ninh trật tự
Về khu vực DN, Thủ tướng đề nghị Chính phủ tập trung bàn 2 vấn đề chính. Việc cơ cấu lại, cổ phần hóa và thoái vốn tại DN nhà nước những tháng qua còn chậm. Mặc dù số lượng nhiều và đang tăng mạnh nhưng khu vực DN tư nhân chủ yếu là nhỏ và vừa, năng lực cạnh tranh thấp. Chưa có chiến lược tổng thể phát triển năng lực của khu vực DN trong nước và đội ngũ doanh nhân.
Kỷ luật, kỷ cương hành chính còn chưa nghiêm; còn nhiều vụ vi phạm quy định về công tác cán bộ, các vụ việc nhũng nhiễu, lợi ích nhóm, lãng phí.
Thủ tướng đề nghị Bộ trưởng Nội vụ, Tổng Thanh tra Chính phủ báo cáo thực trạng tình hình và đề xuất giải pháp để lập lại trật tự, kỷ luật kỷ cương hành chính và không để tình trạng vi phạm trong công tác cán bộ, nhũng nhiễu, lợi ích nhóm… tiếp diễn.
An ninh trật tự, an toàn xã hội nói chung được giữ vững nhưng còn nảy sinh một số vụ việc như kích động giáo dân ở Nghệ An, Hà Tĩnh, đặc biệt là vụ việc ở thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức (Hà Nội)… diễn biến phức tạp.
Thủ tướng đề nghị, tại phiên họp, bên cạnh chỉ đạo sản xuất, kinh doanh, ổn định đời sống nhân dân thì không để điểm nóng xảy ra trên phạm vi quốc gia là vấn đề cần thảo luận.
P.T