“Quyền tự do ngôn luận ở Việt Nam được đảm bảo ngày càng tốt hơn”
(Dân trí) - Dự thảo Báo cáo thực hiện Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị của Việt Nam đang được Bộ Tư pháp lấy ý kiến nhận định, các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do thông tin ở Việt Nam được đảm bảo ngày càng tốt hơn.
Theo dự thảo Báo cáo thực hiện Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị của Việt Nam giai đoạn từ năm 2002 đến tháng 6/2017 vừa được Bộ Tư pháp đưa ra ý kiến rộng rãi, Hiến pháp Việt Nam hiện hành quy định công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí. Nguyên tắc hiến định này được cụ thể hoá tại nhiều luật do Quốc hội ban hành như Luật Báo chí, Luật Xuất bản, Luật Công nghệ thông tin, Luật tiếp cận thông tin và các nghị định hướng dẫn thực hiện.
Báo chí không bị kiểm duyệt trước khi in, truyền dẫn, phát sóng. Nhà nước không kiểm duyệt tác phẩm trước khi xuất bản. Nhà báo có nghĩa vụ chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước người đứng đầu cơ quan báo chí về nội dung tác phẩm báo chí của mình.
Đối với vụ án đang trong quá trình điều tra, truy tố mà chưa được xét xử, các vụ việc tiệu cực hoặc có dấu hiệu vi phạm pháp luật nhưng chưa có kết luận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, báo chí có quyền thông tin theo các nguồn tài liệu mình có và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung thông tin.
Nghiêm cấm mọi hành vi đe doạn, uy hiếp tính mạng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, phóng viên; phá huỷ, thu giữ phương tiện, tài liệu, cản trở nhà báo, phóng viên hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật.
“Các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do thông tin ở Việt Nam được đảm bảo ngày càng tốt hơn. Các cuộc tranh luận, chất vấn, phản biện về chủ trương, chính sách tại Quốc hội, các cuộc toạ đàm, tranh luận, các thông tin đa chiều trên phương tiện thông tin đại chúng về mọi vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước, với sự tham gia tích cực của các tổ chức chính trị, xã hội và người dân là thực tiễn diễn ra hàng ngày trong đời sống của người dân Việt Nam”- dự thảo báo cáo nêu rõ.
Tính đến tháng 12/2016, số người dùng internet ở Việt Nam là gần 50 triệu người, chiếm trên 53% dân số (cao hơn trung bình của thế giới là 46,64%). Năm 2015, Việt Nam đứng thứ hai trong khu vực Đông Nam Á (sau Indonesia) và thứ 6 tại Châu Á vê số lượng người sử dụng internet. Tính chung cả nước có gần 35 triệu người sử dụng Facebook.
Dự thảo báo cáo cho biết, Nghị định 72 của Chính phủ ban hành năm 2013 quy định về quản lý, cung cấp, sử dụng internet và thông tin trên mạng đã nâng cao chất lượng cuộc sống và thực hiện các quyền tự do cơ bản của nhân dân, tăng cường bảo đảm an toàn và an ninh trên mạng. Người sử dụng mạng xã hội vẫn được phép chia sẻ tin tức, bày tỏ quan điểm, chính kiến cá nhân theo quy định của pháp luật.
Sau 4 năm triển khai, Nghị định 72/2013 sẽ được đánh giá, tổng kết việc thi hành để tiếp tục hoàn thiện, tạo hành lang pháp lý phù hợp với quá trình phát triển và hội nhập của Việt Nam.
Luật Báo chí cũng quy định cụ thể, rõ ràng việc tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động hợp tác của các cơ quan báo chí Việt Nam với nước ngoài. Chính vì vậy, người dân Việt Nam được tiếp cận với 75 kênh truyền hình nước ngoài, trong đó có những kênh được phát rộng rãi trên thế giới như CNN, BBC, Bloomberg… hoặc các thông tấn, báo chí lớn của thế giới như Reuters, BBC, VOA, AP,… thông qua mạng internet.
Đến nay có 20 cơ quan báo chí nước ngoài có phóng viên thường trức tại Việt Nam, nhiều báo và tạp chí nước ngoài in bằng nhiều thứ tiếng được phát hành rộng rãi tại Việt Nam.
Kha Xuân Lộc