Quyết liệt chống tội phạm "tín dụng đen", công nghệ cao

(Dân trí) - Quyết liệt phòng chống tội phạm, nhất là tội phạm có tổ chức, hoạt động theo kiểu "xã hội đen", tội phạm hình sự liên quan "tín dụng đen", tội phạm ma túy, cướp giật, công nghệ cao,... - Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ trình bày dự thảo nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2019.

Tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm kéo dài 

Quyết liệt chống tội phạm tín dụng đen, công nghệ cao - Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh trình bày báo cáo kiểm điểm năm 2018 của Chính phủ

 

Tại hội nghị trực tuyến với các địa phương sáng 28/12, thay mặt Chính phủ trình bày báo cáo kiểm điểm công tác chỉ đạo điều hành của Chính phủ năm 2018, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhắc lại phương châm đã đề ra “Kỷ cương - Liêm chính - Hành động - Sáng tạo - Hiệu quả”. Chính phủ đổi mới cơ chế chính sách, hoàn thiện thể chế gắn với tinh thần thượng tôn pháp luật; tháo gỡ vướng mắc, bất cập về cơ chế, chính sách, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tiết giảm chi phí, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, minh bạch, bình đẳng.

Đồng thời, khuyến khích khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, khơi dậy niềm tin, tạo động lực sản xuất kinh doanh, phát triển doanh nghiệp, huy động mọi nguồn lực cho phát triển đất nước.

Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; đề cao trách nhiệm cá nhân người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước các cấp; đổi mới phương thức quản lý, chỉ đạo, điều hành bằng những việc làm cụ thể; xây dựng hệ thống cơ quan hành chính liêm chính, hành động, phục vụ, lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp làm thước đo hiệu quả hoạt động.

Nhìn lại năm 2018, bên cạnh những thuận lợi, đất nước còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức song Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn kiên định với mục tiêu đề ra.

Kết quả công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ được thể hiện rõ nét qua kết quả tình hình kinh tế - xã hội năm 2018, góp phần củng cố thêm niềm tin của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp vào đường lối đổi mới của Đảng, Nhà nước, tạo không khí phấn khởi trong toàn xã hội vào tương lai phát triển của đất nước.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao cũng chỉ rõ những tồn tại, hạn chế như công tác dự báo, tham mưu, đề xuất cơ chế, chính sách chưa chủ động; trong một số trường hợp phản ứng chính sách chưa kịp thời; việc khắc phục cơ chế, chính sách, pháp luật bất cập chưa đạt yêu cầu.

Một số báo cáo, đề án trong chương trình công tác chưa đạt tiến độ đề ra, trong khi có nhiều trường hợp phát sinh phải bổ sung, gây bị động trong việc sắp xếp chương trình làm việc của Chính phủ.

Công tác phối hợp trong xử lý những vấn đề liên ngành giữa các bộ, cơ quan còn tình trạng né tránh, ý kiến không rõ ràng, đùn đẩy trách nhiệm, kéo dài.

Hiệu lực, hiệu quả quản lý, chỉ đạo, điều hành trong một số lĩnh vực còn chưa đáp ứng yêu cầu. Một số địa phương chưa sâu sát thực tiễn, chưa chủ động nắm tình hình, còn bị động, bất ngờ trong xử lý tình huống phát sinh, để xảy ra vụ việc đáng tiếc gây mất trật tự an toàn xã hội, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư và hình ảnh Việt Nam.

Chính phủ cho rằng những hạn chế nêu trên một phần do nguyên nhân khách quan nhưng nguyên nhân chủ quan là chủ yếu, do người đứng đầu một số cơ quan, đơn vị còn thiếu quyết liệt, chưa sâu sát; một số cán bộ, công chức chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm trong thực thi công vụ.

Quyết chặn “xã hội đen”, “tín dụng đen”

Quyết liệt chống tội phạm tín dụng đen, công nghệ cao - Ảnh 2.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ trình bày dự thảo nghị quyết triển khai kế hoạch năm 2019 của Chính phủ

Trình bày dự thảo nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm sau, 2019, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nêu rõ 4 trọng tâm chỉ đạo điều hành. Một là, nâng cao năng lực nội tại, khả năng chống chịu của nền kinh tế. Củng cố nền tảng vĩ mô, duy trì và khơi thông các động lực tăng trưởng. Quyết liệt thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với; đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp.

Hai là, xây dựng bộ máy kỷ cương, liêm chính, hành động, phục vụ; tiếp tục tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi. Tập trung hoàn thiện thể chế, nâng cao chất lượng xây dựng và thực thi pháp luật. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, công vụ. Chú trọng cải cách hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử gắn với sắp xếp tổ chức bộ máy biên chế tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Đổi mới và tăng cường hiệu quả hoạt động tư pháp.

Ba là, phát triển toàn diện, hài hòa các lĩnh vực văn hóa, xã hội, nâng cao đời sống của nhân dân; gắn với xây dựng con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Bốn là, chủ động, tích cực tham gia chuẩn bị đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội lần thứ 13 của Đảng. Tập trung tổng kết và xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2021-2030 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025.

Bám sát 4 trọng tâm chỉ đạo điều hành, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nêu 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm với 5.945 nhiệm vụ, giải pháp và 188 nhiệm vụ cụ thể.

Nhóm giải pháp đầu tiên là củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Trọng tâm của giải pháp này là điều hành thực hiện đồng bộ, linh hoạt, hiệu quả các chính sách vĩ mô, nhất quán mục tiêu xuyên suốt là duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, thúc đẩy sản xuất kinh doanh; phấn đấu giảm lãi suất cho vay; nâng cao chất lượng tín dụng, tập trung cho các lĩnh vực ưu tiên; ổn định thị trường ngoại tệ, thị trường vàng, tăngcủng cố dự trữ ngoại hối.

Cũng nằm trong nhóm giải pháp lớn này là cơ cấu lại và siết chặt kỷ luật tài chính - ngân sách nhà nước; tăng cường thanh tra, kiểm tra và công khai, minh bạch việc sử dụng ngân sách nhà nước. Quản lý chặt chẽ, sử dụng hiệu quả tài sản công. Giám sát chặt chẽ việc quản lý và sử dụng vốn vay. Cơ cấu lại các khoản thu, mở rộng cơ sở thuế; chống thất thu, chuyển giá, trốn lậu thuế. Triệt để tiết kiệm chi thường xuyên. Cân đối nguồn lực để thực hiện lộ trình cải cách chính sách tiền lương và bảo hiểm xã hội theo nghị quyết Trung ương.

Xây dựng, trình Bộ Chính trị đề án và thực hiện đồng bộ các giải pháp để phát triển bứt phá thị trường trong nước; nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu; phấn đấu thặng dư thương mại bền vững.

Bám sát diễn biến tình hình, điều hành hiệu quả để bảo đảm các cân đối lớn, nhất là về ngân sách Nhà nước, thương mại, đầu tư, lương thực, năng lượng... Củng cố hệ thống thông tin, báo cáo; nâng cao chất lượng công tác thống kê, phân tích, dự báo, phục vụ quản lý, điều hành; triển khai đề án thống kê khu vực GDP chưa được quan sát...

Dự thảo nghị quyết cũng nêu một số nhiệm vụ khác như nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Tăng cường kiểm tra, rà soát, giải quyết dứt điểm các vụ khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài, dư luận xã hội quan tâm, không để trở thành điểm nóng, gây mất an ninh, trật tự.

Ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ. Triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp phòng chống tham nhũng, lãng phí. Đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả theo tinh thần Nghị quyết Trung ương; tập trung tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức.

Quyết liệt phòng chống tội phạm, nhất là tội phạm có tổ chức, hoạt động theo kiểu "xã hội đen", tội phạm hình sự liên quan "tín dụng đen", tội phạm ma túy, cướp giật, công nghệ cao,...; bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ cũng là nhiệm vụ được nêu tại dự thảo nghị quyết.

Dự thảo nghị quyết cũng nêu rõ, năm sau sẽ triển khai quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc. Tăng cường kỷ luật báo chí, bảo đảm chủ động cung cấp thông tin, nhất là tình hình kinh tế - xã hội, cơ chế, chính sách mới. Các cơ quan thông tấn báo chí thông tin trung thực, khách quan, tạo sự đồng thuận, niềm tin xã hội và tự hào dân tộc, khát vọng Việt Nam.

P.Thảo