Tại sao không miễn nhiệm Phó Chủ tịch Quốc hội với bà Nguyễn Thị Kim Ngân?
(Dân trí) - Tại cuộc họp báo công bố kết quả kỳ họp Quốc hội sáng 12/4, ông Nguyễn Hạnh Phúc - Tổng Thư ký Quốc hội và ông Lê Minh Thông - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã trả lời thẳng thắn các vấn đề được báo chí đặt ra.
Phóng viên: Tại kỳ họp này, các ứng viên được đưa ra Quốc hội bầu đều trúng cử cả, nhưng các chức danh nhà nước được miễn nhiệm cũng hơi băn khoăn, hơi bị động. Kế hoạch công tác, chương trình làm việc của họ còn đến hết nhiệm kỳ nên việc này có thể ảnh hưởng phần nào tới kế hoạch đó. Xin ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, qua lần kiện toàn nhân sự này có những vấn đề gì cần rút kinh nghiệm để lần sau làm tốt hơn, uyển chuyển hơn và có coi đây là tiền lệ để cứ sau Đại hội Đảng là có chuyển giao nhân sự như cách chúng ta đã làm không? Ông Lê Minh Thông thấy rằng có cần tính toán để sửa đổi pháp luật để chuyển tiếp quyền lực trong Đảng, chức danh Nhà nước được bài bản, chuyên nghiệp hơn không?
Ông Nguyễn Hạnh Phúc: Công tác kiện toàn nhân sự tại kỳ họp này đã được dành khá nhiều thời gian. Đây là việc có sự chuẩn bị, thông báo của cơ quan cấp trên, đều có thông báo của Trung ương tới tất cả các đồng chí. Chúng ta thực hiện theo đúng quy trình quản lý, bổ nhiệm, miễn nhiệm cán bộ. Quốc hội thực hiện đúng quy trình công tác kiện toàn này.
Vậy có thành tiền lệ không? Cái này trong suốt quá trình vừa qua có nhiệm kỳ chúng ta kiện toàn, có nhiệm kỳ chúng ta không. Như nhiệm kỳ khóa 11 cũng làm chuyện này, kiện toàn tất cả chức danh của Đảng, Nhà nước, Quốc hội với 9 chức danh tất cả được kiện toàn. Kỳ này cũng thế, phê chuẩn các chức danh thành viên Chính phủ, đảm bảo thực hiện nghị quyết đại hội Đảng của chúng ta.
Ông Lê Minh Thông: Lần kiện toàn nhân sự cấp cao được Quốc hội khóa 13 thực hiện vừa qua đúng chủ trương và đúng quy định của pháp luật, có thể nói rằng vì thế nên chúng ta làm suôn sẻ, tốt đẹp. Có tiếp tục suy nghĩ hoàn thiện quy định pháp luật để làm sao làm tốt hơn điều này không, thì tôi cho rằng đương nhiên. Kết quả kiện toàn lần này cho chúng ta những bài học kinh nghiệm, tiếp tục hoàn thiện quy định pháp luật liên quan đến nhiệm kỳ bầu cử các chức danh Nhà nước, làm sao gắn liền nhất khi nhân sự đại hội Đảng bầu ra có thể tiếp cận gần sớm hơn đối với nhân sự của bộ máy nhà nước.
Phải tiến hành nghiên cứu để từng bước hoàn thiện các quy định pháp luật, làm sao để đảm bảo gọn nhất, chặt chẽ nhất. Các cơ quan của Quốc hội khóa tiếp theo sẽ nghiên cứu hoàn thiện quy định pháp luật về chuyện này.
Phóng viên: Chức danh Phó Chủ tịch Quốc hội do Quốc hội bầu, chức Phó Thủ tướng Chính phủ do Quốc hội phê chuẩn. Những người giữ chức vụ này muốn được thôi chức vụ phải được sự đồng ý của Quốc hội, tức là được Quốc hội miễn nhiệm. Xin Tổng Thư ký cho biết tại sao Quốc hội không tiến hành miễn nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch Quốc hội đối với bà Nguyễn Thị Kim Ngân và miễn nhiệm chức vụ Phó Thủ tướng đối với ông Nguyễn Xuân Phúc trước khi Quốc hội bầu họ giữ các nhiệm vụ mới cao hơn?
Ông Nguyễn Hạnh Phúc: Bao giờ miễn nhiệm Phó Chủ tịch mới bầu các chức danh thay thế, ý phóng viên hỏi rất cụ thể. Ở đây là trường hợp rất cụ thể, đối với đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân, chúng ta đã bầu Chủ tịch Quốc hội rồi, không thể có chuyện miễn nhiệm Phó Chủ tịch nữa. Không thể có chuyện Chủ tịch Quốc hội kiêm Phó Chủ tịch nữa. Nếu là Phó Chủ tịch khác thì phải miễn nhiệm, ví dụ như Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn thì phải phải miễn nhiệm rồi mới bầu được đồng chí Đỗ Bá Tỵ thay đồng chí Huỳnh Ngọc Sơn.
Cũng như trường hợp Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lên Thủ tướng Chính phủ, không thể có chuyện cùng lúc kiêm 2 chức danh, không phải miễn nhiệm chức danh Phó Thủ tướng nữa.
"Tổ chức phản động đứng sau người tự ứng cử" chỉ là ý kiến cá nhân
Phóng viên: Ông đánh giá thế nào về chất lượng của đại biểu tự ứng cử trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa 13, bởi tới khóa 14 này thống kê cho thấy số lượng tự ứng cử rất lớn? Cơ cấu đại biểu tự ứng cử trong Quốc hội khóa 14 sẽ như thế nào?
Ông Nguyễn Hạnh Phúc: Khóa 13 không có cuộc đánh giá riêng nào về đại biểu tự ứng cử cả, mà chỉ có đánh giá chung về hoàn thành nhiệm vụ của các đại biểu Quốc hội thôi.
Đúng là trong khóa 13 có hai đại biểu là nữ doanh nghiệp vừa qua đã bị bãi miễn, đó là điều đáng tiếc. Nhưng chúng tôi thấy các đại biểu tự ứng cử phát biểu rất nhiệt tình, không có gì khác biệt cả, bởi đại biểu tự ứng cử cũng được người dân tín nhiệm.
Trong đợt này có rất nhiều ứng cử viên ứng cử tự do, tôi thấy rất tốt bởi đại biểu thấy vị trí của Quốc hội và muốn tham gia diễn đàn này. Quốc hội không có cơ cấu bao nhiêu phần trăm cho số ứng cử cả. Số ứng cử hiện nay rất đông, như ở Hà Nội đã hiệp thương vòng 2 mà vẫn có 48 người nhưng tới vòng 3 thì tôi chưa nắm được. Phải xong hiệp thương vòng 3 mới chốt danh sách cuối cùng số lượng bao nhiêu để chốt số lượng bầu.
Phóng viên: Trong cuộc họp giữa Hội đồng bầu cử Quốc gia với Hà Nội mới đây đã có thông tin nói rằng có tổ chức phản động đứng sau người tự ứng cử nhưng sau đó thông tin này không được làm rõ, gây băn khoăn trong dư luận. Xin hỏi, đến nay việc này đã làm rõ tới đâu? Nếu có việc đó thì có khởi tố hoặc động thái nào đó hay không? Ngoài ra, vừa qua có rất nhiều người tự ứng cử đưa thông tin lên mạng xã hội, công khai đưa đơn thư phản đối lên về quá trình lấy ý kiến không công bằng, minh bạch ở nơi cư trú. Xin Tổng thư ký cho biết quan điểm về vấn đề này như thế nào?
Ông Nguyễn Hạnh Phúc: Tại cuộc họp báo đầu kỳ họp này tôi đã trả lời rồi. Vừa rồi tôi nhận được thư kiến nghị của ông Nguyễn Quang A và chúng tôi đã có văn bản trả lời, rằng đây không phải ý kiến của Hội đồng bầu cử, không phải ý kiến của Tiểu ban An ninh quốc phòng, mà là ý kiến cá nhân. Chúng tôi và Tiểu ban An ninh quốc phòng không khẳng định việc này...
Một số người ứng cử đưa lên mạng xã hội, mạng cá nhân của người ta có quyền đưa lên thôi, không có quyền kiểm soát việc này, bởi chúng ta vẫn đang trong quá trình hiệp thương thôi, đã biết ai vào danh sách chốt đâu. Khi vào trong danh sách bầu cử thì phải theo luật pháp về việc vận động ứng cử để đảm bảo công bằng, không phân biệt người được giới thiệu và tự ứng cử.
Còn theo quy định thì phải lấy ý kiến của người dân nơi cư trú. Bà con ở đó hiểu rất rõ cá nhân đó thế nào, đạo đức, gia đình, sinh hoạt ở cộng đồng dân cư thế nào, không ai hiểu rõ hơn người dân ở đấy cả. Cuối cùng biểu quyết, không đủ 50% thì không giới thiệu.
Chúng tôi đi tiếp xúc cử tri cũng thế, cũng phải đọc lý lịch cho bà con ở nơi cư trú đó nghe, nếu có ý kiến người ta hỏi, cần làm rõ thêm về gia đình, vợ con, tài sản,... thì cũng phải trả lời, rồi thông qua biểu quyết rất rõ ràng, việc đó được pháp luật chấp thuận.
Đại biểu dùng điện thoại chụp ảnh lễ tuyên thệ có giảm tính trang nghiêm?
Phóng viên: Nghi lễ tuyên thệ vừa qua được truyền hình trực tiếp cho người dân cả nước theo dõi. Tuy nhiên khi các chức danh đang tuyên thệ, rất nhiều đại biểu Quốc hội phía dưới đã sử dụng điện thoại, máy tính bảng chụp hình. Việc này có gây ảnh hưởng tới sự trang nghiêm, trang trọng của lễ tuyên thệ hay không?
Ông Nguyễn Hạnh Phúc: Việc tuyên thệ không phải mới bởi năm 1946 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã làm tuyên thệ tại đình Tân Trào. Có phóng viên nói tại sao đại biểu không đứng lên, tôi có trả lời rằng trên thế giới có những nơi đứng, có nơi ngồi, tùy theo nghị viện của mỗi nước thôi, không có quy định nào về cái này cả.
Trong lễ tuyên thệ, đại biểu cũng muốn có kỷ niệm, tôi nghĩ cũng không có vấn đề gì cả, đó là chuyện bình thường thôi, ghi lại dấu ấn kỷ niệm đó. Quay trên tivi đồng bào cũng thấy rất trang nghiêm, Chủ tịch Quốc hội tuyên thệ rất trang nghiêm. Tất nhiên chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện dần.
Phóng viên: Qua thảo luận báo cáo Tổng kết nhiệm kỳ của Chủ tịch nước, có ý kiến đại biểu đề nghị xây dựng chế định về Chủ tịch nước. Xin hỏi ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?
Ông Nguyễn Hạnh Phúc: Tại đầu nhiệm kỳ khóa 13 cũng đã có đề cập xây dựng luật chế định Chủ tịch nước, nhưng sau đó xin rút vì không chuẩn bị được. Tới đây không biết bên Chủ tịch nước có đề nghị không.
Thế Kha (ghi)