42 năm Giải phóng miền Nam (30/4/1975 – 30/4/2017)

Những xúc cảm thiêng liêng của một cựu chiến binh Sư đoàn 5 trước ngày 30/4

(Dân trí) - Trên đường hành quân vào Nam đánh Mỹ, 9 giờ tối ngày 20/3/1968, Tiểu đoàn 10 (với 516 con em huyện Nghi Lộc, Nghệ An) hành quân trên đồi Yên Ngựa (Nghệ An). Tự nhiên không ai nói với ai điều gì, cả Tiểu đoàn dừng bước, ngoảnh mặt nhìn về quê hương, để vội vã cất mũ vẫy chào. Có người nói tạm biệt, có người nói vĩnh biệt quê hương...

LTS: Trong đoàn người hành quân đêm đó có người lính giải phóng quân Lê Doãn Hợp. Sau ngày hòa bình lập lại, ông trở về xây dựng quê hương, kinh qua các chức vụ Phó Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An, Phó trưởng ban Thường trực Ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương, Bộ trưởng Bộ Văn hóa thông tin, sau này là Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.

Nhân dịp kỷ niệm 42 năm ngày Giải phóng miền Nam 30/4, người cựu chiến binh Lê Doãn Hợp đã chia sẻ với Dân trí những xúc cảm, ký ức của một thời không thể nào quên.

1. Tình cảm quê hương

Trên đường hành quân vào Nam đánh Mỹ, 9 giờ tối ngày 20/3/1968, Tiểu đoàn 10 (với 516 con em huyện Nghi Lộc, Nghệ An) thuộc Trung đoàn 22, quân khu 4, hành quân trên đồi Yên Ngựa thuộc địa phận xã Đại Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An.

Tự nhiên không ai nói với ai điều gì, cả Tiểu đoàn dừng bước, ngoảnh mặt nhìn về phía đông là quê hương Nghi Lộc, đang chìm trong bóng tối, thỉnh thoảng lóe sáng vì đạn pháo từ các hạm đội của Mỹ ở biển Đông bắn vào, để vội vã cất mũ vẫy chào quê nhà.

Có người nói tạm biệt, có người nói vĩnh biệt quê hương. Tôi thoáng nghĩ: không ít đồng đội của tôi sẽ có người không trở về, vì chiến tranh đang bước vào thời kỳ khốc liệt nhất. Nhưng không ai nghĩ rằng kết thúc chiến tranh số người không trở về quê mẹ lại đông đến thế. Hơn 90% đồng đội của chúng tôi đã vĩnh viễn nằm lại trên các chiến trường. Chỉ có 51 người trên 516 người còn sống, được may mắn trở về đất mẹ. Số liệu này đủ nói lên sự khắc nghiệt của chiến tranh mà chúng tôi nếm trải.

Khi ra trận, những người lính chiến chỉ có 2 điều suy tư và nhớ mong nhiều nhất vẫn là Mẹ và Quê hương. Đó là một dấu ấn tâm linh mà tôi lưu mãi, không phai.

2. Thức ăn quý nhất trên đời là muối

Tháng 4/1968, tiểu đoàn 10, E22.QK4 chúng tôi vào mở đường cho xe tăng ta vào giải phóng Làng Vây và sân bay Tà Cơn. Đơn vị chúng tôi bị bao vây suốt 10 ngày không có lương thực và thực phẩm. Chúng tôi phải sống bằng mít non chấm với than cỏ tranh có chút mặn thay muối.

Thiếu lương thực còn tìm được nhiều thứ thay thế nhưng thiếu muối thì khó hơn nhiều. Có thức ăn mà không có muối vẫn không nuốt nổi, thậm chí còn để cho thức ăn hôi thối. Đến lúc này tôi mới hiểu rằng: thức ăn quý nhất, ngon nhất, cần nhất trên đời là muối chứ không phải là cá, thịt như hàng ngày tôi vẫn nghĩ và mong.

3. Điều đáng sợ nhất trên đời là cô đơn

Tôi nhớ vào mùa mưa năm 1969, chúng tôi đang đứng chân ở chiến khu Đ. Khi Trung tá Phó tham mưu trưởng Sư đoàn 5 Nguyễn Xuân Chuyên chiêu hàng, mọi vị trí trú quân của cả sư đoàn đều bị lộ. Tất cả các đơn vị đều phải cấp tốc di chuyển địa điểm đóng quân.

Trong hoàn cảnh vội vàng và khẩn trương để bảo vệ toàn bộ lực lượng, mỗi đơn vị (cấp đại đội) để lại một người quản lý tất cả mọi quân trang, quân dụng không thể đưa đi hết, để đêm hôm sau đơn vị trở lại vận chuyển tiếp. Lúc đó tôi là cán bộ trẻ, lại đang trong thời kỳ thử thách để kết nạp Đảng, nên được đơn vị chọn cử ở lại trông coi vật tư, khí tài của đơn vị.

Căn cứ khi chúng tôi đóng quân vui nhộn như thế nào thì bây giờ vắng vẻ đến lạnh lùng. Con suối hàng ngày chúng tôi vẫn vui đùa khi tắm, bây giờ tôi chỉ kịp chạy xuống lấy nước uống rồi lên ngay. Suốt đêm tôi không tài nào ngủ được, ở trong hầm thì sợ hổ và rắn; lên mặt đất thì sợ pháo bầy, biệt kích; trèo lên cây ngồi lại sợ ngủ quên rơi xuống đất. Suốt ngày đêm chỉ ăn lương khô uống nước suối, nóng lòng chờ đồng đội. Đến lúc này tôi mới hiểu ra: Điều đáng sợ nhất trên đời là cô đơn.

4. Người có tư tưởng tôn vinh Mẹ Việt Nam anh hùng sớm nhất

Kết thúc chiến dịch Nguyễn Huệ năm 1972, Bộ chỉ huy Miền điều động Thủ trưởng Trần Minh Tâm, Sư trưởng Sư đoàn 5 của chúng tôi về Miền để làm Phó Trưởng ban tổng kết chiến tranh. Vốn là 1 người chỉ huy trận mạc rất giỏi, ông không muốn rời sư đoàn khi chiến tranh đang bước vào giai đoạn cuối, ác liệt và vẻ vang nhất.

Trong một lần ngồi uống trà, nói chuyện tếu với chúng tôi ông nói: “Có gì mà tổng kết, theo mình chỉ có một nguyên nhân thắng Mỹ là: Nhờ các chị đàn bà, mặc quần nâu, đi chân đất, chổng mông cấy lúa cho mà ăn, đẻ và nuôi con cho mà đánh. Thế là đủ để thắng đế quốc Mỹ thôi”. Đó là tư tưởng tôn vinh những người Mẹ của mọi người lính có mặt ở chiến trường từ rất sớm, khi chưa kết thúc chiến tranh. Để sau này trở thành chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước: Tôn vinh Mẹ Việt Nam anh hùng.

5. "Các chú giải phóng sinh chúng tôi lần thứ 2"

Cuối tháng 4, đầu tháng 5/1970, theo lời gọi của nhà vua Xi Ha Núc, Sư đoàn 5 được Bộ Tư lệnh Miền giao nhiệm vụ vượt biên giới sang Campuchia đánh đuổi bọn phản chủ Lon non, Xi rích ma tắc, Sơn Ngọc Thành giải phóng 3 tỉnh: Crachiê, Mônđôn Kiri và Stungcheng.

Lúc đó tôi đi theo đội hình của Trung đoàn 5 đánh vào thị xã Crachie. Tại đây bọn phản động Khơ me đỏ đã tập trung hơn 2.000 Việt kiều chuẩn bị tàn sát tập thể. Lệnh trên yêu cầu chúng tôi phải tìm mọi cách vận động để đánh địch, giải phóng đồng bào ta trước 5 giờ sáng, nếu để chậm sau 6 giờ sáng chúng sẽ hành quyết tất cả.

Cả Trung đoàn và tiểu đoàn đặc công vừa đi vừa chạy suốt đêm. Đúng 4 giờ sáng ngày 5/5/1970, chúng tôi nổ súng. Sau hơn một giờ chiến đấu, chúng tôi giải phóng thị xã, bọn phản tặc chạy toán loạn sang bên kia sông. Chúng tôi tràn vào phá nhà tù cứu đồng bào, tất cả bà con òa ra ôm bộ đội khóc nức nở và nói: "Các chú đã sinh ra chúng tôi lần thứ 2". Đó cũng là một kỷ niệm trong đời quân ngũ khó quên.

6. Sài Gòn đêm toàn thắng


Ngày 26/4/1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử bắt đầu, 5 cánh quân đồng loạt tiến công giải phóng Sài Gòn - Gia Định. Lúc 11 giờ 30 ngày 30/4/1975, xe tăng ta xông vào Dinh Độc Lập, Tổng thống chính quyền VNCH Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975 kết thúc toàn thắng. (Ảnh: tư liệu)

Ngày 26/4/1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử bắt đầu, 5 cánh quân đồng loạt tiến công giải phóng Sài Gòn - Gia Định. Lúc 11 giờ 30 ngày 30/4/1975, xe tăng ta xông vào Dinh Độc Lập, Tổng thống chính quyền VNCH Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975 kết thúc toàn thắng. (Ảnh: tư liệu)

Trong chiến dịch Hồ Chí Minh, Sư đoàn 5 chúng tôi được đứng trong đội hình Binh đoàn 232, do Thiếu tướng Văn Phác, sau này là Bộ trưởng Bộ Văn hóa, chỉ huy. Nhiệm vụ của sư đoàn được Bộ Tư lệnh Miền giao là giải phóng tỉnh Long An và tiến vào đánh chiếm 2 trung tâm đầu não của Ngụy quyền là: Biệt khu thủ đô và Tổng nha cảnh sát Sài Gòn. Làm chủ hàng chục km đường 4 từ Mỹ Tho đến Bến Lức Long An, cả sư đoàn háo hức tiến vào Sài Gòn. Chúng tôi đã làm chủ tất cả các mục tiêu mà Bộ Tư lệnh sư đoàn giao vào buổi trưa ngày 30/4/1975.

Đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ như in cái hào khí của giờ toàn thắng, khi Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện quân giải phóng. Đây là giây phút vẻ vang nhất của đời lính chiến. Tất cả những ai đã hy sinh từ trận đánh mở màn chống Mỹ đều có mặt trong hào quang của ngày toàn thắng hôm nay. Với chúng tôi, những người còn sống đều là những người vinh dự nhất, may mắn nhất.

Từ trưa 30/4/1975 đến những ngày đầu tháng 5/1975, cả Sài Gòn cuồn cuộn dòng người, rừng cờ, biển hoa và tiếng reo hò vui sướng của quân dân ta không ngớt. Chúng tôi được dân mời lên xe, uống cà phê, ăn sáng không lấy tiền. Đêm thức mà ngày không buồn ngủ, ít ăn mà bụng vẫn no. Đó là những ngày thăng hoa, đẹp nhất của người lính chiến không ai có thể lột tả hết được bằng lời.

Trong không gian sôi động đó, tôi đã làm mấy vần thơ để lại như một kỷ niệm hiếm có của cuộc đời.

SÀI GÒN - ĐÊM TOÀN THẮNG

Vào Sài Gòn, chúng tôi làm quân quản

Hào khí Điện Biên, tràn về phố lớn

Ba mươi năm, dồn nén một ngày

Người và cờ, cuồn cuộn tung bay

Ta sống rồi, đẹp lắm hôm nay

Giờ giới nghiêm, quân ta vẫn thức

Hạnh phúc lớn, căng tràn lồng ngực

Bỗng dưng nhớ những người đã khuất

Mong các anh về, vui cùng dân tộc

Bắc Trung Nam, cả nước một nhà

Đêm tuần tra, cho dân ngủ, theo ca

Ngày xuống phố giúp dân mình làm chủ

Đời lính sang trang, bao điều ấp ủ…

Sống cho mình mà ngỡ như mơ

Sài Gòn tháng 5, rực rỡ sao cờ

Khắc vào lòng người những nốt nhạc, vần thơ./.

Sài Gòn, những ngày đầu toàn thắng
Tháng 5/1975

TRẢI NGHIỆM

(Tặng đồng đội Sư đoàn 5 thời đánh Mỹ)

Ai đã từng chịu rét,

Mới yêu ngọn lửa hồng.

Ai đã từng chịu khát,

Thèm lắm, giọt nước trong.

Ai ba tuần ăn nhạt,

Quý hạt muối hơn vàng.

Ai đã chịu cô đơn,

Càng yêu thương đồng đội.

Ai lên đỉnh Trường Sơn,

Mới biết trời cao thấp.

Ai lội bùn Đồng Tháp,

Mới biết nước nông sâu.

Ai vào tận rừng sâu,

Mới mong về thành phố.

Ai vào nơi bom nổ,

Mới thấm đẫm tình người.

Sướng vui cao hơn trời,

Đau buồn dầy hơn núi.

Biết bao điều muốn nói,

Chiến trận rèn con người.

Trải nghiệm và nhớ đời

Khổ nhiều, yêu thương lắm./.

Tây Ninh mùa mưa năm 1973

Lê Doãn Hợp