Phó Thủ tướng: Thứ trưởng tăng do yêu cầu công tác cán bộ!

(Dân trí) - Tính đến tháng 11/2015, các Bộ ngành có 131 Thứ trưởng và tương đương, tăng 9 người so với đầu nhiệm kỳ. Một số cơ quan tăng Thứ trưởng, được Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, là do sắp xếp tổ chức Bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực và yêu cầu của công tác cán bộ.

Sáng nay 16/11, thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trình bày Báo cáo việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về hoạt động giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII đến năm 2015.

Trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, các nội dung giám sát và chất vấn tập trung vào quản lý và sử dụng vốn đầu tư công, ODA, vay ưu đãi, vốn chương trình mục tiêu quốc gia, thu hút vốn đầu tư dưới hình thức đối tác công tư, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và tái cơ cấu kinh tế.


Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày Báo cáo việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày Báo cáo việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội

Chính phủ, các Bộ, ngành tiếp tục tập trung hoàn thiện chính sách, pháp luật. Triển khai thực hiện Luật Đầu tư công. Tăng cường quản lý vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước và trái phiếu Chính phủ. Xây dựng và thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn. Bố trí vốn tập trung, khắc phục một bước tình trạng phân tán, dàn trải. Rà soát, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các công trình, dự án quan trọng. Xác định rõ nguồn và khả năng cân đối vốn trước khi quyết định đầu tư.

Quản lý chặt chẽ vốn chương trình mục tiêu quốc gia, tập trung cho các nhiệm vụ thật sự cần thiết, tạo điều kiện cho các Bộ, ngành địa phương chủ động bố trí vốn, bảo đảm hiệu quả. Chính phủ đã báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp này về tình hình thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011 - 2015 và kế hoạch giai đoạn 2016 - 2020.

Theo Phó Thủ tướng, việc chấp hành các quy định về quản lý đầu tư công ở một số nơi còn chưa nghiêm. Vẫn còn tình trạng điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư. Tình trạng chậm tiến độ, nợ đọng xây dựng cơ bản ở một số nơi khắc phục chậm. Hiệu quả đầu tư công chưa cao. Thu hút các nguồn vốn ngoài nhà nước tham gia vào đầu tư phát triển chưa thật hiệu quả. Nguồn vốn đối ứng cho các dự án ODA và vay ưu đãi còn hạn hẹp. Thu hút đầu tư xã hội và đầu tư nước ngoài vào cơ sở hạ tầng chưa nhiều. Tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng còn chậm.

Lĩnh vực nội vụ, nội dung chất vấn tập trung vào tổ chức bộ máy biên chế, số lượng cấp phó, chất lượng cán bộ, công chức, viên chức và công tác cải cách hành chính. Phó Thủ tương cho biết, việc tổ chức, bộ máy cơ quan hành chính nhà nước ở Trung ương được sắp xếp, kiện toàn, cơ bản phù hợp với chức năng, nhiệm vụ. Cơ quan chuyên môn ở địa phương được giữ ổn định. Triển khai thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Tổng số cán bộ cấp Thứ trưởng cơ bản không tăng so với đầu nhiệm kỳ. Một số cơ quan tăng do sắp xếp tổ chức Bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực và yêu cầu của công tác cán bộ. Gần đây Bộ Chính trị điều động một số đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng về các Bộ, ngành.

"Việc tăng số lượng cấp phó các đơn vị thuộc một số bộ, ngành chủ yếu do sắp xếp, hợp nhất tổ chức bộ máy nội bộ đối với những lĩnh vực có phạm vi, đối tượng quản lý rộng. Số lượng cấp phó ở các Bộ, ngành và địa phương sẽ giảm trong quá trình thực hiện Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương", Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.

Theo, báo cáo của Chính phủ, tính đến tháng 11/2015, có 131 Thứ trưởng và tương đương, tăng 9 so với đầu nhiệm kỳ. Cả nước có 238 Phó Chủ tịch UBND cấp tỉnh, so với quy định nếu không tính 27 người thuộc diện luân chuyển thì vượt 9 người; còn so với đầu nhiệm kỳ nếu không tính 27 người thuộc diện luân chuyển thì giảm 5 người.

Theo Phó Thủ tướng, hiện nay việc tổ chức bộ máy còn cồng kềnh, chức năng, nhiệm vụ còn chồng chéo. Việc đổi mới chế độ công vụ, công chức còn chậm; tinh giản biên chế còn khó khăn. Chất lượng của một bộ phận cán bộ, công chức chưa đáp ứng yêu cầu. Thủ tục hành chính trong một số lĩnh vực còn rườm rà. Ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng Chính phủ điện tử còn chậm.

Trong lĩnh vực tài chính, các nội dung giám sát và chất vấn tập trung vào việc quản lý giá, thực hiện lộ trình giá thị trường, tái cấu trúc và phát triển thị trường chứng khoán, bảo hiểm, chống thất thu, bảo đảm cân đối ngân sách nhà nước và quản lý nợ công. Trong lĩnh vực này, cân đối ngân sách nhà nước còn nhiều khó khăn, cơ cấu chưa hợp lý, chi thường xuyên lớn, bội chi còn cao.

Ngoài ra việc quản lý và sử dụng ngân sách nhà nước ở một số bộ ngành, địa phương còn chưa chặt chẽ. Còn tình trạng thất thu, nợ đọng thuế, chuyển giá và lãng phí trong chi ngân sách nhà nước. Nợ công tăng nhanh, áp lực trả nợ lớn. Việc sử dụng các khoản vay do Chính phủ bảo lãnh và vay của chính quyền địa phương ở một số dự án hiệu quả còn thấp. Việc thực hiện lộ trình giá thị trường các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu nhìn chung còn chậm.

Lĩnh vực ngân hàng, nội dung chất vấn tập trung vào điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn, quản lý, kinh doanh vàng, ngoại tệ, cơ cấu lại các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu.

Theo Phó Thủ tướng, việc điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng linh hoạt, hiệu quả, phối hợp chặt chẽ, hài hòa với chính sách tài khóa. Điều chỉnh giảm lãi suất phù hợp với diễn biến vĩ mô và lạm phát; mặt bằng lãi suất hiện nay bằng khoảng 40% so với năm 2011. Thị trường tiền tệ dần ổn định, thanh khoản của nền kinh tế và toàn hệ thống được cải thiện. Điều hành chính sách tỷ giá linh hoạt, ổn định thị trường ngoại tệ, tăng dự trữ ngoại hối. Dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế giai đoạn 2011 - 2014 tăng 12,6%/năm; dự kiến năm 2015 tăng khoảng 17%.

Triển khai 20 chương trình tín dụng của Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, học sinh sinh viên, hộ gia đình sản xuất kinh doanh ở vùng khó khăn... và một số các chương trình, dự án do các tổ chức nước ngoài, địa phương ủy thác. Từ năm 2011 đến tháng 9/2015, tổng doanh số cho vay đạt trên 171 nghìn tỷ đồng; tổng dư nợ cho vay trên 137 nghìn tỷ đồng với hơn 8 triệu khách hàng.

Hoàn thiện pháp luật về kinh doanh vàng; tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các vi phạm. Tình trạng “vàng hóa” trong nền kinh tế từng bước được ngăn chặn; biến động của giá vàng không ảnh hưởng nhiều đến ổn định tỷ giá, thị trường ngoại hối và kinh tế vĩ mô. Quan hệ huy động, cho vay vốn bằng vàng đã cơ bản chuyển sang quan hệ mua, bán.

Tập trung triển khai thực hiện Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD). Tình trạng sở hữu chéo, đầu tư chéo, cổ đông/nhóm cổ đông lớn, thao túng, chi phối trong hệ thống các TCTD về cơ bản đã được xử lý và kiểm soát. Đẩy mạnh sáp nhập, hợp nhất, mua lại trên nguyên tắc tự nguyện; giảm 17 tổ chức và 02 chi nhánh ngân hàng nước ngoài đang trong quá trình thanh lý. Các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế có đánh giá tích cực về việc cơ cấu lại các TCTD của Việt Nam.

Thực hiện quyết liệt Đề án xử lý nợ xấu của các TCTD; tăng cường thu hồi, cơ cấu lại, phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng rủi ro của TCTD; phát huy vai trò của VAMC; nợ xấu đã được kiểm soát, đến cuối tháng 9/2015 còn 2,93% . Năng lực tài chính và hiệu quả hoạt động của các TCTD được nâng lên, bảo đảm an toàn hệ thống.

Tuy nhiên, việc cơ cấu lại một số ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém và xử lý nợ xấu còn khó khăn. Còn một số vụ việc vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong hoạt động tín dụng, ngân hàng. Việc tiếp cận vốn tín dụng, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa còn khó khăn. Chất lượng tín dụng, quản trị và dịch vụ ngân hàng còn phải tiếp tục cải thiện và tăng cường ngày càng phù hợp hơn với thông lệ, chuẩn mực quốc tế và quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Quang Phong