Luôn nhớ những công trình mang "dấu ấn Võ Văn Kiệt"

(Dân trí) - Cán bộ và người dân luôn nhớ đến những công trình mang "Dấu ấn Võ Văn Kiệt” như: chương trình khai thác Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên, dự án thoát lũ ĐBSCL; đường dây tải điện 500 KV Bắc - Nam; nhà máy thủy điện Trị An...

Tối ngày 22/11, tại quảng trường TP.Vĩnh Long, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQVN tỉnh Vĩnh Long long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 90 năm ngày sinh của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt (23/11/1922- 23/11/2012).
 
Tham dự lễ kỷ niệm có ông Nguyễn Minh Triết - nguyên UVBCT, nguyên Chủ tịch nước; ông Lê Hồng Anh - UVBCT, Thường trực Ban Bí thư; ông Trương Vĩnh Trọng- nguyên UVBCT, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ; ông Nguyễn Thiện Nhân - Phó Thủ tướng Chính phủ; bà Trương Mỹ Hoa - nguyên Phó Chủ tịch nước; đại diện lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các Bộ, Ban ngành; các mẹ Việt Nam anh hùng; đại diện lãnh đạo các tỉnh, thành trong cả nước; gia đình, thân nhân của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt và đông đảo nhân dân tỉnh Vĩnh Long.

Chúng ta mãi tự hào những công trình mang dấu ấn Võ Văn Kiệt

Lễ kỷ niệm có sự tham dự của lãnh đạo Đảng, Nhà nước; các Bộ ngành; thân nhân cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt và đông đảo người dân Vĩnh Long.

Đọc diễn văn lễ kỷ niệm, bà Đặng Thị Ngọc Thịnh, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long đã ôn lại thân thế và sự nghiệp của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Bà Thịnh nhấn mạnh: “Lễ kỷ niệm là dịp để chúng ta cùng nhau ôn lại, hiểu rõ hơn về cuộc đời và những cống hiến to lớn của đồng chí Võ Văn Kiệt đối với sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc, để các thế hệ hôm nay học tập, phấn đấu và cống hiến trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt tên khai sinh là Phan Văn Hoà, bí danh Sáu Dân, sinh ngày 23/11/1922, tại xã Trung Hiệp, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long. Năm 1938, ông tham gia hoạt động trong phong trào thanh niên phản đế, làm liên lạc, rải truyền đơn tuyên truyền. Tháng 11/1939, Võ Văn Kiệt được kết nạp vào Đảng cộng sản Đông Dương khi tròn 17 tuổi, sau đó được cử làm Bí thư chi bộ xã Trung Hiệp, bổ sung Quận ủy viên Vũng Liêm.

Trong thời kỳ cách mạng, ông Võ Văn Kiệt được phân công giữ nhiều cương vị như Phó Bí thư Tỉnh ủy Rạch Giá, Phó Bí thư rồi Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu, Phó Bí thư liên tỉnh Hậu Giang, Bí thư Thành ủy Sài Gòn, Phó Bí thư rồi Bí thư Khu ủy Sài Gòn – Gia Định, Bí thư Khu ủy kiêm Chính ủy Lực lượng vũ trang Quân khu 9, Thường trực Trung ương Cục miền Nam và bí danh Sáu Dân cũng có từ thời điểm này.

Sau ngày giải phóng, ông Võ Văn Kiệt tiếp tục giữ các cương vị như Chủ tịch UBND TPHCM, Bí thư Thành ủy TPHCM. Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần V, VI, VII, VIII, ông liên tục được bầu vào BCH Trung ương Đảng; được Trung ương bầu vào Ủy viên Bộ Chính trị và lần lượt giữ các trọng trách Chủ nhiệm Ủy ban kế hoạch Nhà nước, Phó Chủ tịch rồi Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Thủ tướng Chính phủ, Cố vấn BCH TƯ Đảng.

Với trọng trách ở Trung ương cũng như trên cương vị cao nhất của Chính phủ, với những gì mà cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã làm, cán bộ và người dân luôn nhớ đến những công trình mang "Dấu ấn Võ Văn Kiệt” như: chương trình khai thác Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên, dự án thoát lũ đồng bằng Sông Cửu Long; việc xây dựng đường dây tải điện 500 KV Bắc - Nam; nhà máy thủy điện Trị An; nhà máy lọc dầu Dung Quất; xây dựng Đường Bắc Thăng Long - Nội Bài, mở rộng cửa ngõ Thủ đô Hà Nội,…

Đối với ĐBSCL, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt luôn dành sự quan tâm đặt biệt và chỉ đạo sát sao. Trên cơ sở khoa học và tổng kết thực tiễn, ông đã chỉ ra 3 yếu kém cơ bản của vùng đó là: kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi chậm phát triển, trình độ dân trí thấp. Từ đó, ông chỉ đạo 3 mũi đột phá lớn mang ý nghĩa quyết định để phát huy tiềm năng và lợi thế của vùng có sản lượng hàng hóa nông, thủy sản xuất khẩu lớn nhất nước.

Với riêng quê hương Vĩnh Long, dù ở nơi đâu, với cương vị nào, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt cũng nặng nỗi niềm của người con xa quê. Ông thường xuyên về thăm quê ở Trung Hiệp – Vũng Liêm, thăm đồng đội cũ và những gia đình đã nuôi giấu, chở che mình trong những năm tháng ác liệt của hai cuộc kháng chiến.

“Kỷ niệm 90 năm ngày sinh của đồng chí Võ Văn Kiệt, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Vĩnh Long nguyện học tập, phấn đấu phát huy tinh thần yêu nước, cách mạng, nỗ lực xây dựng tỉnh nhà ngày càng phát triển, góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi mục tiêu: “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Đây là quyết tâm và cũng là sự tri ân của Đảng bộ, dân và quân Vĩnh Long đối với các bậc cách mạng tiền bối nói chung và cố Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt nói riêng”- Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long Đặng Thị Ngọc Thịnh nhấn mạnh.

Ghi nhận những cống hiến to lớn của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Đảng và Nhà nước ta đã trân trọng trao tặng ông nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương sao vàng, Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng và nhiều Huân, Huy chương khác.

Chúng ta mãi tự hào những công trình mang dấu ấn Võ Văn Kiệt

Thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh đến dự và có bài phát biểu ghi nhận sự đóng góp to lớn của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đối với đất nước.

Thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, đến tham dự lễ kỷ niệm, ông Lê Hồng Anh - Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư- khẳng định, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt là một cán bộ lãnh đạo trung thành, tận tụy, bản lĩnh, sáng tạo, gắn kết ý chí với hành động, được đồng chí, đồng bào mến yêu, bạn bè quốc tế quý trọng.

Tiếp tục thực hiện ước mơ, hoài bão của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, ông Lê Hồng Anh đề nghị Đảng bộ, chính quyền, đoàn thể, cán bộ và nhân dân Vĩnh Long tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp của quê hương, vùng đất địa linh nhân kiệt, nơi sinh ra và nuôi dưỡng cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt; cùng vượt qua khó khăn, thách thức, chung sức, chung lòng thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ...

Một tiết mục biểu diễn nghệ thuật ca ngợi đóng góp của Thủ tướng Võ Văn Kiệt tại lễ kỷ niệm.

Một tiết mục biểu diễn nghệ thuật ca ngợi đóng góp của Thủ tướng Võ Văn Kiệt tại lễ kỷ niệm.

Sau phần lễ, chương trình nghệ thuật “Võ Văn Kiệt - dấu ấn người thắp lửa” tiếp tục với các tiết mục biểu diễn ca ngợi những đóng góp của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, gắn với sự kiện lịch sử ngày Nam Kỳ Khởi nghĩa.

Một tiết mục biểu diễn nghệ thuật ca ngợi đóng góp của Thủ tướng Võ Văn Kiệt tại lễ kỷ niệm.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân và Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long Đặng Thị Ngọc Thịnh cùng mở băng khánh thành đường Võ Văn Kiệt chiều ngày 22/11.

Trước đó, chiều ngày 22/11, tỉnh Vĩnh Long cũng đã tổ chức khánh thành đường Võ Văn Kiệt. Đây là một trục đường trung tâm của TP Vĩnh Long dài trên dưới 6,5 km.

                                                                                                Huỳnh Hải