Nhìn thẳng sự thật, hành động thật sự!

Đó là điều cần phải làm ngay hiện nay để củng cố niềm tin của nhân dân.

Tiếp tục bàn về những giá trị tư tưởng trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân kỷ niệm 45 năm thực hiện Di chúc Bác, Pháp Luật TP.HCM có cuộc phỏng vấn TS sử học Hồ Hữu Nhựt, Ủy viên Ủy ban MTTQ VN TP.HCM, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục-Thanh niên Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.

 

TS Hồ Hữu Nhựt nói: Có thể tổng kết Di chúc của Bác trong mấy chữ: công phu, cẩn trọng, trí tuệ, tình thương yêu, tâm huyết. Đó là những câu chữ tổng kết cả cuộc đời của Bác để soi đường cho chúng ta hiện nay và mai sau.

 

Thực hiện liêm chính

 

Phóng viên: Trong Di chúc, nói về Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết “phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”. Quan sát thực tiễn suốt thời gian qua, ông thấy lời của Người đã được hiện thực hóa đến đâu?

 

 

TS Hồ Hữu Nhựt

TS Hồ Hữu Nhựt 

TS Hồ Hữu Nhựt: Bác nói Đảng phải một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc. Và chính nhờ Đảng một lòng một dạ phục vụ nhân dân nên nhân dân hăng hái đi theo Đảng. Bây giờ sự hăng hái đó của nhân dân giảm đi phần nào bởi vì tâm thế một lòng một dạ phục vụ nhân dân, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân trong một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên đã suy giảm, không được như lời Bác dặn.

 

Điểm thứ hai Bác nói trong Di chúc là phải thực hành dân chủ rộng rãi trong Đảng, thường xuyên, nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình trong Đảng. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Tuy nhiên, khi mà còn hiện tượng “con cháu các cụ cả” thì lấy đâu ra chí công vô tư. Trong bài viết đăng trên Tạp Chí Cộng Sản mới đây, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang còn phải trăn trở, đau lòng khi nghe những câu truyền miệng lâu nay trong nhân dân: “Nhất hậu duệ, nhì tiền tệ, ba quan hệ, bốn trí tuệ...”. Điều ấy cho thấy Đảng cũng nhận ra điều này.

 

Thưa ông, vấn đề con người là yếu tố vô cùng quan trọng trong việc xây dựng đội ngũ trong sạch để phụng sự nhân dân, Tổ quốc nhưng câu truyền miệng trong nhân dân mà Chủ tịch nước nhắc đến đã cho thấy nhiều điều chưa ổn trong vấn đề này?

 

Thực tế điều đó đang làm hoen mờ nhiều giá trị. Để giữ gìn phẩm chất đạo đức trong sạch theo lời Bác dạy phải kèm theo đó một điều kiện là chọn lựa con người. Phải chọn lựa con người có phẩm chất, năng lực và có trình độ. Người ấy phải có một tấm lòng yêu dân, yêu nước rưng rức trong huyết quản thì mới có thể phụng sự, phục vụ nhân dân, Tổ quốc được. Còn nếu chọn người theo kiểu dân gian truyền miệng như trên thì làm sao có người tài, làm sao xây dựng đội ngũ trong sạch cho dân, cho nước.

 

Hồ Quý Ly ngày xưa lập ra “sở liêm phóng” chuyên theo dõi quan lại. Ông quan nào thanh liêm, giỏi giang thì cho thăng quan tiến chức. Ông quan nào xấu, không có năng lực thì cho về vườn. Mình cũng phải có một tổ chức kiểu như thế để chuyên theo dõi cái đó, phải có một quy trình chọn người chặt chẽ hơn thì chúng ta mới có sản phẩm con người trong sạch như lời Bác dạy.

 

TS Hồ Hữu Nhựt

Trên mặt trận chống tham nhũng, Đảng phải quyết liệt trong hành động hơn nữa để lấy lại niềm tin của quần chúng. Trong ảnh: Xét xử một vụ tham nhũng tại TAND TP.HCM. Ảnh: HTD

 

Nói phải đi đôi với làm

 

Cũng trong bài viết của Chủ tịch nước mà ông vừa nhắc đến có đoạn: Chúng ta không sợ bất cứ một thế lực nào, dù là hung bạo nhất. Chúng ta chỉ sợ nhân dân mất niềm tin vào Đảng, Nhà nước, chế độ ta. Ông nhìn nhận niềm tin của nhân dân vào Đảng hiện nay như thế nào?

 

Lịch sử cho thấy Đảng đã lãnh đạo nhân dân ta đối đầu với nhiều kẻ thù hùng mạnh nhưng đó phải là những người lãnh đạo cùng đồng cam cộng khổ với nhân dân và chính họ là người hy sinh nhiều nhất. Có biết bao đảng viên đã sẵn sàng ôm bom lao vào kẻ thù, không tiếc máu xương. Người dân phục cảm sự hy sinh ấy nên bao bọc, cưu mang cán bộ, chiến sĩ. Người dân quý mến Đảng, quý mến người kháng chiến vì người dân biết sự hy sinh đó là vì dân, vì nước. Hơn nữa, hồi bấy giờ tất cả việc làm của Đảng đều là vì quyền lợi của nhân dân, ví dụ như Đảng nêu khẩu hiệu “người cày có ruộng” thì người dân phấn khởi đi theo Đảng, tin vào Đảng. Còn bây giờ nhiều điều xảy ra làm cho niềm tin vào Đảng giảm đi, nhất là những căn bệnh khó trị như quan liêu, lãng phí, tham nhũng…

 

Bác Hồ đã từng chỉ ra tham ô, lãng phí, quan liêu là giặc nội xâm. Người dân mất niềm tin do thực tế cho thấy còn nhiều lãnh đạo, đảng viên tham nhũng, tiêu cực. Trong khi đó không ít trường hợp vì đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng mà bị trù dập. Thật đau lòng.

 

Ngoài vấn đề trên, theo ông, còn vấn đề chính yếu nào cần phải khắc phục để củng cố hơn nữa niềm tin của nhân dân?

 

Tôi thấy còn một việc cần phải hết sức lưu ý để khắc phục là nghị quyết của Đảng chỉ ra những điểm đúng nhưng khi làm người ta không thực sự làm theo tinh thần ấy. Cái chỗ nói mà không làm này ảnh hưởng không nhỏ đến niềm tin của dân chúng - kể cả đảng viên - vào Đảng chứ không phải Đảng nói sai. Có lần tôi hỏi các em sinh viên rằng khi học xong các em về quê làm không, ai cũng bảo không vì về quê các cụ đã bố trí con cháu các cụ hết rồi, không còn chỗ nào cho tụi em làm nữa. Chính sách cán bộ của ta thế nào, trọng dụng nhân tài thế nào mà thanh niên trí thức họ phản ánh thế? Bác Hồ nói rất rõ: Nói phải đi đôi với làm. Còn anh đứng trước bao người dù cho nói hay bao nhiêu, cho tốt đẹp bấy nhiêu mà thực tế anh không làm hoặc làm không quyết liệt để những điều ngược ngoẽo cứ diễn ra hoài như thế thì dần dà lời nói đúng ấy sẽ không được tiếp nhận nữa.

 

Cái này tôi nghĩ Đảng cũng đã nhìn thấy. Vấn đề còn lại là phải mạnh mẽ hơn trong hành động (là hành động thật chứ không phải nói là tôi mạnh mẽ hành động rồi bỏ đó). Làm được như thế sẽ tồn tại và phát triển. Đó cũng chính là kỳ vọng của người đảng viên hiện nay. Nhưng nó đòi hỏi không chỉ quyết tâm mà cần có trí tuệ ghê gớm lắm.

 

Bớt nặng lý lịch

 

Theo ông, những việc cấp bách cần phải làm ngay để xây dựng niềm tin của nhân dân và đảng viên vào Đảng lúc này là gì?

 

Thứ nhất, nói và làm phải đi đôi với nhau. Nghị quyết đã có rồi thì ta phải triển khai thực hiện và thực hiện tới nơi tới chốn. Phải tổ chức giám sát và có những đánh giá sát sườn, kèm theo kiểm điểm, chế tài mạnh mẽ đối với những nơi lơ là trong thực hiện hoặc thực hiện không đúng. Giảm tối đa các hội nghị tổng kết chỉ nói qua nói lại chung chung; phải phê thẳng vào những cái được và chưa được, kiểm điểm trách nhiệm tới nơi tới chốn. Nhất là đối với các vấn đề lớn gây giảm sút niềm tin cho nhân dân hiện nay như tham nhũng, lãng phí, phải làm mạnh mẽ hơn nữa. Bao nhiêu ngôn từ, phân tích, đánh giá nói rồi. Phải làm cho ra làm đi.

 

Về công tác cán bộ phải chặt chẽ hơn nữa. Mình quá nặng vào lý lịch và chưa có những tiêu chí đánh giá thực sự sát sao để tìm kiếm người tài cho Đảng. Những tiêu chí đánh giá đảng viên còn chung chung quá dẫn đến có nơi muốn đưa ai lên cũng được và muốn hạ ai xuống cũng được. Ví dụ anh muốn đưa một người “con cháu các cụ” lên thì anh lý giải người này có lập trường giai cấp vững vàng lắm, còn nếu muốn hạ một ai đó xuống lại nói anh này có lập trường giai cấp mơ hồ. Tôi nói ví dụ, anh A và chị B đều là đảng viên, anh A được báo lên trên là “con nhà nòi, cha là đảng viên”… Nhưng khổ nỗi lập trường giai cấp, lập trường chính trị có phải chỉ vì là con ông này ông kia mà nên đâu. Trong khi các tiêu chí khác lại ít được đề cập hoặc đề cập sau. Mình phải có những tiêu chí cụ thể để đánh giá người tài và nên chọn người tài giỏi.

 

Ngoài ra chúng ta phải xây dựng đường lối, chủ trương trên cơ sở dân chủ và phải biết điều chỉnh đường lối, chủ trương đó nếu nó không hợp lòng dân. Phải thực hiện dân chủ trong Đảng và dân chủ trong các cơ quan dân cử. Vì nếu mình thiếu dân chủ thì cũng ảnh hưởng đến việc củng cố niềm tin. Ví dụ một đại biểu Quốc hội đứng trước nghị trường nói tôi phát biểu này sai thì về tỉnh ủy phê bình tôi. Kiểu thế thì làm sao người dân tin tưởng vào Đảng, vào Quốc hội được. Chính bản thân người đó cũng không dám nói nữa và hàng triệu người dân nghe thế cũng thấy hoang mang.

 

Xin cảm ơn ông.

 

Hồi Cách mạng Tháng Tám, Đảng chỉ có chưa đầy 5.000 đảng viên. Nay con số ấy đã tăng lên gần 5 triệu, gấp 900 lần so với trước. Ông nghĩ gì về con số này?

 

Trước đây 5.000 đảng viên, trong khi kẻ địch súng kề bên tai nhưng thắng lợi. Còn hiện nay chúng ta đã độc lập tự do, con số đảng viên tăng lên đông như thế nhưng lại có nhiều hạn chế. Điều đó nói lên nhiều điều. Nếu số lượng đông nhưng anh quên đi chất lượng, quên đi vai trò quần chúng là chưa ổn.

 

TS Hồ Hữu Nhựt

 

Theo Tá Lâm
 
Pháp luật TPHCM