Sửa đổi Hiến pháp là việc đặc biệt hệ trọng quốc gia
Chiều 17/9, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì phiên họp chuyên đề, thảo luận về Dự thảo ý kiến của Chính phủ đối với Dự thảo Hiến pháp (sửa đổi).
Với 9 vấn đề cơ bản được nghiên cứu sửa đổi theo chỉ đạo của Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp, Dự thảo đã thể hiện rõ quy mô, phạm vi sửa đổi (cả về nội dung, cơ cấu các chương, điều và kỹ thuật lập hiến) của một bản dự thảo Hiến pháp (sửa đổi) nhằm thể chế hoá Cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, đáp ứng yêu cầu và phù hợp với tình hình mới của đất nước.
Về nội dung, Chính phủ nhất trí cao với các điểm mới quan trọng của Dự thảo là: đã ghi nhận rõ một số nguyên tắc cơ bản, nền tảng như nguyên tắc chủ quyền nhân dân gắn với tính thượng tôn Hiến pháp; nguyên tắc về tổ chức quyền lực nhà nước với sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp; nguyên tắc tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân.
Các nguyên tắc này cho thấy Hiến pháp của nước ta vừa thể hiện sự tiếp thu có chọn lọc với các giá trị chung của nhân loại về Hiếp pháp trong nhà nước pháp quyền, vừa bảo đảm tính kế thừa với sự điều chỉnh hợp lý những giá trị đặc thù về chính trị - pháp lý của Hiến pháp thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta.
Tuy nhiên, Dự thảo cũng còn một số hạn chế, bất cập như Dự thảo còn thể hiện sự lúng túng trong việc thiết kế tổ chức bộ máy nhà nước theo nguyên tắc phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp; Dự thảo vẫn thể hiện tư duy “tĩnh” và chưa tính đến các trường hợp ngoại lệ, nhiều thiết chế được quy định chỉ phù hợp để hoạt động trong điều kiện bình thường, chưa dự liệu được cách thức điều hành đất nước trong những điền kiện đặc biệt mà mọi quốc gia đều phải sẵn sàng đương đầu trong thế giới hiện đại; về kỹ thuật lập hiến, Dự thảo vẫn còn nhiều nội dung được quy định quá chi tiết, làm thay chức năng của các đạo luật; một số điều vẫn giữ nguyên văn phong nghị quyết, nhất là ở Chương I và Chương III, làm giảm phần nào tính quy phạm của Hiến pháp.
Bên cạnh đó, Dự thảo ý kiến của Chính phủ về một số nội dung trong Dự thảo Hiến pháp (sửa đổi) cũng nêu lên những nhận xét, đóng góp cụ thể về các quy định của Dự thảo Hiếp pháp (sửa đổi) nhằm góp phần làm rõ vị trí, chức năng, nhiệm vụ của Chính phủ và Chính quyền địa phương trong tổ chức bộ máy nhà nước; một số ý kiến góp ý về Dự thảo Báo cáo tổng kết việc thi hành Hiến pháp năm 1992 của Uỷ ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
Phát biểu tại cuộc họp, nhấn mạnh việc sửa đổi Hiến pháp là việc đặc biệt hệ trọng đối với một quốc gia, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị các thành viên Chính phủ phát huy tinh thần trách nhiệm, nghiêm túc, tiếp tục có những ý kiến đóng góp thiết thực vào Dự thảo ý kiến của Chính phủ về một số nội dung trong Dự thảo Hiến pháp (sửa đổi).
TheoNguyễn Hoàng-Nhật Bắc
Chinhphu.vn