“Lưới trời” là nhân dân!
(Dân trí) - Đó là phát biểu của ông Trần Đình Long, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật khi báo cáo thẩm tra dự án luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi). Theo ông Long, Mặt trận nên dựa vào dân, tận dụng sức dân để giám sát, phản biện xã hội.
Tại phiên họp toàn thể lần thứ 17 diễn ra tại TPHCM, Ủy ban Pháp luật (Quốc hội khóa VIII) đã tiến hành báo cáo thẩm tra dự án luật MTTQVN (sửa đổi).
Về hoạt động giám sát của MTTQVN, Ủy ban Pháp luật nhận thấy dự thảo Luật đã mở rộng hơn phạm vi giám sát, đối tượng giám sát nhằm thể chế hóa Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên Chủ nghĩa xã hội và cụ thể hóa quy định của Hiến pháp.
Bên cạnh đó, Ủy ban Pháp luật cũng đề nghị cần làm rõ một số điểm như: cần xác định đối tượng giám sát, nội dung giám sát như quy định về khái niệm giám sát của MTTQVN tại khoản 1 điều 25 chỉ bó hẹp là hoạt động của cơ quan nhà nước, đại biểu dân cử, cán bộ, công chức, viên chức nhà nước trong việc thực hiện chủ trương đường lối, chính sách pháp luật của Nhà nước hay mở rộng như quy định tại điều 26 của dự thảo Luật gồm cả chương trình, dự án, đề án, cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan đến quyền, nghĩa vụ, cơ bản của công dân, quyền và trách nhiệm của MTTQVN.
Tiếp theo, cần xác định rõ hơn về giá trị pháp lý của kết luận giám sát do MTTQVN thực hiện; trách nhiệm của đối tượng bị giám sát trong việc thực hiện kết luận giám sát; mối quan hệ giữa giám sát của Mặt trận với các hoạt động giám sát của cơ quan dân cử.
Bên cạn đó,Ủy ban Pháp luật đề nghị tiếp tục nghiên cứu các hình thức giám sát (quy định tại điều 27) cho phù hợp vì “tổ chức, hướng dẫn nhân dân thực hiện quyền giám sát; hướng dẫn, chỉ đạo hoạt động của Ban thanh tra nhân dân xã, phường, thị trấn, Ban giám sát đầu tư cộng đồng ở cơ sở” không thể coi là hình thức giám sát; quy định “Tổ chức đoàn giám sát” cần được cân nhắc một cách thận trọng cho phù hợp với tính chất hoạt động của Mặt trận; “Các hình thức giám sát khác phù hợp với quy định của pháp luật” (Điều 27) là chưa minh bạch vì Luật này quy định về hoạt động giám sát của MTTQVN nên cần phải quy định cụ thể hình thức giám sát.
Ông Trần Đình Long, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nhấn mạnh: “Dựa vào dân, tận dụng sức dân vào giám sát, phản biện xã hội”. Theo ông Long, Mặt trận không nên ôm đồm một lúc nhiều nội dung giám sát, phản biện xã hội bởi không ở đâu, không cái gì "qua mắt" được nhân dân.
Do đó, Mặt trận cần dựa vào giám sát, phản ánh của người dân để nâng cao vị trí, vai trò của mình. Hiệu quả nhất là Mặt trận nên thông qua các tổ chức thành viên, các đoàn thể chính trị - xã hội để giám sát từng lĩnh vực chuyên môn cụ thể. “Lưới trời” là nhân dân, bất cứ sai trái, vi phạm gì xảy ra ở khu dân cư thì đều không qua mắt được nhân dân. Mặt trận cần dựa vào dân, tận dụng sức dân vào công tác này.
Trong khi đó, ông Trần Thanh Hải, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng cần cơ chế để dân tham gia hoạt động giám sát cùng mặt trận. Giám sát xã hội phải làm thế nào để cho quần chúng nhân dân thực hiện được quyền giám sát của mình. Thế mạnh lớn nhất của Mặt trận trong thời gian qua là là đoàn kết các đoàn thể chính trị - xã hội. Do đó, liên minh chính trị của từng cấp sẽ tạo “cánh tay nối dài” cho Mặt trận trong giám sát, phải biện các lĩnh vực khác nhau.
Quốc Anh