Ngày làm việc thứ 2 của Tổng thống Obama tại Việt Nam
(Dân trí) - Hôm nay (24/5), Tổng thống Mỹ Barack Obama bước vào ngày làm việc thứ 2 tại Việt Nam với khá nhiều hoạt động liên tiếp. Ông sẽ có một bài phát biểu về quan hệ Việt - Mỹ tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia vào lúc 12h trưa nay.
Trong buổi sáng, ông sẽ đến gặp gỡ với thành viên của các tổ chức dân sự, sau đó sẽ có bài phát biểu về quan hệ Việt - Mỹ tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia.
Bài phát biểu tập trung nhấn mạnh về những bước tiến của chặng đường 20 năm qua trong quan hệ Việt - Mỹ và định hướng hợp tác tương lai. Ông cũng đề cập đến cả những khác biệt còn tồn tại trong quan hệ hai nước.
Đông đảo sinh viên, giới trí thức trẻ và doanh nghiệp Việt Nam sẽ tham dự sự kiện này, do Đại sứ quán Mỹ phối hợp với Liên hiệp các Tổ chức Hữu nghị Việt Nam tổ chức.
Rời Trung tâm Hội nghị Quốc gia, đoàn của Tổng thống Obama sẽ ra Sân bay Nội bài để bắt đầu lịch làm việc tại Thành phố Hồ Chí Minh. Tại đây, ông sẽ đi thăm chùa Ngọc Hoàng ở quận 1 để bày tỏ lòng thành kính với văn hóa và truyền thống của Việt Nam.
Vào chiều tối cùng ngày, ông sẽ gặp gỡ với một số doanh nhân trẻ tiêu biểu của Việt Nam để thảo luận về lợi ích mà TPP đem lại cho quan hệ hai nước như thúc đẩy tạo công ăn việc làm hay nâng cao các tiêu chuẩn về lao động và môi trường.
Việt - Mỹ trao đổi những vấn đề quan trọng
Hôm qua, ngày làm việc đầu tiên trong chuyến thăm chính thức Việt Nam từ ngày 23-25/5, Tổng thống Obama đã có cuộc hội đàm với Chủ tịch nước Trần Đại Quang. Tại cuộc hội đàm, ông Obama chính thức tuyên bố Hoa Kỳ dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam với mong muốn giúp Việt Nam nâng cao năng lực quốc phòng, đóng góp vào duy trì hòa bình ổn định trong khu vực. Điều này, theo ông Obama cũng sẽ giúp hai nước bình thường hóa quan hệ hoàn toàn.
Tổng thống Obama cũng có các cuộc gặp với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.
Tại các cuộc tiếp xúc giữa Tổng thống Obama và lãnh đạo Việt Nam, hai bên nhất trí coi hợp tác phát triển, bao gồm kinh tế - thương mại, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, ứng phó với biến đổi khí hậu là một trong những trọng tâm trong quan hệ hai nước. Hai bên cho rằng cần tiếp tục tăng cường hợp tác khắc phục hậu quả chiến tranh, đặc biệt là việc tẩy độc dioxin, bom mìn và người tàn tật, hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa.
Hai bên nhất trí cần tăng cường phối hợp trong nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế nhằm xử lý các vấn đề khu vực và toàn cầu như ứng phó với biến đổi khí hậu, trong đó có vấn đề ngập mặn và hạn hán, an ninh nguồn nước Mê Công, chống khủng bố, chống phổ biến vũ khí hạt nhân, chống buôn bán động vật hoang dã và bảo vệ đa dạng sinh học.
Về các vấn đề khu vực, trong đó có vấn đề Biển Đông, hai bên cũng chia sẻ tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực, bảo đảm an ninh và an toàn hàng hải, hàng không, giải quyết hòa bình tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS), DOC tiến tới COC.
Việt Nam cũng đề nghị Mỹ sớm công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam mở cửa thị trường hơn nữa cho hàng hóa Việt Nam, tăng cường đầu tư trực tiếp để trở thành nhà đầu tư lớn nhất ở Việt Nam.
Các nhà lãnh đạo Việt Nam cũng khẳng định sẽ sớm trình Quốc hội xem xét phê chuẩn Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), đề nghị Tổng thống Obama tiếp tục thúc đẩy việc Quốc hội Hoa Kỳ sớm thông qua Hiệp định để sớm triển khai TPP.
Tổng thống Obama nhấn mạnh TPP là một hiệp định thương mại chất lượng cao của thế kỷ 21, khẳng định quyết tâm thúc đẩy thông qua Hiệp định này trong năm 2016.
Nam Hằng