Rất buồn khi dư luận phản ánh “bán không từ thứ gì”!
(Dân trí) - “Chúng tôi rất buồn khi báo chí nói “ăn không từ thứ gì”, giờ thêm cụm từ “bán không từ thứ gì”. Bán giấy chứng nhận VietGap, bán giấy chứng nhận sản phẩm lưu hành, bán chứng nhận con dấu…”, đại biểu Bùi Văn Phương nói.
Ngày 25/7, cho ý kiến xây dựng chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội 2017, đại biểu Bùi Văn Phương (đoàn Ninh Bình) cho rằng, hiện nay có quá nhiều vấn đề trong cuộc sống cần giám sát, nhưng trong phạm vi, khả năng, Quốc hội không thể giám sát hết tất cả. Chính vì vậy cần lựa chọn những vấn đề bức thiết nhất, cử tri quan tâm nhất.
Về bốn chuyên đề mà Thường vụ Quốc hội đưa ra lấy ý kiến, đại biểu đoàn Ninh Bình đề xuất nội dung thực hiện chính sách pháp luật về cải cách nhà nước giai đoạn 2011-2016.
Theo đại biểu, hiện nay bộ máy tổ chức kín từ thôn xóm, tổ dân phố đến Trung ương và chức năng nhiệm vụ quy định theo quy định của pháp luật cũng rất đầy đủ. Do vậy, có một bộ máy nhà nước trong sạch, vững mạnh, liêm chính thì chắc chắn không để xảy ra sai sót.
Dù bộ máy hành chính phủ kín, hệ thống pháp luật đầy đủ, nhưng đại biểu Bùi Minh Phương băn khoăn tại sao vẫn xảy ra rất nhiều chuyện để người dân ai oán, trong đó có vấn đề thực phẩm bẩn và môi trường ô nhiễm? Theo đại biểu, đó là do bộ máy chính quyền không làm tròn trách nhiệm.
“Chúng tôi rất buồn khi báo chí nói “ăn không từ thứ gì”, giờ thêm cụm từ “bán không từ thứ gì”. Bán từ giấy chứng nhận VietGap, bán giấy chứng nhận sản phẩm lưu hành, bán chứng nhận con dấu... Nhiều người nói là do năng lực kém. Nhưng cử tri nói năng lực không hề kém. Toàn bộ những việc đó đều biết cả nhưng đằng sau đó có lợi ích chi phối nên người ta mới làm ngơ đi để cho xả thải chất độc ra môi trường, làm ngơ để cho hàng gian, hàng giả hoành hành. Đấy là vấn đề phẩm chất đạo đức của cán bộ công chức”, đại biểu Bùi Minh Phương nói gay gắt.
Theo đại biểu cần phải tập trung làm rõ thực trạng bộ máy, cán bộ công chức giai đoạn 2011-2016 để làm rõ, chỉ ra xem cái gì dẫn đến sự yếu kém của cán bộ khiến dân ai oán. Nếu khắc phục được những vấn đề đó sẽ không có chuyện “bán không trừ thứ gì, ăn không trừ thứ gì”.
Tại hội trường, đại biểu cũng đề nghị cần xem lại việc quy trách nhiệm. Không để tình trạng khi xảy ra sai phạm thì đổ lỗi loanh quanh, dưới đổ lên trên, trên đổ xuống dưới và “trốn vào tập thể”, cuối cùng không xử lý được ai, dân lại chịu.
“70% nhân dân bỏ tiền đóng thuế để nuôi bộ máy và nếu không làm tròn trách nhiệm thì trách nhiệm thuộc về ai? Vì vậy, cần tập trung ưu tiên cho chuyên đề giám sát để bộ máy thật sự trong sạch. Tôi đồng tình với thông điệp của Chính phủ khóa mới là xây dựng bộ máy “kiến tạo, hành động và liêm chính”, đại biểu đoàn Ninh Bình nêu ý kiến.
Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (đoàn Ninh Thuận) đánh giá bốn nội dung giám sát chuyên đề trình Quốc hội đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cân nhắc kỹ, đó là những vấn đề rất nóng, bức xúc. Tuy nhiên, nếu nhìn tổng thể thì tất cả bức xúc đó có chung nguyên nhân là sự vận hành bộ máy nhà nước và thực thi công vụ của công chức, viên chức.
Theo đại biểu đoàn Ninh Thuận, nếu có bộ máy tốt, đội ngũ cán bộ biết trách nhiệm, bổn phận của mình thì không có nền hành chính còn nhiều phiền hà, ách tắc; không có việc xả thải làm ô nhiễm, hủy diệt môi trường khủng khiếp như ở miền Trung vừa qua...
Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương đưa ra ví dụ cụ thể khi Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đi kiểm tra về sử dụng nước sạch, đoàn mới đến kiểm tra 1 cơ sở thì các cơ sở khác đã biết và đóng cửa luôn, án binh bất động.
“Tôi cứ phân vân tự hỏi vai trò chính quyền địa phương ở đây là gì? Ở đâu cũng có bộ máy chính quyền đầy đủ, đội ngũ cán bộ đông đảo nhưng hễ việc gì xảy ra trên địa bàn cũng không biết. Khi kiểm tra, kiểm điểm cũng không thấy rõ khuyết điểm thuộc về ai, cuối cùng luôn đúng quy trình”, đại biểu đoàn Ninh Thuận băn khoăn.
Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương cho rằng, quá trình vận hành của bộ máy Nhà nước và đội ngũ cán bộ công chức, viên chức là nguyên nhân chủ yếu của nhiều vấn đề nóng, bức xúc trong xã hội. Do đó, đại biểu đồng tình cao với chuyên đề giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016”.
Quang Phong