40 năm chiến tranh bảo vệ Tây Nam:
Nhà mồ Ba Chúc - Chứng tích tội ác tày trời của tập đoàn diệt chủng Pôn Pốt
(Dân trí) - Từ ngày 18/4 - 30/4/1978, tập đoàn diệt chủng Pôn Pốt đã sát hại dã man 3.157 người dân vô tội ở xã Ba Chúc, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang. Sau đó, chính quyền và nhân dân Tri Tôn đã xây dựng nhà mồ Ba Chúc, lưu giữ 1.159 bộ hài cốt, trở thành một minh chứng cho tội ác của bọn Pôn Pốt gây ra cho người dân Việt Nam.
Nhà mồ đầu tiên được xây dựng ngay sau khi cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam kết thúc. Khi đó nhà mồ xây dựng khá đơn giản theo hình lục giác với đặc điểm nổi bật là 4 cánh tay cầm 4 thanh kiếm đẫm máu cắm thẳng xuống đất, thể hiện ý chí căm thù của người dân Việt Nam đối với bọn giết người man rợ Pôn Pốt.
Nhưng sau đó, vì tình hữu nghị giữa Việt Nam và Campuchia, Việt Nam muốn gác lại quá khứ, bỏ qua thù hận để tập trung vào phát triển kinh tế, xây dựng đời sống đoàn kết, văn minh. Hơn nữa, nhà mồ cũ không còn đảm bảo việc bảo quản các hài cốt nên UBND tỉnh An Giang cho đầu tư lại khu nhà mồ Ba Chúc vào năm 2013.
Nhà mồ mới được xây dựng là một quần thể công trình rộng khoảng 5ha, gồm nhà mồ, nhà lưu niệm, hội trường và chùa Tam Bửu, Phi Lai (hai công trình có sẵn – nơi có gần 1.000 người dân bị Pôn Pốt giết chết tại đây). Hiện tại khoảng sân trong quần thể này vẫn chưa được đầu tư xây dựng.
Điểm nhấn công trình nhà mồ Ba Chúc hiện tại được thiết kế hình hoa sen úp ngược, với 8 cánh hoa sen được sơn màu trắng nhằm giảm bớt cảnh tang thương chết chóc. Mỗi cánh hoa sen là nơi trưng bày một nhóm hài cốt theo độ tuổi, giới tính khác nhau (căn cứ vào kết quả giám định hộp sọ). Hiện nhà mồ trưng bày 1.159/3.157 bộ hài cốt, chiếm 1/3 số nạn nhân bị Pôn Pốt sát hại trong 12 ngày chiếm đóng tại Ba Chúc.
Cận cảnh nhà mồ Ba Chúc - dấu tích tội ác của Pôn Pốt tại An Giang
Từ nhiều năm qua, Đảng bộ và nhân dân Ba Chúc tổ chức đám giỗ tập thể cho hàng ngàn người dân vô tội vào ngày 16/3 âm lịch hàng năm. Do nhà mồ là chứng tích tội ác của bọn diệt chủng Pôn Pốt nên thường ngày vẫn có nhiều người dân đến đây thắp hương cho những hương hồn xấu số.
Dù nhà mồ Ba Chúc mới đưa vào sử dụng 4 năm, tuy nhiên đã bộc lộ nhiều điểm cần khắc phục ngay khi tình trạng ẩm mốc trong các hộc chứa hài cốt xuất hiện ngày càng nhiều. Ngoài ra, nước mưa theo cánh hoa sen, chảy tràn vào nền nhà mồ, vừa gây ẩm thấp vừa mất vệ sinh và còn gây khó khăn cho du khách khi đến tham quan.
Hang Ba Lê - nơi có khoảng 50 người là bà con dòng họ của ông Ba Lê bị Pôn Pốt giết hại khi đang trốn tại đây.
Bà Hà Thị Nga - nhân chứng sống, có 6 đứa con và chồng, cha mẹ đều bị Pôn Pốt giết chết, chỉ còn mình bà may mắn sống sót. Hiện bà đã 82 tuổi.
Tội ác của Pôn Pốt tại An Giang...
Xương cốt của trẻ dưới 2 tuổi...
Hiện một số hộc chứa hài cốt và phần tường bị rêu bám, ẩm mốc.
Mỗi ngày tại Nhà mồ Ba Chúc có rất đông người dân đến thắp hương cho những vong hồn xấu số bị Pôn Pốt sát hại vô cớ.
Nguyễn Hành