Phó Thủ tướng “phê” 10 tỉnh giàu vẫn xin ngân sách hỗ trợ nhà ở người có công
(Dân trí) - Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng không hài lòng vì nguồn lực để thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở với người có công với cách mạng chủ yếu phải trông vào ngân sách Trung ương, mức huy động được từ xã hội không nhiều. Đặc biệt, có những tỉnh giàu, có nguồn vượt thu rất lớn cũng vẫn chờ xin Trung ương cấp vốn.
Ngày 26/5, Bộ Xây dựng chủ trì tổ chức hội nghị toàn quốc sơ kết việc thực hiện chương trình hỗ trợ nhà ở với người có công theo Quyết định số 22 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ.
Báo cáo tại hội nghị, Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết, sau khi Thủ tướng ban hành Quyết định 22, Bộ Xây dựng có văn bản hướng dẫn thực hiện vào tháng 9/2013 tới hết 15/5/2017, tổng số hộ cần được hỗ trợ theo thống lê là xấp xỉ 380.000 hộ, trong đó 177.000 hộ cần xây mới và 202.000 hộ sửa chữa, cải tạo.
Trong giai đoạn 1, cũng tính tới thời điểm giữa tháng 5 năm nay, cả nước có gần 117.000 hộ hoàn thành việc xây mới và sửa chữa, cải tạo nhà ở, đang triển khai thực hiện chính sách cho gần 7000 hộ nữa. Theo đó, tổng số hộ đã và đang được hỗ trợ xây sửa nhà đến nay đã là 124.000 hộ, vượt 43.700 hộ so với kế hoạch hỗ trợ 80.000 hộ đề ra ban đầu.
Số tiền hỗ trợ, theo đó, cũng vượt qua mức 2.700 tỷ đồng dự kiến.
So với tổng số 380.000 hộ cần hỗ trợ thì cả nước hiện vẫn còn khoảng 256.000 hộ chưa thực hiện theo Quyết định 22 của Thủ tướng.
Trong giai đoạn 2 của chương trình, đối với số lượng các hộ đã được Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội thẩm tra thì ngân sách cần thu xếp tiếp khoảng 7.800 tỷ đồng để thực hiện chính sách hỗ trợ gia đình người có công cải thiện chỗ ở. Đầu tháng 5 năm nay, Bộ KH-ĐT báo cáo Chính phủ đã bố trí đủ 7.300 tỷ đồng vốn đầu tư ngân sách 2016-2020 cho việc thực hiện chính sách này.
Bên cạnh đó, có 13 địa phương đề nghị bổ sung thêm danh sách gần 19.000 hộ dân nữa với số tiền dự kiến cần cấp là 548 tỷ đồng.
Bộ trưởng Xây dựng cũng cho biết, cuối tháng 4 vừa qua, UB Thường vụ Quốc hội đã có ý kiến với Chính phủ, đồng ý bổ sung thêm 2.000 tỷ đồng phân bổ vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, trong đó có phần dành để hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng trong trường hợp số kinh phí 7.300 tỷ đồng đã được cấp vẫn thiếu. Theo tính toán, khoản cần dùng thêm sẽ khoảng 462 tỷ đồng. Theo đó, tổng số kinh phí thực hiện chương trình hỗ trợ giai đoạn 2 là khoảng 8.400 tỷ đồng (ngân sách Trung ương cấp 7.760 tỷ, ngân sách địa phương cấp khoảng 620 tỷ).
Bộ trưởng Phạm Hồng Hà khái quát chung, về cơ bản, hầu hết các địa phương đã hoàn thành kế hoạch hỗ trợ trong giai đoạn 1, có nhiều tỉnh đã hoàn thành 100%.
Tại hội nghị, mô hình những tỉnh thành làm tốt như Hà Nội (có mức hỗ trợ cao nhất cho người dân: 70 triệu đồng/hộ), Quảng Nam (một tỉnh nghèo, diện đối tượng chính sách rất lớn mà tạo được sức lan toả rộng rãi cho chương trình), Bắc Ninh (tỉnh hoàn thành sớm nhất kế hoạch với việc tự ứng trước kinh phí để hỗ trợ các hộ dân có tên trong đề án)… được Bộ trưởng Xây dựng trân trọng giới thiệu để chia sẻ kinh nghiệm với các địa phương cả nước.
Theo đó, đời sống của người có công với cách mạng sau khi được hưởng chính sách hỗ trợ được đánh giá là đã được nâng cao hơn trước, nhà ở khang trang, bền chắc, có diện tích sử dụng tối thiểu 30m2, đảm bảo vệ sinh, chắc chắn, kín đáo, tránh được tác động xấu của thời tiết. Chính sách hỗ trợ về nhà ở đã và đang giúp người có công ổn định hơn trong cuộc sống, từng bước cải thiện, nâng cao chất lượng sống.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng – người khởi tạo chương trình, chính sách ghi nhận nỗ lực của các cơ quan, bộ ngành để đem lại những kết quả ý nghĩa với đời sống xã hội.
Dù vậy, Phó Thủ tướng cũng nêu rõ, những con số cuối cùng vẫn chưa đạt chỉ tiêu, tiến độ thực hiện chương trình còn chậm so với kế hoạch. Các địa phương xét duyệt các đối tượng chậm, việc đề xuất thứ tự đối tượng ưu tiên chưa hợp lý dẫn đến quá trình thực hiện chính sách bị kéo dài, chưa đảm bảo tiến độ đề ra.
Đánh giá nguyên nhân khách quan, Phó Thủ tướng xác nhận, do số lượng hộ dân thuộc diện hỗ trợ phát sinh quá lớn, vượt xa số lượng tính toán ban đầu (từ 80.000 hộ lên tới trên 300.000 hộ, số liệu chốt tại thời điểm này thậm chí còn tới 380.000 hộ). Điều đó ảnh hưởng rất lớn đến việc kế hoạch hoá chương trình vì số lượng vốn phải bố trí, theo đó, cũng rất lớn.
Về chủ quan, theo Phó Thủ tướng, việc hỗ trợ nhà ở cho người có công dù đã huy động nhiều nguồn lực nhưng vốn đầu tư vẫn phải dựa chủ yếu vào ngân sách, vốn huy động trong xã hội không nhiều. Lãnh đạo Chính phủ cho rằng đó là một điểm hạn chế lớn, nhất là những địa phương giàu, có nguồn vượt thu rất lớn mà vẫn chờ Trung ương cấp vốn lo. Ông Dũng phê bình 10 tỉnh thành thuộc diện đó.
Từ khía cạnh trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, Phó Thủ tướng tỏ ý chưa hài lòng về khâu hỗ trợ kỹ thuật để có được những mẫu nhà với kiến trúc phù hợp giúp định lượng cụ thể, nâng cao hiệu quả, chất lượng hỗ trợ cho người dân. Vì thế, hầu hết các công trình người dân vẫn phải tự làm, chưa thấy bàn tay của người làm quản lý về xây dựng kiến trúc tham gia.
“Có 10 đối tượng thuộc nhóm được hỗ trợ nhà ở xã hội, trong đó, người có công là nhóm số một. Hỗ trợ nhà ở cho người có công, theo đó, là nhiệm vụ chính trị của cả hệ thống chính trị và cả xã hội. Việc phát triển nhà ở cho những gia đình này không chỉ có ý nghĩa chính trị mà còn về kinh tế, xã hội và nhân văn sâu sắc. Việc này nhằm đáp ứng yêu cầu về cải thiện nhà ở cho người dân, quyền có chỗ ở của người dân đã thể hiện trong Hiến pháp 2013” – Phó Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu đảm bảo tính công khai minh bạch, chống tiêu cực thất thoát trong quá trình thực hiện chính sách.
P.Thảo