Tổ chức Công đoàn Việt Nam mãi xứng đáng là nền tảng chính trị, nền tảng xã hội của Đảng và Nhà nước ta
Sáng 25.9, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Mỹ Đình, Hà Nội) diễn ra phiên trọng thể Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XII nhiệm kỳ 2018 – 2023.
10h10': Phiên trọng thể Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XII kết thúc.
10h05: Đồng chí Bùi Văn Cường - Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN phát biểu đáp từ:
Kính thưa đồng chí Nguyễn Phú Trọng - Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam!
Kính thưa quý vị đại biểu, khách quý! Kính thưa Đại hội!
Hôm nay, đại hội rất vinh dự được đồng chí Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đến dự, phát biểu ý kiến và chỉ đạo Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XII.
Thay mặt giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn xin trân trọng cảm ơn những đánh giá, ghi nhận, thể hiện sự quan tâm của Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng và cá nhân đồng chí Tổng Bí thư đối với những thành tích mà các cấp Công đoàn Việt Nam đã đạt được trong nhiệm kỳ qua.
Những chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư trong giai đoạn mới là những định hướng lớn và rất quan trọng đối với phong trào công nhân, viên chức, lao động và hoạt động của tổ chức Công đoàn trong thời gian tới.
Đại hội xin nghiêm túc tiếp thu ý kiến chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư để thảo luận, bổ sung và cụ thể hóa vào Nghị quyết nhằm xây dựng giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam ngày càng vững mạnh, tiếp tục đổi mới về tổ chức, nội dung và phương thức hoạt động công đoàn, góp phần đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
Đại hội xin hứa với đồng chí Tổng Bí thư và Ban Chấp hành Trung ương Đảng, giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam đoàn kết, đồng lòng, tuyệt đối tin tưởng và tuân theo sự lãnh đạo của Đảng, đổi mới tổ chức và hoạt động công đoàn.
Tập trung đại diện, chăm lo, bảo vệ đoàn viên, người lao động.
Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, xây dựng giai cấp công nhân lớn mạnh.
Góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội”.
Tổ chức Công đoàn Việt Nam rất mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, chỉ đạo, tạo điều kiện nhiều hơn nữa của Trung ương Đảng và đồng chí. Thay mặt đại hội, kính chúc sức khoẻ đồng chí Tổng Bí thư và các đồng chí trong Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng.
9h45: Đồng chí Nguyễn Phú Trọng - Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam phát biểu chỉ đạo đại hội.
Phát biểu chỉ đạo tại đại hội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XII là một sự kiện quan trọng trong đời sống chính trị của giai cấp công nhân nước ta. Trải qua gần 90 năm hình thành và phát triển, được Đảng và Bác Hồ lãnh đạo, rèn luyện, Công đoàn Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh, trưởng thành và có những đóng góp xứng đáng vào thắng lợi vĩ đại của cách mạng Việt Nam.
Công đoàn luôn gắn bó máu thịt với giai cấp công nhân, đồng hành với dân tộc và Đảng Cộng Sản Việt Nam, phấn đấu xây dựng một nước Việt Nam độc lập-hòa bình-thống nhất; dân giàu-nước mạnh - dân chủ- công bằng - văn minh.
Tổng Bí thư đánh giá, trong nhiệm kỳ XI vừa qua, Công đoàn Việt Nam đã có nhiều đổi mới nội dung và phương thức hoạt động. Công tác công đoàn và phong trào công nhân đã đạt được kết quả toàn diện, đáp ứng tốt hơn nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của đoàn viên, công nhân viên chức, người lao động.
Công đoàn đã có những sáng tạo, đề xuất và tổ chức được nhiều hoạt động chăm lo cho đoàn viên công đoàn, tổ chức Tết sum vầy cho NLĐ, xây dựng các thiết chế công đoàn, góp phần tháo gỡ những vấn đề về nhà ở, nhà trẻ, nơi sinh hoạt văn hóa cho người lao động. Công đoàn cũng có nhiều biện pháp kịp thời giải quyết các việc liên quan đến công tác bảo vệ tình hình an ninh trật tự, quyền lợi, đời sống của công nhân lao động.
Công đoàn cũng đã tổ chức nhiều cuộc đối thoại, xây dựng thỏa ước lao động tập thể, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, từng bước nâng cao phúc lợi cho NLĐ; xây dựng quan hệ lao động hài hòa và tiến bộ; Hoạt động tuyên truyền và giáo dục đã tạo được sự lan tỏa trong hệ thống; phong trào thi đua yêu nước trong công nhân viên chức, NLĐ có chuyển biến tích cực.
Tổ chức công đoàn ngày càng được củng cố, phát triển, công tác tập hợp công nhân, NLĐ đạt được nhiều kết quả. Số lượng đoàn viên tăng nhanh so với các nhiệm kỳ trước. Phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn rộng khắp trong các doanh nghiệp, chất lượng đội ngũ công đoàn được nâng cao... Trên khắp các lĩnh vực đã xuất hiện nhiều tấm gương công nhân viên chức lao động đi đầu trong lĩnh vực kinh doanh, khẳng định vai trò của Tổ chức Công đoàn trong hệ thống chính trị…
“Thành tích của Công đoàn và sự lớn mạnh của giai cấp công nhân Việt Nam là rất to lớn và rất đáng tự hào. Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tôi biểu dương, đánh giá cao nỗ lực của phong trào công nhân và hoạt động của các cấp công đoàn trong cả nước” - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói.
9h40: Đồng chí Kiều Ngọc Vũ - Phó Chủ tịch LĐLĐ TPHCM trình bày tham luận về nâng cao hiệu quả việc thực hiện nhiệm vụ đại diện, bảo vệ quyền lợi người lao động trong tình hình mới.
Theo đó, đồng chí Kiều Ngọc Vũ đã báo cáo một số hoạt động lớn về nhiệm vụ đại diện, bảo vệ quyền lợi người lao động được các cấp Công đoàn TPHCM thực hiện trong thời gian qua.
Trong đó tập trung vào một số hoạt động lớn gồm: Hoạt động thương lượng, ký kết thoả hước hoạt động lao động tập thể.
Chủ động phối hợp chính quyền, cơ quan chuyên môn cùng cấp tổ chức hội nghị cán bộ, công chức, viên chức, từng bước nâng cao số lượng, chất lượng hội nghị người lao động.
Về hỗ trợ pháp lý và đại diện theo uỷ quyền của người lao động khởi kiện tại toà án khi quyền lợi người lao động bị xâm phạm.
Về công tác an toàn, vệ sinh lao động, đảm bảo điều kiện và môi trường lao động ngày càng tốt hơn cho người lao động.
Chủ động phối hợp với cơ quan chức năng thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật lao động, kịp thời nhắc nhở, chấn chỉnh các doanh nghiệp thực hiện chưa tốt, kiến nghị xử phạt các trường hợp cố tình vi phạm, từ đó tác động tích cực đến ý thức chấp hành Luật lao động.
Phó Chủ tịch LĐLĐ TPHCM chia sẻ một số kinh nghiệm của LĐLĐ TP trong thời gian qua như: Nắm tâm tư, nguyện vọng, tình hình dư luận trong công nhân, người lao động, nhất là doanh nghiệp có đông lao động, quan hệ lao động chứa nhiều yếu tố phức tạp.
Tăng cường công tác chỉ đạo, đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, bám sát cơ sở, nắm chắc địa bàn, doanh nghiệp, đáp ứng với yêu cầu của tình hình quan hệ lao động ngày càng phong phú, phức tạp.
Phối hợp với các ngành chức năng trong việc ngăn ngừa, xử lý các trường hợp vi phạm Luật lao động
Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ tư vấn pháp luật đủ mạnh, phát huy vai trò, cán bộ công đoàn chuyên trách, tham gia đại diện, khởi kiện doanh nghiệp vi phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.
Phó Chủ tịch LĐLĐ TPCHM kiến nghị một số vấn đề như: Việc sửa Bộ Luật lao động sắp tới về tuổi nghỉ hưu, trong đó cần khảo sát để có chính sách phù hợp với từng nhóm đối tượng cụ thể.
Công tác đại diện cho người lao động, tập thể người lao động tiến hành khởi kiện tại toà án khi quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động bị xâm phạm.
Kiến nghị Tổng LĐLĐVN nghiên cứu, đề xuất thành lập Trung tâm tư vấn và hỗ trợ công nhân ở cấp Tổng liên đoàn và một số địa phương có đông công nhân để các trung tâm này tìm kiếm nguồn lực hỗ trợ công nhân.
9h25: Đồng chí Đặng Thị Phương Hoa - Phó Chủ tịch LĐLĐ TP Hà Nội phát biểu tham luận với chủ đề: “Nâng cao hiệu quả công tác giáo dục, chính trị tư tưởng, kiến thức - kỹ năng nghề nghiệp và pháp luật cho công nhân viên chức lao động trong tình hình mới”.
Đồng chí Đặng Thị Phương Hoa bày tỏ nhất trí cao với Dự thảo Báo cáo của Ban Chấp hành Tổng LĐLĐVN khóa XI. Trong tham luận của mình, bà Hoa làm rõ hơn về việc nâng cao hiệu quả công tác giáo dục, chính trị tư tưởng, kiến thức – kỹ năng nghề nghiệp và pháp luật cho công nhân viên chức lao động trong tình hình mới.
Công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng là bộ phận cấu thành đặc biệt trong toàn bộ hoạt động của Đảng Cộng sản Việt Nam và các tổ chức chính trị xã hội.
Đối với tổ chức Công đoàn Việt Nam, công tác tuyên truyền, giáo dục là một trong ba chức năng quan trọng, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động công đoàn và xây dựng giai cấp công nhân lớn mạnh. Thấm nhuần các quan điểm của Đảng và lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vai trò của công tác tuyên truyền, giáo dục.
Trong nhiệm kỳ qua, các cấp công đoàn cả nước đã có nhiều đổi mới cả về nội dung và phương thức trong triển khai nhiệm vụ công tác này, tạo được sức lan tỏa trong toàn hệ thống và xã hội.
Các hoạt động tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước được đẩy mạnh; nhiều đề án, chương trình, kế hoạch tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật và kỹ năng nghề nghiệp được triển khai.
Hà Nội là thủ đô của cả nước, nơi tập trung đông công nhân, viên chức, lao động; địa bàn nhạy cảm đối với tất cả các sự kiện chính trị của đất nước và những vấn đề phát sinh trong công nhân.
Hiện nay, trên địa bàn thành phố có 2,5 triệu lao động, LĐLĐ thành phố đang quản lý 45 công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở; 23 công đoàn cơ sở trường đại học, cao đẳng với tổng số hơn 8.000 CĐCS và 600.000 đoàn viên.
Trong nhiệm kỳ qua, các cấp công đoàn Thủ đô luôn coi trọng công tác tuyên truyền giáo dục trong CNVCLĐ, có sự phối hợp đồng bộ, hiệu quả giữa các cấp ủy đảng, chính quyền với các cấp công đoàn, hoạt động ngày càng đi vào chiều sâu, hiệu quả, thiết thực và sát với tình hình thực tế, góp phần phát triển kinh tế -xã hội và ổn định Thủ đô.
Trong những năm qua, LĐLĐ TP Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động nhân “Tháng Công nhân”, “Tết Sum vầy" hàng năm, huy động được sự quan tâm của các cấp, các ngành, doanh nghiệp cùng chung sức chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đoàn viên, người lao động.
Nhiều hoạt động mới được đánh giá cao, như: “Công đoàn đồng hành vì sự phát triển bền vững của doanh nghiệp”, “Ở đâu công nhân khó, ở đó có Công đoàn”.
LĐLĐ đã phối hợp với UBND Thành phố tổ chức Hội nghị đối thoại với CNLĐ, cán bộ CĐCS và người sử dụng lao động ở các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội. Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở và CĐCS đã phối hợp tổ chức hàng trăm cuộc đối thoại giữa Công đoàn và người sử dụng lao động.
Việc tuyên truyền, giáo dục được triển khai với nhiều hình thức phong phú, hướng đến từng người lao động; ngoài các phương thức truyền thống, đã coi trọng và sử dụng rộng rãi mạng xã hội, góp phần nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền.
Trên cơ sở kết quả công tác tuyên truyền, giáo dục của toàn hệ thống đạt được trong nhiệm kỳ qua, từ thực tiễn Thủ đô Hà Nội, chúng tôi đề nghị trong nhiệm kỳ tới, các cấp công đoàn cả nước, nhất là Tổng LĐLĐVN cần tập trung vào một số nhiệm vụ chủ yếu của công tác tuyên truyền, giáo dục như sau.
Một là, củng cố, kiện toàn đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên giáo công đoàn; nâng cao chất lượng cán bộ CĐCS và đội ngũ cộng tác viên dư luận xã hội.
Nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan truyền thông trong hệ thống Công đoàn, đẩy mạnh công tác phối hợp tuyên truyền với các cơ quan báo chí của Trung ương và địa phương; tận dụng mặt tích cực của Internet, mạng xã hội để định hướng, tuyên truyền, giáo dục, vận động đoàn viên, người lao động.
Hai là, tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao bản lĩnh chính trị, giác ngộ giai cấp, kiến thức pháp luật, tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động, trình độ học vấn, kỹ năng nghề nghiệp, việc chuyển đổi nghề và ngoại ngữ cho đoàn viên, người lao động.
Đa dạng hóa các hình thức, biện pháp tuyên truyền, tiếp tục đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục theo hướng sát cơ sở; lấy đoàn viên, người lao động là đối tượng triển khai.
Ba là, nghiên cứu, biên soạn các bộ tài liệu tuyên truyền, giáo dục về chính trị tư tưởng; tuyên truyền giáo dục về vai trò của giai cấp công nhân, tổ chức Công đoàn Việt Nam; tuyên truyền về chính sách pháp luật… ngắn gọn, phù hợp với từng đối tượng người lao động.
9h: Đồng chí Mai Đức Chính - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN trình bày báo cáo tổng hợp kiến nghị của đoàn viên, người lao động và tổ chức công đoàn với Đảng, Quốc hội và Chính phủ với 456 ý kiến, kiến nghị trong đó tập trung vào 5 vấn đề lớn của đoàn viên, người lao động và tổ chức công đoàn đối với Đảng, Nhà nước gửi tới Đại hội.
Thứ nhất, việc ban hành, tổ chức thực hiện và đánh giá, tổng kết các nghị quyết, chỉ thị của Đảng liên quan đến giai cấp công nhân và tổ chức công đoàn.
Thứ hai, vấn đề hoàn thiện các quy định của pháp luật nói chung, đặc biệt là các quy định của pháp luật liên quan đến lĩnh vực quan hệ lao động, quyền và lợi ích của người lao động.
Thứ ba, việc thực thi các quy định pháp luật đối với người lao động và tổ chức công đoàn.
Thứ tư, vấn đề triển khai các giải pháp chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của người lao động.
Thứ năm, về tổ chức, hoạt động và đảm bảo điều kiện hoạt động của Công đoàn Việt Nam và một số nội dung cụ thể khác.
Ban Chấp hành Tổng LĐLĐVN tổng hợp và báo cáo với lãnh đạo Đảng, Nhà nước và toàn thể Đại hội nội dung các kiến nghị như sau:
Thứ nhất, về việc ban hành, tổ chức thực hiện và đánh giá, tổng kết các nghị quyết, chỉ thị của Đảng: Bộ Chính trị, Ban Bí thư tiếp tục quan tâm chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện và định kỳ tổ chức tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết 20-NQ/TW ngày 28.1.2008 về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.
Chỉ đạo đẩy mạnh việc thực hiện Chỉ thị số 22 -CT/TW ngày 5.6.2008 của Ban Bí thư (khoá X) về tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp và Kết luận số 96-KL/TW ngày 7.4.2014 của Ban Bí thư tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị 22-CT/TW.
Chỉ thị số 52-CT/TW ngày 9.1.2016 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân lao động khu công nghiệp, khu chế xuất.
Thứ hai, về việc xem xét tính đặc thù của tổ chức Công đoàn Việt Nam so với các đoàn thể chính trị khác.
Trong quá trình xây dựng và triển khai tổ chức thực hiện các chủ trương, nghị quyết, quy định của Đảng, nhất là Nghị quyết Trung ương 6, 7 (khóa XII) và định hướng sửa đổi Quyết định 282-QĐ/TW ngày 1.4.2015 quy định về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội cấp tỉnh, cấp huyện, Trung ương cần quan tâm đến tính đặc thù của tổ chức Công đoàn Việt Nam để đảm bảo cho Công đoàn có nguồn nhân lực đủ về số lượng, mạnh về chất lượng với mô hình tổ chức phù hợp đáp ứng yêu cầu của tình hình mới, đặc thù đó là: Theo pháp luật, Công đoàn Việt Nam là tổ chức đại diện của người lao động trong quan hệ lao động và nhiều quan hệ pháp luật khác.
Công đoàn là một bên trong quan hệ lao động, một bên trong cơ chế ba bên gồm Chính phủ, Công đoàn và giới chủ, nên cần đảm bảo tính độc lập tương đối đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Công đoàn được giao quản lý tài chính, tài sản theo hệ thống dọc theo Nghị quyết của Đảng, Luật Công đoàn và các Nghị định của Chính phủ.
Công đoàn phải tự thu kinh phí để tổ chức hoạt động và trang trải cho tổ chức bộ máy.
Những năm tới, số đoàn viên của Công đoàn Việt Nam tiếp tục tăng mạnh do yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Hiện nay, tỷ lệ cán bộ công đoàn chuyên trách trên số đoàn viên đang ở mức thấp nhất so với các đoàn thể chính trị khác trong khi nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn Việt Nam ngày càng nặng nề.
Sự ra đời của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở khi Việt Nam ký kết và thực thi các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới trong những năm tới là một thách thức lớn đối với tổ chức Công đoàn Việt Nam.
Thứ ba, về chất lượng các văn bản quy phạm pháp luật: Quốc hội và Chính phủ quan tâm đẩy mạnh việc nâng cao chất lượng hoạt động xây dựng pháp luật, trong đó có pháp luật liên quan đến người lao động và tổ chức Công đoàn.
Các dự thảo luật cần được lấy ý kiến rộng rãi đối tượng chịu tác động trực tiếp, các quy định pháp luật đảm bảo hài hòa lợi ích giữa người lao động và người sử dụng lao động, quan tâm bảo vệ đối tượng yếu thế.
Làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền, định hướng dư luận trong quá trình xây dựng và thông qua các dự án luật.
Đảm bảo tính thống nhất, ổn định và từng bước hiện đại hệ thống pháp luật.
Đối với việc sửa đổi, bổ sung Bộ luật Lao động sắp tới, cần quy định cơ chế giải quyết tranh chấp lao động theo hướng chuyên nghiệp, thân thiện, hiệu quả, khắc phục bằng được mô hình và cách thức giải quyết như hiện nay.
Quy định trách nhiệm đảm bảo bữa ăn giữa ca của người lao động thuộc về người sử dụng lao động. Quy định tuổi nghỉ hưu phù hợp với từng đối tượng lao động và lĩnh vực lao động.
Quy định thời gian người lao động được nghỉ làm việc để tham gia học tập đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; quy định giờ làm thêm ở mức phù hợp và trả lương làm thêm giờ theo nguyên tắc lũy tiến.
Đảm bảo bình đẳng giới, không cắt giảm các chế độ tiến bộ đang áp dụng đối với lao động nữ.
Thứ tư, về công tác lãnh đạo, chỉ đạo. Đảng, Quốc hội, Chính phủ tiếp tục đổi mới mạnh mẽ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành đất nước.
Tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển bền vững đất nước.
Đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí; thu hẹp khoảng cách giàu nghèo.
Tiếp tục quan tâm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho giai cấp công nhân, đồng thời lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp với tổ chức công đoàn, giúp công nhân Việt Nam hội nhập, phát triển và được thụ hưởng xứng đáng những thành quả lao động mà họ nỗ lực làm nên, để giai cấp công nhân Việt Nam tiếp tục hoàn thành sứ mệnh lịch sử to lớn - lãnh đạo cách mạng Việt Nam thông qua đội tiên phong là Đảng Cộng sản Việt Nam.
Thứ năm, về công tác quản lý nhà nước về lao động và bảo hiểm xã hội.
Chính phủ tiếp tục chỉ đạo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố tăng cường quản lý nhà nước về lao động và bảo hiểm xã hội.
Thường xuyên thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các doanh nghiệp vi phạm pháp luật về lao động, công đoàn, bảo hiểm xã hội, an toàn vệ sinh lao động, nhất là các doanh nghiệp không hoặc chậm trả lương, trốn đóng bảo hiểm xã hội, để xảy ra tai nạn lao động, gây khó khăn cho hoạt động công đoàn và người lao động.
Thứ sáu, về vấn đề xây dựng các thiết chế công đoàn.
Trung ương tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương quan tâm đầu tư kinh phí, bố trí đất đai và chỉ đạo quyết liệt việc xây dựng các thiết chế công đoàn dành cho công nhân tại các khu công nghiệp, nhất là nhà ở, trường học, trạm y tế, siêu thị, nơi vui chơi giải trí, góp phần nâng cao đời sống công nhân, giúp công nhân yên tâm làm việc, đóng góp nhiều hơn cho doanh nghiệp và đất nước.
Thứ bảy, về đảm bảo an ninh, an toàn cho người lao động.
Trung ương và các địa phương cần đề ra các giải pháp hữu hiệu đảm bảo an ninh, an toàn cho người lao động tại nơi làm việc và nơi ở.
Sửa đổi, bổ sung các quy định buộc người sử dụng lao động phải đảm bảo môi trường làm việc thực sự an toàn cho người lao động, nghiêm cấm các hành vi xúc phạm, ép buộc hoặc quấy rối tình dục ở nơi làm việc; đảm bảo an toàn tại các khu nhà trọ. Xử lý nghiêm các hành vi đánh bạc, trộm cắp, lừa đảo, tệ nạn xã hội, cho vay nặng lãi đang tấn công công nhân ở các khu nhà trọ.
Thứ tám, về nâng cao trình độ tay nghề cho người lao động.
Quốc hội và Chính phủ nghiên cứu, ban hành các chính sách có tính đột phá về đào tạo nghề, nâng cao chất lượng nguồn lao động và tổ chức thực hiện hiệu quả trên thực tế.
Đổi mới quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục nghề nghiệp, phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động.
Thực hiện đào tạo lại, đào tạo bổ sung,đào tạo kỹ năng.
Đào tạo nghề gắn với nhu cầu của doanh nghiệp và thị trường.
Có chế tài buộc người sử dụng lao động có trách nhiệm đào tạo người lao động.
Thứ chín, về tạo việc làm và thu hút người lao động vào khu vực chính thức.
Tiếp tục triển khai các giải pháp thúc đẩy phong trào khởi nghiệp, thu hút đầu tư cả trong và ngoài nước, đầu tư ra nước ngoài, mở rộng địa bàn và đẩy mạnh xuất khẩu lao động để tạo việc làm và giải quyết việc làm cho người lao động.
Đồng thời ban hành các chính sách, pháp luật nhằm thu hút người lao động vào khu vực chính thức, đảm bảo an sinh xã hội cho đông đảo người lao động.
Thứ mười, về công tác quản lý nhà nước về đầu tư. Việc ban hành các chính sách thu hút đầu tư phải thực sự khoa học, chặt chẽ, có tính chọn lọc.
Các bộ, ngành, địa phương khi thẩm định, đánh giá, lựa chọn các dự án đầu tư, cần chú ý đến năng lực tài chính, năng lực quản trị doanh nghiệp, công nghệ, việc thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, ý thức chấp hành pháp luật.
Kiên quyết không thu hút đầu tư bằng mọi giá.
Ngăn chặn, giảm thiểu tình trạng doanh nghiệp không chấp hành các quy định pháp luật, nhất là pháp luật Lao động và Công đoàn. Hoặc doanh nghiệp có chủ bỏ trốn; giảm dần các doanh nghiệp thâm dụng lao động.
8h30: Đồng chí Bùi Văn Cường - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN tóm tắt Báo cáo của Ban Chấp hành Tổng LĐLĐVN khóa XI tại Đại hội XII Công đoàn Việt Nam.
Chủ tịch Tổng LĐLĐVN cho biết, Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XII, sự kiện chính trị quan trọng của giai cấp công nhân, người lao động và tổ chức Công đoàn Việt Nam, mở đầu cho giai đoạn phát triển mới của tổ chức Công đoàn Việt Nam.
Với tất cả tinh thần cầu thị, Ban Chấp hành Tổng LĐLĐVN khóa XI đã nhiều lần thảo luận, tiếp thu tối đa các ý kiến góp ý xác đáng, hợp lý để báo cáo, xin ý kiến các ban Đảng Trung ương, báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng, hoàn chỉnh Báo cáo trình Đại hội lần thứ XII Công đoàn Việt Nam.
Thứ nhất, Công đoàn Việt Nam đang ở thời điểm có tính bước ngoặt.
Công đoàn Việt Nam vừa thực hiện chức năng và hoàn thành sứ mệnh của một đoàn thể nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng, vừa là tổ chức đại diện người lao động trong quan hệ lao động theo cơ chế hai bên và ba bên, phù hợp với thông lệ quốc tế.
Công đoàn là đoàn thể chính trị - xã hội duy nhất tự thu kinh phí và tự chi kinh phí cho bộ máy và các hoạt động chuyên môn theo quy định của pháp luật, không lấy từ ngân sách nhà nước theo nguyên tắc và thông lệ quốc tế để đảm bảo tính độc lập với Chính phủ trong quan hệ ba bên (Chính phủ, đại diện giới chủ và Công đoàn).
Công đoàn Việt Nam đã đổi mới mạnh mẽ về nội dung, phương thức hoạt động, đạt nhiều kết quả và hoàn thành cơ bản các nhiệm vụ, chỉ tiêu chủ yếu do Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XI đề ra.
Hoạt động chăm lo, đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động được tập trung đầu tư với nhận thức mới, tư duy mới.
Chương trình phúc lợi đoàn viên công đoàn, năm Vì lợi ích đoàn viên công đoàn lần đầu tiên được tổ chức, Tháng Công nhân, “Tết Sum vầy”, "Mái ấm Công đoàn” và nhiều hoạt động ý nghĩa khác được nâng tầm hiệu quả, góp phần thiết thực chăm lo, hỗ trợ đoàn viên, người lao động.
Việc tham mưu, đề xuất với Đảng và Chính phủ về Đề án đầu tư xây dựng các thiết chế của công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất và tổ chức đầu tư, xây dựng các thiết chế tại những địa phương có nhiều bức xúc về nhà ở, nhà trẻ, nơi vui chơi, giải trí của công nhân.
Công đoàn đã tích cực tham gia xây dựng chính sách, pháp luật liên quan đến người lao động. Tổng LĐLĐVN đã tham mưu, đề xuất để Thủ tướng Chính phủ 3 lần gặp gỡ, đối thoại với công nhân, lao động, góp phần giải quyết kịp thời nhiều khó khăn, vướng mắc.
Công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn được thực hiện với 647.203 cuộc tuyên truyền, thu hút 27.685.716 lượt đoàn viên, người lao động tham gia. Việc “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” được triển khai bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú.
Công đoàn đã chủ động triển khai các hoạt động tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa X) về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” và 5 năm thực hiện Kết luận số 79-KL/TW.
Phong trào thi đua yêu nước và công tác thi đua, khen thưởng có chuyển biến tích cực. Các cấp công đoàn đã cụ thể hóa phong trào thi đua “Lao động giỏi”, “Lao động sáng tạo”; phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”; phong trào “Xanh- Sạch- Đẹp, Bảo đảm an toàn vệ sinh lao động”.
Công tác nữ công tiếp tục được quan tâm và có chuyển biến quan trọng.
Tiếp tục đổi mới phương pháp, hình thức thu hút, tập hợp người lao động tham gia tổ chức Công đoàn. Triển khai phần mềm quản lý đoàn viên, tiến hành đổi thẻ đoàn viên, tích hợp thẻ đoàn viên có chức năng sử dụng ATM, gắn mã ID và mã Vpoint để hưởng các ưu đãi giảm giá theo Chương trình Phúc lợi đoàn viên.
Hoạt động kiểm tra được chú trọng hơn và ngày càng đi vào nề nếp với việc giao nhiệm vụ giám sát và tăng thêm thẩm quyền cho Ủy ban kiểm tra, ban hành 6 văn bản quan trọng làm cơ sở pháp lý cho việc nâng cao hiệu quả hoạt động kiểm tra, giám sát của các cấp công đoàn.
Công tác tài chính công đoàn có sự chuyển biến mới về tư duy, căn bản, toàn diện, theo hướng công khai, minh bạch và hiệu quả. Thu tài chính công đoàn tăng đều qua các năm và đột biến ở năm 2017, 2018; triển khai biện pháp thu kinh phí công đoàn khu vực sản xuất kinh doanh qua một tài khoản.
Hoạt động đối ngoại của Công đoàn Việt Nam đã bám sát chủ trương, đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước, đạt nhiều kết quả quan trọng, góp phần tăng cường vị thế của Công đoàn Việt Nam trong phong trào công nhân và công đoàn quốc tế; tranh thủ được sự ủng hộ, giúp đỡ của bạn bè quốc tế trong lĩnh vực lao động, công đoàn.
Những kết quả toàn diện của hoạt động công đoàn và phong trào công nhân, viên chức, lao động cả nước trong nhiệm kỳ qua đã có đóng góp quan trọng vào những thành tựu chung của đất nước, góp phần tăng cường sức mạnh của hệ thống chính trị và sự lớn mạnh của giai cấp công nhân Việt Nam.
Bên cạnh những kết quả đạt được, đại hội nghiêm túc kiểm điểm những hạn chế, yếu kém. Đó là chất lượng hoạt động công đoàn chưa đồng đều, ở một số lĩnh vực, cơ quan, đơn vị; hiệu quả hoạt động đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động chưa cao.
Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XI, Đại hội rút ra 5 bài học kinh nghiệm: Một là, sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố quyết định thắng lợi trong hoạt động Công đoàn Việt Nam. Hai là, quan tâm chăm lo lợi ích chính đáng của đoàn viên, lấy lợi ích là một trong những điểm quan trọng tập hợp, thu hút người lao động đến với tổ chức công đoàn. Ba là, thực hiện tốt vai trò đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đoàn viên, người lao động. Bốn là, chú trọng nâng cao hiệu quả hoạt động công đoàn, kịp thời thích ứng với sự thay đổi nhanh chóng của tình hình thực tế. Năm là, chủ động xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn đáp ứng phong trào công nhân, viên chức, lao động và hoạt động công đoàn trong tình hình mới.
Đại hội XII Công đoàn Việt Nam xác định mục tiêu tổng quát, nhiệm vụ chủ yếu, các khâu đột phá, hệ thống chỉ tiêu và các nhóm nhiệm vụ, giải pháp để tổ chức thực hiện trong nhiệm kỳ XII (2018 -2023) như sau:
Mục tiêu tổng quát: Nâng cao hiệu quả đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền lợi của đoàn viên và người lao động, vì việc làm bền vững, đời sống ngày càng cao. Tuyên truyền, giáo dục, nâng cao giác ngộ giai cấp, bản lĩnh chính trị, tinh thần yêu nước, hiểu biết pháp luật, trách nhiệm cao, tay nghề giỏi, góp phần xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam lớn mạnh.
Hoàn thiện mô hình tổ chức, đổi mới phương thức hoạt động, xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn bản lĩnh, trí tuệ, chuyên nghiệp. Tích cực tham gia xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Về các khâu đột phá, nhiệm kỳ 2018 -2023, các cấp công đoàn tập trung thực hiện 3 khâu đột phá: Một là, Đổi mới tổ chức, phương thức hoạt động; chăm lo lợi ích đoàn viên, đại diện, bảo vệ người lao động; Hai là, Xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn nhất là đội ngũ chủ tịch công đoàn cơ sở khu vực ngoài nhà nước đủ năng lực, phẩm chất, ngang tầm nhiệm vụ; Ba là, Xây dựng nguồn lực công đoàn đủ mạnh, đẩy mạnh công tác truyền thông công đoàn đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới.
Thứ 2, tập trung nguồn lực để tạo sự chuyển biến mạnh về chất lượng và hiệu quả việc thực hiện nhiệm vụ đại diện, chăm lo lợi ích, bảo vệ quyền lợi của đoàn viên, người lao động.
Nhiệm kỳ XII, cấp công đoàn tiếp tục tập trung nguồn lực và nâng cao hiệu quả việc thực hiện nhiệm vụ này.
Hoạt động chăm lo lợi ích cho đoàn viên, người lao động được tiếp tục đẩy mạnh trên cơ sở quan điểm coi lợi ích là chất kết dính thu hút, tập hợp người lao động đến với tổ chức công đoàn.
Tham mưu với Chính phủ và phối hợp với các bộ, ngành và chính quyền địa phương chăm lo lợi ích người lao động, tập trung vào việc xây dựng các thiết chế công đoàn, phát triển và bảo vệ việc làm bền vững, phòng ngừa vi phạm pháp luật của giới chủ đối với người lao động.
Tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng tham gia xây dựng chính sách, pháp luật, coi đây là cách bảo vệ người lao động từ xa, trên diện rộng và hiệu quả. Tăng cường các hoạt động tham gia hoặc chủ động tiến hành thanh tra, kiểm tra, giám sát và phản biện xã hội.
Thứ 3, đổi mới mạnh mẽ công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động đoàn viên, người lao động, phát huy hiệu quả các phong trào thi đua, nâng cao chất lượng công tác nữ công, góp phần chăm lo, xây dựng đội ngũ những người lao động nữ trong tình hình mới.
5 năm tới, để đáp ứng yêu cầu của tình hình mới, các cấp công đoàn phải tập trung đổi mới mạnh mẽ công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động đoàn viên, người lao động.
Tham gia xây dựng người lao động Việt Nam yêu nước, đoàn kết, nghĩa tình, lao động sáng tạo, tôn trọng pháp luật, trách nhiệm cao, tay nghề giỏi. Phát triển các phương thức tuyên truyền mới có tác động nhanh.
Phát triển, cụ thể hóa phong trào thi đua “Lao động giỏi”, “Lao động sáng tạo” sát hợp từng khu vực, đối tượng, trọng tâm là phong trào “Năng suất cao hơn, chất lượng tốt hơn” trong khu vực sản xuất, kinh doanh; phong trào “Tham mưu giỏi, phục vụ tốt” trong khu vực cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp.
Nâng cao chất lượng các phong trào thi đua theo chuyên đề. Phát động phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo, hiệu quả” hoạt động công đoàn trong cán bộ, đoàn viên công đoàn.
Nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp công đoàn trong tiến trình thực hiện mục tiêu bình đẳng giới và đổi mới hoạt động nữ công. Tập trung tham gia kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực hiện các quyền của lao động nữ; nghiên cứu tham mưu giải quyết kịp thời các vấn đề bức xúc của lao động nữ.
Thứ tư, xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, tích cực tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sách, vững mạnh.
Công đoàn các cấp tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển đoàn viên, đổi mới cách thức tiếp cận, tuyên truyền, vận động người lao động. Thực hiện đồng bộ công tác quản lý, đánh giá, phân loại đoàn viên ở các cấp công đoàn; vận hành hiệu quả phần mềm quản lý đoàn viên và thẻ đoàn viên.
Nghiên cứu, sắp xếp, hoàn thiện mô hình tổ chức, bộ máy, chức năng, nhiệm vụ của công đoàn các cấp theo hướng rõ nhiệm vụ, rõ quyền hạn của mỗi cấp công đoàn, đảm bảo tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.
Tiếp tục đổi mới phương pháp hoạt động của ủy ban kiểm tra, tăng cường số lượng và nâng cao chất lượng các cuộc kiểm tra. Thực hiện đúng quy định của Nhà nước và Tổng Liên đoàn về xử lý kỷ luật, về hoạt động giám sát và tổ chức thực hiện việc xử lý kỷ luật đối với tập thể, cá nhân có vi phạm kỷ luật. Củng cố, kiện toàn tổ chức, nhân sự uỷ ban kiểm tra công đoàn các cấp, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ ủy ban kiểm tra công đoàn đảm bảo về năng lực, bản lĩnh.
Chủ động và phối hợp thực hiện vai trò giám sát, phát huy dân chủ của cán bộ, đoàn viên tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch vững mạnh. Tham gia xây dựng tổ chức cơ sở Đảng ở các doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước. Tăng cường giới thiệu đoàn viên ưu tú cho Đảng xem xét kết nạp.
Thứ năm, tạo sự chuyển biến mạnh trong công tác tài chính công đoàn, chủ động hội nhập quốc tế, nâng cao hiệp quả hoạt động đối ngoại.
Nhiệm kỳ 2018 – 2023, Công đoàn Việt Nam chọn một trong 3 khâu đột phá là tạo nguồn lực đủ mạnh để triển khai các nhiệm vụ ngày càng to lớn, nặng nề của tổ chức, muốn vậy công tác tài chính công đoàn phải có bước chuyển mạnh theo hướng chuyên nghiệp, công khai, minh bạch, công bằng và hiệu quả.
Chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng để làm tốt công tác thu kinh phí và đoàn phí công đoàn, giảm thiểu thất thu. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý tài chính, tài sản.
Bố trí cán bộ làm công tác tài chính phải được đào tạo đúng chuyên ngành, có năng lực chuyên môn và đạo đức tốt, xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác tài chính công đoàn chuyên nghiệp. Tiến hành giao vốn, khoán lợi nhuận cho các đơn vị; tách nhiệm vụ chính trị với nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.
Mở rộng và nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại theo đúng đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước. Thực hiện đa phương hóa, đa dạng hóa. Duy trì quan hệ hợp tác, hữu nghị, truyền thống của Công đoàn Việt Nam; chú trọng quan hệ hợp tác với công đoàn các nước láng giềng, bạn bè truyền thống, các nước trong ASEAN. Thực hiện tốt nghĩa vụ thành viên có trách nhiệm trong Liên hiệp công đoàn thế giới (WFTU).
Tăng cường công tác tuyên truyền, giới thiệu về tổ chức và hoạt động Công đoàn Việt Nam, về đất nước, con người Việt Nam với các tổ chức quốc tế và bạn bè trên thế giới.
Thứ sáu, đổi mới mạnh mẽ công tác chỉ đạo và phương thức hoạt động của các cấp công đoàn.
Tình hình, nhiệm vụ mới đòi hỏi Công đoàn Việt Nam phải đổi mới toàn diện, trong đó đổi mới mạnh mẽ công tác chỉ đạo và phương thức hoạt động công đoàn là một trong những ưu tiên hàng đầu.
Đổi mới công tác chỉ đạo hoạt động Công đoàn theo hướng cấp trên phục vụ, hỗ trợ cấp dưới; tổ chức công đoàn phục vụ đoàn viên, người lao động; đồng thời phát huy dân chủ đi đôi với tăng cường kỷ luật, kỷ cương.
Tăng cường phối hợp trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ. Xây dựng cơ chế để các cấp công đoàn phát huy tính chủ động, sáng tạo, gắn với trách nhiệm trong hoạt động công đoàn phù hợp với thực tiễn ngành, địa phương, cơ sở và quy định của Tổng Liên đoàn.
Phân định rõ mối quan hệ phối hợp, quyền hạn, trách nhiệm giữa công đoàn ngành và liên đoàn lao động địa phương trong việc hướng dẫn công đoàn cơ sở hoạt động và xây dựng công đoàn cơ sở vững mạnh; giải quyết tranh chấp lao động tập thể. Tăng cường cán bộ theo dõi, bám sát địa bàn, cơ sở.
Chú trọng tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, tham gia phản biện xã hội. Thực hiện cải cách hành chính trong tổ chức công đoàn; hướng các hoạt động công đoàn về cơ sở, vì cơ sở. Ứng dụng mạnh mẽ các thành tựu, khoa học công nghệ.
8h15: Đồng chí Trần Thanh Hải - Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐVN - tóm lược nội dung ngày làm việc thứ nhất và chương trình ngày làm việc thứ hai Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XII.
Theo đồng chí Trần Thanh Hải, trong ngày làm việc đầu tiên, đại hội đã tiến hành bầu Đoàn Chủ tịch, Đoàn Thư ký đại hội và Ban Thẩm tra tư cách đại biểu; thảo luận và thông qua chương trình và quy chế làm việc của đại hội; thảo luận và biểu quyết thông qua Báo cáo thẩm tra tư cách đại biểu đại hội.
Đại hội cũng đã nghe báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành, Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN khoá XI; Báo cáo sửa đổi, bổ sung Điều lệ Công đoàn Việt Nam; biểu quyết và thông qua Điều lệ Công đoàn Việt Nam.
Đại hội cũng tiến hành thảo luận với chủ đề “Công đoàn đồng hành với Chính phủ nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển bền vững đất nước” với sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ.
Trong ngày làm việc hôm nay, trong buổi sáng, Đại hội tiếp tục làm việc tại hội trường, nghe báo cáo của Ban Chấp hành Tổng LĐLĐVN khóa XI trình Đại hội XII Công đoàn Việt Nam; báo cáo tổng hợp kiến nghị của cán bộ, công chức, viên chức, công nhân, lao động và tổ chức công đoàn với Đảng và Nhà nước.
Đặc biệt, đại hội sẽ được đón nhận ý kiến phát biểu của đồng chí Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nguyễn Phú Trọng, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước quán triệt những yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra cho giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn trong giai đoạn mới.
Buổi chiều, đại hội sẽ tiến hành bầu cử nhân sự Ban Chấp hành, Đoàn Chủ tịch, Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Chủ nhiệm, Phó Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Tổng LĐLĐVN khóa mới.
“Trong những ngày này, đông đảo đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động cả nước đang hướng về đại hội, gửi trọn niềm tin và đặt kỳ vọng vào những quyết định của đại hội. Vì vậy, Đoàn Chủ tịch Đại hội đề nghị mỗi đồng chí đại biểu với ý thức trách nhiệm cao trước đoàn viên, người lao động, hãy tập trung trí tuệ, phát huy dân chủ, làm việc với tinh thần tập trung, đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc, tâm huyết vào văn kiện của đại hội, sáng suốt lựa chọn bầu các đồng chí có đủ phẩm chất và năng lực vào Ban Chấp hành khóa mới để lãnh đạo tổ chức hoàn thành thắng lợi những mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ mà Nghị quyết đại hội đề ra”- đồng chí Trần Thanh Hải - Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐVN nhấn mạnh.
8h05: Đồng chí Trần Thanh Hải - Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐVN - giới thiệu đại biểu tham dự và phát biểu khai mạc phiên trọng thể đại hội. Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XII vinh dự được đón các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước tham dự, phát biểu chỉ đạo, giao nhiệm vụ:
- Đồng chí Nguyễn Phú Trọng - Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam.
- Đồng chí Nông Đức Mạnh - nguyên Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam.
- Đồng chí Trần Đức Lương - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam.
- Đồng chí Trương Tấn Sang - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước Cộng hòa hòa XHCN Việt Nam.
- Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc - Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa XHCN Việt Nam.
- Đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa XHCN Việt Nam.
- Đồng chí Nguyễn Văn An - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa XHCN Việt Nam.
- Đồng chí Nguyễn Sinh Hùng - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa XHCN Việt Nam.
- Đồng chí Trần Quốc Vượng - Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng.
- Đồng chí Phạm Thế Duyệt - nguyên Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, nguyên Thường trực Ban Bí thư, nguyên Chủ tịch Tổng Công đoàn Việt Nam khóa V.
- Đồng chí Lê Hồng Anh - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng.
- Đồng chí Võ Văn Thưởng - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng,Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương.
- Đồng chí Trương Hòa Bình – Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ
- Đồng chí Vương Đình Huệ - Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ
- Đồng chí Phạm Bình Minh - Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao
- Đồng chí Phạm Minh Chính - Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương
- Đồng chí Trương Thị Mai - Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Dân vận Trung ương
- Đồng chí Nguyễn Văn Bình - Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương
- Đồng chí Ngô Xuân Lịch - Uỷ viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng
- Đồng chí Hoàng Trung Hải - Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP. Hà Nội
- Đồng chí Nguyễn Văn Nên - Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng T.Ư Đảng
- Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng - Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh
- Đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TAND Tối cao
- Đồng chí Tô Huy Rứa - nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức T.Ư
- Đồng chí Ngô Văn Dụ - nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Trung ương
- Đồng chí Phạm Quang Nghị - nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội
- Đồng chí Lê Thanh Hải - nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy TP.Hồ Chí Minh
- Đồng chí Hà Thị Khiết - nguyên Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Trưởng Ban Dân vận T.Ư
- Đồng chí Uông Chu Lưu - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nước CHXHCN Việt Nam
- Đồng chí Phùng Quốc Hiển - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nước CHXHCN Việt Nam
- Đồng chí Huỳnh Đảm - nguyên Uỷ viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Chủ tịch Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Đại hội còn được tiếp đón các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, các đồng chí lão thành cách mạng, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các ban, bộ, ngành, và các đoàn thể Trung ương; các tỉnh, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương, đại diện lãnh đạo một số Tập đoàn, tổng công ty, đơn vị phối hợp đã tới dự đại hội.
Về phía Tổng LĐLĐVN, các đồng chí Chủ tịch, nguyên Chủ tịch Tổng Liên đoàn qua các khóa đã đến dự Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XII:
Đồng chí Bùi Văn Cường - Ủy viên Ban Chấp hành T.Ư Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN khóa XI; đồng chí Cù Thị Hậu - nguyên Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Chủ tịch Tổng LĐLĐVN khóa IX, X; đồng chí Đặng Ngọc Tùng - nguyên Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Chủ tịch Tổng LĐLĐVN khóa X, XI.
Đại hội cũng có sự tham dự của các đồng chí nguyên Phó Chủ tịch, nguyên Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Ủy viên Ban Thư ký qua các thời kỳ, các đồng chí nguyên Ủy viên Ban Chấp hành, Ủy viên Ủy ban kiểm tra Tổng LĐLĐVN khóa XI.
Đại hội còn đón các đoàn đại biểu, các tổ chức công đoàn khu vực và quốc tế, các tổ chức quốc tế tham dự Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XII:
Đoàn đại biểu Liên hiệp Công đoàn thế giới; Tổng Công đoàn Quốc tế; Công đoàn ASEAN; Công đoàn Công nghiệp và Sản xuất toàn cầu; Văn phòng Tổ chức Lao động Quốc tế tại Việt Nam; Viện Friedrich-Ebert-Stiftung tại Việt Nam và Tổ chức Nhân dân vì Y tế, Giáo dục và hỗ trợ hải ngoại Úc tại Việt Nam.
8h: Khai mạc Phiên trọng thể Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XII
Mở đầu khai mạc phiên trọng thể đại hội, đồng chí Trần Văn Thuật - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN - chia sẻ, Đại hội XII Công đoàn Việt Nam diễn ra trong 3 ngày 24, 25 và 26.9.
Trong ngày làm việc thứ nhất (24.9), đại hội đã bầu Đoàn Chủ tịch gồm 30 đồng chí và Đoàn Thư ký gồm 5 đồng chí.
Trong ngày làm việc hôm nay (25.9), đại hội vinh dự được đón các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước tham dự, phát biểu chỉ đạo, giao nhiệm vụ.
Đại hội còn có sự tham dự của 947 đại biểu - đại diện cho hơn 10 triệu đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động cả nước, cùng 7 đoàn đại biểu quốc tế.
Theo chương trình, trong buổi sáng, Đại hội tiếp tục làm việc tại hội trường, nghe báo cáo của Ban Chấp hành Tổng LĐLĐVN khóa XI trình Đại hội XII Công đoàn Việt Nam; Báo cáo tổng hợp kiến nghị của cán bộ, công chức, viên chức, công nhân, lao động và tổ chức công đoàn với Đảng và Nhà nước.
Đặc biệt, đại hội sẽ được đón nhận ý kiến phát biểu của đồng chí Nguyễn Phú Trọng - Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước quán triệt những yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra cho giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn trong giai đoạn mới.
Chiều 25.9, Đại hội sẽ biểu quyết danh sách nhân sự giới thiệu bầu Ban Chấp hành Tổng LĐLĐVN khóa XII; bầu Ban Chấp hành Tổng LĐLĐVN khóa XII; thảo luận về nhân sự tại các đoàn đại biểu; Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Tổng LĐLĐVN khóa XII; Hội nghị lần thứ nhất Ủy ban kiểm tra Tổng Liên đoàn khóa XII (ngay sau khi kết thúc Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn khóa XII)…
Theo Lao Động