Bạc Liêu:
Người phát ngôn đừng "né" báo chí!
(Dân trí) - “Người phát ngôn các Sở, ngành, địa phương cần cởi mở hơn trong việc trả lời những vụ việc báo chí phản ánh, trên tinh thần xây dựng, định hướng thông tin”, ông Phan Như Nguyện - Phó Chủ tịch tỉnh Bạc Liêu nêu quan điểm.
Ngày 22/9, UBND tỉnh Bạc Liêu tổ chức sơ kết 3 năm triển khai thực hiện Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu; Triển khai Nghị định 09/2017/NĐ-CP của Chính phủ, quy định chi tiết việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của các cơ quan hành chính Nhà nước.
Bà Trương Hồng Trang - Giám đốc Sở Thông tin & Truyền thông (TT&TT) tỉnh Bạc Liêu, cho rằng, thông tin cho báo chí được cung cấp chính xác, kịp thời có ý nghĩa định hướng hoạt động của cơ quan báo chí đạt hiệu quả, nhất là việc thông tin tuyên truyền về các sự kiện chính trị, tình hình phát triển kinh tế - xã hội, phổ biến đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, chỉ đạo điều hành của lãnh đạo Trung ương, địa phương và các vấn đề quan trọng, phức tạp được dư luận xã hội quan tâm.
“Việc chậm trễ, thiếu chủ động trong cung cấp thông tin có thể dẫn đến các hệ lụy khó lường, gây nghi ngờ trong dư luận, tạo cho các phần tử cơ hội, thù địch lợi dụng xuyên tạc chống phá đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước”, bà Trang nêu rõ.
Theo bà Trang, thực tế, thời gian qua, vẫn còn một số lãnh đạo cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh chưa quan tâm về việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí; còn né tránh, ngại tiếp xúc, thậm chí gây khó khăn cho báo chí trong việc tiếp cận thông tin, chưa chủ động cung cấp thông tin kịp thời khi có sự kiện, vấn đề quan trọng.
Một số người được phân công là người phát ngôn, người được ủy quyền phát ngôn chưa thật sự quan tâm đầu tư, nghiên cứu các quy định cung cấp thông tin cho báo chí; chưa đi sâu tìm hiểu vụ việc hoặc chưa có sự phối hợp chặt chẽ với bộ phận chức năng trong cơ quan, dẫn đến cung cấp thông tin cho báo chí không kịp thời.
Bên cạnh đó, Giám đốc Sở TT&TT tỉnh Bạc Liêu cũng cho rằng, vẫn còn một số phóng viên lạm dụng thẩm quyền gây phiền hà, đưa thông tin thiếu chính xác, gây khó khăn cho tổ chức, cá nhân.
Chia sẻ tại buổi sơ kết, ông Nguyễn Tấn Khương – Chánh văn phòng kiêm người phát ngôn UBND tỉnh Bạc Liêu, thẳng thắn, việc người phát ngôn còn né tránh báo chí là có.
Ông Khương nêu lý do, người phát ngôn không thể nắm hết tất cả các sự việc và thẩm quyền có giới hạn, nên một thời điểm nào đó chưa thể trả lời ngay cho báo chí. Bên cạnh đó là khi người phát ngôn trả lời, nhưng báo chí lại đăng không đúng.
“Có những lúc báo chí gây áp lực với người phát ngôn nên họ rất ngại và e dè khi tiếp xúc trả lời báo chí. Do đó, giữa 2 bên cần tạo tâm lý thoải mái với nhau thì người phát ngôn cũng sẽ thoải mái hơn khi cung cấp thông tin”, ông Nguyễn Tấn Khương nêu quan điểm.
Còn bà Cao Xuân Thu Vân – Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Bạc Liêu, cho rằng, báo chí không phải là quan tòa, mà là kênh thông tin phản biện xã hội. Khi báo chí phản ánh lên những vấn đề nào sai thì chúng ta cần phải xem xét chỉnh sửa.
“Do đó, người phát ngôn cần hết sức bình tĩnh khi báo chí có yêu cầu trả lời những vấn đề mà báo chí đặt ra”, bà Vân trấn an.
Chỉ đạo tại buổi sơ kết, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu- ông Phan Như Nguyện đánh giá, thời gian qua, các Sở, ngành, địa phương đã có những tiến bộ trong việc cung cấp thông tin cho báo chí trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu.
Ông Phan Như Nguyện yêu cầu trong thời gian tới, các đơn vị, địa phương cần phải cử người phát ngôn một cách rõ ràng để trả lời kịp thời tới báo chí.
“Người phát ngôn cần tự trau dồi, rèn luyện kỹ năng phát ngôn để tránh tình trạng né tránh, thủ phần có lợi cho mình mà cung cấp không đúng những vấn đề báo chí, xã hội quan tâm”, ông Nguyện nêu rõ.
Phó Chủ tịch tỉnh Bạc Liêu cho biết, tỉnh sẽ nghiêm túc tiếp thu phản ánh của báo chí. “Đề nghị người phát ngôn các Sở, ngành, địa phương cần cởi mở hơn trong việc trả lời báo chí theo quy định, trên tinh thần xây dựng, định hướng thông tin”, ông Nguyện chỉ đạo rõ.
Huỳnh Hải