Tăng cường và đổi mới công tác dân vận trong cơ quan Nhà nước
Nhân kỷ niệm 84 năm ngày truyền thống dân vận của Đảng, 65 năm ngày Bác Hồ viết bài báo "Dân vận", 15 năm Ngày Dân vận cả nước (15/10), ngày 14/10, tại Trụ sở Trung tâm Thông tấn Quốc gia, Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương tổ chức buổi tọa đàm “Tăng cường và đổi mới công tác dân vận”, trọng tâm là công tác dân vận trong các cơ quan Nhà nước.
Quang cảnh buổi tọa đàm
Khai mạc tọa đàm, ông Đào Ngọc Dung, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy khối các cơ quan Trung ương nhấn mạnh Đảng luôn xác định công tác dân vận là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đối với sự nghiệp cách mạng của đất nước; là điều kiện quan trọng bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, củng cố và tăng cường mối quan hệ máu thịt giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân.
Thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng, Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, Nghị quyết Trung ương 7 (khóa XI) về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới, Đảng ủy Khối đã lựa chọn năm 2014 là “Năm tăng cường và đổi mới công tác dân vận” - “Năm dân vận” với 2 khâu đột phá.
Cụ thể là nâng cao nhận thức, xác định rõ vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy, lãnh đạo cơ quan, đơn vị, ban chấp hành các đoàn thể, của mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, đoàn viên, hội viên và người lao động, đặc biệt là vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu đối với công tác dân vận; đẩy mạnh công tác dân vận của cơ quan Nhà nước.
Các nội dung “Năm dân vận” được các đảng bộ, nhất là các chi bộ trong Đảng bộ Khối phấn khởi đón nhận và tổ chức thực hiện nghiêm túc, bài bản, sáng tạo, hiệu quả. Việc thực hiện Năm dân vận đã có ý nghĩa thiết thực, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng trong các cơ quan, đơn vị.
Tuy nhiên, việc triển khai, cụ thể hóa 2 khâu đột phá theo kế hoạch của Đảng ủy Khối ở cơ sở chưa rộng khắp, nhất là ở chi bộ. Nhận thức của một số cấp ủy, tổ chức đảng, lãnh đạo cơ quan, đơn vị và một bộ phận cán bộ, đảng viên về công tác dân vận chưa được nâng cao; công tác dân vận của các cơ quan quản lý nhà nước nhìn chung còn nhiều lúng túng; lề lối làm việc chưa được cải thiện, thủ tục hành chính của một số cơ quan, đơn vị chậm được khắc phục.
Tinh thần, thái độ phục vụ nhân dân của một bộ phận công chức, viên chức chưa thật sự đáp ứng yêu cầu. Một số chính sách ra đời chưa hợp lòng dân, nhiều chính sách chậm đi vào cuộc sống…
Buổi tọa đàm tập trung tập trung thảo luận, phân tích sâu, làm rõ các chủ trương, giải pháp để chuyển biến mạnh mẽ việc nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công tác dân vận; xác định rõ vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy, lãnh đạo cơ quan, đơn vị, ban chấp hành các đoàn thể, của mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, đoàn viên, hội viên và người lao động, đặc biệt là vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu đối với công tác dân vận.
Tại buổi tọa đàm, các đại biểu khẳng định chủ trương lựa chọn “Năm Dân vận” là đúng, trúng, sát với tình hình và đòi hỏi thực tế trong công tác xây dựng Đảng hiện nay đối với Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương, một đảng bộ bao gồm các tổ chức đảng, đảng viên ở các cơ quan tham mưu chiến lược, hoạch định và tổ chức triển khai chủ trương, chính sách của Ðảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị-xã hội Trung ương.
Các đại biểu chia sẻ những cách làm hay, cái mới trong triển khai thực hiện tốt Quy chế dân chủ cơ sở trong cơ quan, triển khai có hiệu quả “Năm dân vận”; các giải pháp, biện pháp để cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức ở từng lĩnh vực thuộc các cơ quan Trung ương tham gia làm tốt công tác dân vận; nghiên cứu, tham mưu các văn bản quy phạm pháp luật, các chủ trương, chính sách hợp lòng dân, phục vụ lợi ích của nhân dân; tham gia cải cách hành chính, thủ tục hành chính, phục vụ tốt nhất yêu cầu của người dân.
Các đại biểu đề xuất các nội dung, biện pháp nhằm phát huy vai trò tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy, thủ trưởng cơ quan, đơn vị ; nâng cao đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp; việc thực thi giám sát và phản biện xã hội đối với các tổ chức đoàn thể ở các cơ quan Trung ương.
Nhiều giải pháp nhằm tiếp tục đẩy mạnh nâng cao chất lượng chi bộ đi đôi với triển khai “Năm Dân vận”; nêu cao tính chiến đấu, tự phê bình và phê bình, phát huy dân chủ trong Đảng; khắc phục tình trạng yếu kém trong công tác dân vận của cơ quan nhà nước ở Trung ương cũng được các đại biểu quan tâm thảo luận.
Thông qua tọa đàm, các đại biểu nhận thức đầy đủ hơn, sâu sắc hơn về Nghị quyết số 25-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”.
Đó chính là những chủ trương đúng đắn nhằm củng cố vững chắc lòng tin của nhân dân đối với Đảng; tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc và mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân; tập hợp, vận động nhân dân thực hiện tốt các chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; phát huy sức mạnh to lớn của nhân dân, tạo phong trào cách mạng rộng lớn xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Theo Hương Thủy
TTXVN/VIETNAM+