Muốn phát triển nông nghiệp phải để doanh nghiệp “nhảy vào”
(Dân trí) - Đó là khẳng định và cũng là chủ trương của tỉnh Vĩnh Phúc trong “Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với giải quyết lao động nông thôn tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2015-2020”, được nhiều chuyên gia ủng hộ.
Quang cảnh buổi Hội thảo
Ngày 15/4, UBND tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức “Hội thảo tái cơ cấu nông nghiệp gắn với chuyển đổi lao động nông thôn giai đoạn 2015-2020”. Tham dự có Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát và nhiều chuyên đầu ngành trong lĩnh vực nông nghiệp của Việt Nam.
Doanh nghiệp “nhảy vào” mới thành công…
Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết về chuyển dịch cơ cấu kinh tế, Vĩnh Phúc đã có sự thay đổi mạnh theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp và giảm tỷ trọng nông nghiệp. Cụ thể, tỷ trọng ngành Nông - Lâm - Thủy sản (NLTS) còn 9,4%; dịch vụ 28,5% và công nghiệp – xây dựng 62,1%. Tuy nhiên, sản xuất NLTS đang bộc lộ một số hạn chế, sản xuất dàn trải, liên kết sản xuất và tiêu thụ theo chuỗi sản phẩm yếu, các biện pháp hỗ trợ đầu tư còn nặng về hệ thống kết cấu hạ tầng KT-XH và kỹ thuật, nhẹ về tổ chức sản xuất và thiếu tính tập trung vào các ngành hàng chủ lực. Hiện toàn tỉnh có khoảng 302.480 người tham gia lao động trong lĩnh vực nông nghiệp (chiếm trên 58%), trong đó số lao động có việc làm 5 tháng trở lên chiếm 35,66%; còn lại 194.600 người có việc làm dưới 5 tháng/năm, đặc biệt tỷ lệ chưa qua đào tạo còn cao chiếm 94,01%.
Ông Phùng Quang Hùng khẳng định: "Doanh nghiệp vào làm nông nghiệp mới thành công được..."
Ông Phùng Quang Hùng – Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc – cho biết: “Để khắc phục những bất cập nói trên. Chúng tôi đầu tư rất lớn cho nông nghiệp, nông thôn. Có thể nói là đầu tư lớn nhất nước. Mặc dù Vĩnh Phúc là 1 tỉnh công nghiệp rất phát triển, nhưng công nghiệp tỉnh thu được bao nhiêu lại đầu tư quay lại cho nông nghiệp. Sau nhiều năm nghiên cứu chúng tôi mới có cái đề án này và chúng tôi vạch ra rất rõ những bước đi cụ thể. Đó là chỉ có thu hút doanh nghiệp vào làm nông nghiệp thì mới thành công được. Nhưng doanh nghiệp vào làm như nào, cũng cần phải tính toán cụ thể sao có hiệu quả. Nhưng tôi nhấn mạnh, khi doanh nghiệp nhảy vào đầu tư làm nông nghiệp thì mới phát triển được”.
Ông Hùng phân tích thêm, cái khó của doanh nghiệp là làm thế nào để “gom” được diện tích đất nông nghiệp của bà con nông dân mới tính đến chuyện đầu tư vào đó. Vì bà con nông nhân không hề có tư duy bán ruộng, vì bán là mất “cần câu cơm” mặc dù nó không mang lại kinh tế cao.
“Để giải bài toán này, chúng tôi đã bàn với các doanh nghiệp là tự thỏa thuận với nông dân thuê diện tích đất của họ trong 5 hoặc 10 năm. Hoặc là cho nông dân góp cổ phần bằng ruộng đất với doanh nghiệp để cùng làm; hay có những cam kết là họ cùng tham gia vào làm trên chính mảnh ruộng của họ cùng với doanh nghiệp, vì vậy họ vừa có thu nhập hàng ngày vừa có số tiền thuê đất hàng năm, hàng tháng. Có như vậy mới tháo gỡ được vấn đề gom đất nông nghiệp cho các doanh nghiệp” – ông Hùng nói.
Ông Hùng thông tin thêm, về vấn đề thuê đất, dự kiến sẽ hỗ trợ tiền cho tổ chức, cá nhân thuê khoảng 5-6 triệu đồng/ha/năm trong 5 năm đầu. Để doanh nghiệp vượt qua khó khăn, thích ứng và hướng tới cạnh tranh trong hội nhập quốc tế.
Doanh nghiệp quyết định trồng cây gì, nuôi con gì…
Cũng theo ông Hùng, cho doanh nghiệp vào làm nông nghiệp như vậy, họ sẽ tự quyết định đến “vận mệnh” kinh doanh của mình. Doanh nghiệp phải “gồng mình” để tự phát triển, tự tạo thương hiệu và cạnh tranh, tìm thị trường mới tồn tại được. Do đó, nhà nước sẽ không còn phải lo cho nông dân trồng cây gì, nuôi con gì, vì cái đó doanh nghiệp tự quyết định.
Ngoài ra, quá trình này cũng kết hợp với việc doanh nghiệp sẽ đào tay nghề cho lao động nông thôn. Để dần “biến” bà con nông thôn thành những công nhân nông nghiệp tay nghề cao. Chỉ khi doanh nghiệp và bà con nông dân cũng ăn chung “miếng bánh” thì sản phẩm đầu ra của nông nghiệp mới có chất lượng và mới có sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Đề án của tỉnh Vĩnh Phúc nêu ra tại Hội thảo, đã nhận được sự ủng hộ rất cao của nhiều chuyên gia, trong đó có Bộ trưởng Cao Đức Phát.
Bộ trưởng Cao Đức Phát (giữa) nhất trí với đề án của tỉnh Vĩnh Phúc
“Tôi nhất trí cao với đề án này, phải cho doanh nghiệp vào làm mới làm cho nông nghiệp phát triển được. Cách làm của Vĩnh Phúc trong việc giải quyết khó khăn trong công tác gom đất như nói trên là rất tốt. Tuy nhiên, tôi lưu ý, doanh nghiệp vào làm nông nghiệp cần hỗ trợ nông dân cùng phát triển, chứ không được chèn ép nông dân. Đồng thời cần quan tâm nhiều hơn đến yếu tố con người, trong đó đào tạo lao động nông thôn là rất quan trọng…” – Bộ trưởng Cao Đức Phát nói.
Một số chuyên gia góp ý thêm, để doanh nghiệp yên tâm đầu tư làm ăn tại Vĩnh Phúc, lãnh đạo tỉnh phải tạo ra môi trường đầu tư lành mạnh, công bằng, mọi thủ tục đầu tư phải thông thoáng, nhanh gọn. Cơ chế chính sách phải ổn định, tránh tư duy nhiệm kỳ…
Nguyễn Dương