Phó Thủ tướng nêu 4 đề xuất về định hướng hợp tác APEC
(Dân trí) - Trong một thế giới đầy biến động, APEC cần tăng cường vai trò là cơ chế khởi xướng ý tưởng và động lực cho tăng trưởng kinh tế và hội nhập. APEC cần dụng cơ hội do các cơ chế ở khu vực mang lại, trong đó có Cộng đồng ASEAN và TPP - Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh.
Sáng nay, 8/12, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã có bài phát biểu tại Hội thảo về các ưu tiên của Năm APEC 2017 trong khuôn khổ Hội nghị không chính thức các quan chức cao cấp APEC (ISOM).
Hội nghị ISOM được tổ chức tại Hà Nội vào ngày 8-9/12 là hoạt động đầu tiên trong chuỗi các sự kiện Năm APEC Việt Nam 2017 mà Việt Nam chủ trì.
APEC đối mặt với nhiều thách thức lớn
Mở đầu bài phát biểu, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đề cập tới những thách thức đan xen, đa chiều mà các nền kinh tế, các khu vực đang phải đối mặt như tăng trưởng kinh tế và thương mại toàn cầu năm 2016 giảm xuống mức thấp nhất kể từ sau khủng hoảng năm 2008-2009, chỉ lần lượt đạt 2,2% và 1,7%.
Bên cạnh đó là giá nguyên liệu giảm, thương mại toàn cầu và chính sách tiền tệ và tài khóa thắt chặt đã tác động không nhỏ tới tăng trưởng kinh tế khu vực APEC và toàn cầu. Chủ nghĩa bảo hộ gia tăng gây quan ngại sâu sắc. Những thành quả của tiến trình toàn cầu hóa không được phân bổ đồng đều giữa các khu vực, các nền kinh tế và cộng đồng dân cư. Những tiến bộ về công nghệ có thể làm gia tăng khoảng cách phát triển giữa các nền kinh tế.
Không những thế, các nền kinh tế còn đối mặt với cạnh tranh địa chính trị, khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia, an ninh mạng, bất bình đẳng, nghèo đói, dịch bệnh và biến đổi khí hậu đều ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế cũng như phát triển bền vững và bao trùm.
“Trước sự hình thành của ngày càng nhiều các cơ chế liên kết khu vực, APEC cần tự đổi mới để khẳng định vai trò là diễn đàn kinh tế hàng đầu ở khu vực. Những hoạt động hợp tác và liên kết của APEC cần được mở rộng và thực chất hơn. APEC cần tập trung giải quyết những vấn đề cấp bách hiện nay thông qua đẩy mạnh hợp tác với tầm nhìn dài hạn, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng bày tỏ mong muốn, tại Hội thảo các đại biểu cần tập trung thảo luận để xác định những ưu tiên cho APEC trong năm sau, dưới chủ đề “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung”.
Trong bài phát biểu, Phó Thủ tướng cũng nêu 4 đề xuất của mình về định hướng hợp tác APEC thời gian tới.
Theo Phó Thủ tướng, trước hết, chúng ta cần thúc đẩy tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm. Cải cách cơ cấu cần là ưu tiên của APEC nhằm thúc đẩy tăng năng suất, tăng trưởng sáng tạo và thu hẹp khoảng cách phát triển. Chúng ta cần xây dựng các cộng đồng vững mạnh và bao trùm, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm. Cần tăng cường khả năng thích ứng trước những biến động và cú sốc về kinh tế, tài chính, cũng như trước thiên tai và dịch bệnh.
Thứ hai, chúng ta cần đẩy mạnh kết nối và hội nhập khu vực sâu rộng, đặc biệt, chúng ta cần tận dụng cơ hội do những cơ chế hiện có và đang hình thành ở khu vực mang lại, trong đó có Cộng đồng ASEAN, TPP, RCEP và FTAAP. Và để tăng cường kết nối khu vực và tiểu khu vực, chúng ta cần xây dựng cơ sở hạ tầng có chất lượng, tận dụng các cơ chế tài chính sáng tạo và quan hệ đối tác công – tư.
Thứ ba, bước vào kỷ nguyên số, APEC cần hỗ trợ các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs) tăng cường năng lực cạnh tranh, sáng tạo và tham gia chuỗi giá trị toàn cầu và thứ tư là trước những tác động chưa từng có của biến đổi khí hậu, chúng ta cần tăng cường an ninh lương thực và phát triển nông nghiệp bền vững.
Trong một thế giới đầy biến động, APEC cần tăng cường vai trò là cơ chế khởi xướng ý tưởng và động lực cho tăng trưởng kinh tế và hội nhập. Đây là thời điểm chúng ta cần cùng nhau xây dựng tầm nhìn cho APEC sau năm 2020, vì một “Quan hệ đối tác Châu Á – Thái Bình Dương vì Phát triển bền vững và bao trùm trong thế kỷ 21” – một quan hệ đối tác thiết thực vì hòa bình, ổn định, hợp tác và thịnh vượng ở khu vực và trên thế giới, Phó Thủ tướng nói.
Việt Nam sẵn sàng cho Năm APEC 2017
Ngoài Hội thảo về các ưu tiên của Năm APEC 2017, Hội nghị ISOM lần này còn bao gồm các hoạt động khác như Đối thoại APEC và Doanh nghiệp với chủ đề “Tạo động lực mới thúc đẩy tăng trưởng và liên kết APEC” vào chiều ngày 8/12.
Hội nghị ISOM vào sáng ngày 9/12 sẽ do Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn chủ trì với sự tham dự của quan chức cao cấp của các nền kinh tế thành viên, Ban Thư ký APEC quốc tế và các tổ chức quan sát viên APEC.
Kết thúc Hội nghị ISOM là Họp báo quốc tế về Năm APEC 2017. Đây là họp báo quốc tế đầu tiên của Việt Nam về Năm APEC 2017 do Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn chủ trì, với sự tham gia của lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Giám đốc điều hành Ban Thư ký APEC quốc tế, Chủ tịch SOM APEC Peru 2016 và đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam
Trao đổi với báo chí bên lề Hội thảo các ưu tiên của Năm APEC 2017, Thứ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, cho biết, đến nay Việt Nam đã sẵn sàng cho APEC về mọi mặt. Chính phủ đã lập ra Ủy ban Quốc gia Việt Nam về APEC 2017 gồm có 5 tiểu ban.
Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang có những diễn biến rất khó lường và phức tạp, đặc biệt là tăng trưởng chậm lại trong khi đó, chủ nghĩa bảo hộ và tư tưởng chống toàn cầu hóa trỗi dậy ở một số nơi; hoạt động của các nền kinh tế APEC, đặc biệt là Năm APEC 2017 dưới sự chủ trì của Việt Nam, sẽ tiếp tục diễn đàn khu vực để APEC có thể là đầu tàu kéo nền kinh tế thế giới vượt qua những khó khăn, Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn cho hay.
Nam Hằng