Ký ức người lính tham gia trận đánh Mường Láp - Hủa Phăn - Lào 70 năm trước
(Dân trí) - Vừa qua, tại Nhà khách Bộ Quốc phòng, Hà Nội, Ban liên lạc Cựu chiến binh Trung đoàn 52 Tây Tiến phối hợp với Viện Lịch sử quân sự Việt Nam tổ chức buổi tọa đàm “Kỷ niệm 70 năm chiến thắng Mường Láp - Hủa Phăn - Lào (1945 – 2015)”.
Tai cuộc tọa đàm này, còn duy nhất một chiến binh tham gia trận đánh lịch sử đó, chúng tôi may mắn được bác trò chuyện kỷ niệm năm ấy, tự nhiên nhớ lại câu thơ Trần Nhân Tông: “Bạch đầu quân sĩ tại/ Vãng vãng thuyết Nguyên Phong (Người lính già đầu bạc còn đến ngày nay/ Thường kể lại chuyện đời Nguyên Phong)”
Bác tên là Nguyễn Xuân Sâm, sinh năm 1928. Bác tâm sự: “Năm nay mình đã 87 rồi, sức khỏe kém, được tin Lãnh đạo Bộ Quốc phòng đồng ý cho Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam kết hợp với Ban liên lạc Cựu chiến binh Tây Tiến tổ chức cuộc tọa đàm này, chúng tôi rất mừng, mấy đêm không ngủ, những hình ảnh về đồng đội thân yêu, các mẹ Việt kiều chào đón và chăm sóc nơi ăn chốn ở Sầm Nưa không thể nào quên được. Lứa 160 chiến sĩ ngày ấy chỉ còn duy nhất mình tôi, tôi có trách nhiệm kể lại một cách trung thực về chiến công đầu tiên của Tây Tiến 1 này”.
Bố mẹ tôi rất tự hào khi gửi hai con ra trận bảo vệ Tổ quốc
Thưa bác, hồi ức của bác về những ngày đầu tiên của nước Việt Nam non trẻ ấy?
Bác Xuân Sâm: Sau khi Bác Hồ đọc tuyên ngôn đọc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, tình hình đất nước rất căng thẳng: Ở phía Nam, tù binh Pháp do Nhật thả ra lập tức được võ trang. Chúng nấp sau quân Anh vào giải giáp quân Nhật, gây hấn. Phía Bắc, tàn quân Pháp (chúng là lữ đoàn quân Pháp gồm 2 tiểu đoàn lính Âu Phi, 3 tiểu đoàn lính khố đỏ đóng ở trại Tông, Sơn Tây do tướng A-lét-xan-đơ-ri chỉ huy). Lữ đoàn này bị Nhật đánh úp hồi Nhật đảo chính Pháp. Chúng chạy sang Vân Nam trú ngụ. Nay đồng minh thắng trận, bọn này được võ trang lại, rất hiện đại. Chúng lên tinh thần, kéo quân về các tỉnh Sơn La, Lai Châu và Thượng Lào hòng tái chiếm thuộc địa cũ.
Như vậy là đất nước hai đầu đều có giặc.
Nhân dân thủ đô Hà Nội đã gửi ngay con em của mình ra trận. Đó là hai đoàn quân Nam Tiến và Tây Tiến. Anh trai tôi theo đoàn Nam Tiến, tôi theo đoàn quân Tây Tiến. Việc gửi ngay con em mình ra trận là một vinh dự lớn lao của nhân dân thủ đô đối với cả nước. (Người anh thân yêu của bác đã hy sinh anh dũng trên mặt trận Nam Tiến ngày ấy).
Xin bác chia sẻ vè những kỷ niệm của trận đánh Mường Láp ngày ấy?
Khi đó tôi vừa tròn 18 tuổi, tôi tham gia Tổng khởi nghĩa 19 tháng 8 ở Hà Nội, tham gia chiếm trại “Bảo An Binh” (trên phố Hàng bài, đối diện rạp Tháng 8) những thanh niên Cứu Quốc có chân trong mặt trận Việt Minh được phát súng, vừa lấy được trong trại. Lần đầu tiên được cầm khẩu súng trường dài ngoẵng, tiểu đội tôi có anh thấp đeo súng lên vai báng súng gần sát đất. Chúng tôi được tổ chức thành tiểu đội, phân đội. Cán bộ tiểu đội, phân đội do anh em bầu. Mọi sinh hoạt hậu cần được các chị buôn bán ở chợ Đồng Xuân lo cơm nước chở bằng xe tay vào ủng hộ bộ đội, rất chu đáo.
Các phân đội ở trại “Bảo An Binh” do anh Vương Thừa Vũ chỉ huy, hồi đó anh em gọi là Đại úy Vương Thừa Vũ, chúng tôi đi đón đại đội Việt Mỹ từ chiến khu về, đồng chí Đàm Quang Trung dạy chúng tôi những động tác quân sự đầu tiên: Đứng nghiêm, quay phải trái, chào, lắp đạn vào súng, nhắm bắn. Ai là Việt Minh và được mặt trận giới thiệu được đặc cách tách ra, vào một đơn vị khoảng 160 người. Đơn vị này chưa có phiên hiệu. Chúng tôi hành quân đóng ở “Nông lâm đại học đường” bây giờ là trụ sở Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, được dăm ngày hành quân đến đóng ở Xuân Mai.
Ở đây chúng tôi được học tháo lắp và lau chùi súng đạn, ném lựu đạn. Một hôm có đồng chí Lê Hiến Mai, Ủy viên Chính phủ trực tiếp lãnh đạo đơn vị, tới công bố quyết định: “Đơn vị được tổng chỉ huy giao phiên hiệu “Đội vũ trang trinh sát miền Tây”, nhiệm vụ là đơn vị Tây Tiến đầu tiên đi trinh sát và tìm giặc đánh, gây phong trào cách mạng, hỗ trợ nhân dân lập chính quyền cách mạng ở miền Tây”.
Từ Xuân Mai, chúng tôi lên đường tiến về phía Tây. Đó là miền đất rộng lớn, có tầm quan trọng về chiến lược, mà chưa có phong trào cách mạng.
Những người lính Tây Tiến ngày ấy (bác Xuân Sâm đứng ngoài cùng bên trái).
Trời gần tối, chúng tôi tới thị xã Hòa Bình (nay là thành phố Hòa Bình). Nhân dân đổ ra đường đón tiếp. Đội quân đi trong tiếng pháo nổ dọc đường, tôi chỉ nhìn thấy vai và ngọn súng của những đồng chí đi trước nhấp nhô trong khói pháo và những làn sóng tiếng hô “Việt Nam độc lập muôn năm”. Quân lính Nhật (còn đóng ở đấy) ngơ ngác nhìn cảnh người Việt Nam tiễn đưa con em của mình ra trận.
Từ thị xã Hòa Bình chúng tôi đi đường núi hang Miếng. Vượt qua những con dốc có tên rất lạ tai như Tin Túc (Chân Rơi), Khoai Háy (Trâu Khóc). Trên đường gian khổ ấy, chúng tôi dừng lại các bản để vận động Phìa Tạo cung cấp lương thực và người dẫn đường, thu lượm tin tức giặc qua nhân dân. Giặc cũng nhận đươc tin chúng tôi qua hệ thống cai trị quan liêu cũ của chúng và những tin đồn.
Những tin đồn này rất có lợi cho ta như: “Lính Việt Minh đông lắm, súng to lắm”. Thực ra chúng tôi chỉ có 160 người. “Súng to” chỉ là những ống bương đựng muối vác trên vai.
Tin đồn cùng với những gì chúng đã biết về Việt Minh đánh Nhật, nay Việt Minh đã đến rất gần. Điều này làm chúng hoảng sợ. Sau nhiều ngày hành quân gian khổ, còn cách giặc khoảng 1 ngày đường, chúng tôi dừng lại lấy tin tức. Kiều bào ở Sầm Nứa cử anh Nguyễn Văn Khuông và anh Trần Văn Kính đạp xe đạp từ Sầm Nưa đến báo: Giặc vừa chạy sáng hôm 17/10/1945. Thế là đơn vị gấp rút hành quân suốt đêm trong mưa. Sáng ngày 18/10 thì đến thị xã Sầm Nứa. Vừa đói vừa rét và mệt mỏi sau cuộc hành quân, chúng tôi được kiều bào cho ăn, sưởi ấm để lấy lại sức. Kiều bào cho biết tình hình về giặc rất đầy đủ, chính xác. Lập tức ban chỉ huy tổ chức truy kích giặc do đồng chí Anh Đệ dẫn đầu, chúng tôi đến Mường Láp lúc sẩm tối ngày 20/10, khi đó quân Pháp vừa tới Mường Láp đang nghỉ xả hơi, bắt Phìa Tạo đưa con gái trong bản nhảy xòe, quân Pháp nhiều đứa ở trần uống rượu hò hét ầm ỹ.
Đội xung kích tiếp cận gặp tên lính da đen ngồi gác. Tên này chống cự, bị tiêu diệt ngay. Các tổ chiến đấu khác ném lựu đạn lên sàn nhà, hô “Xung phong” vang trời. Quân Pháp bị bất ngờ, hoảng hốt chạy tán loạn vào rừng trong đêm tối. Chúng bỏ lại hàng trăm con ngựa thồ, hàng trăm phu khuân vác, hàng đống súng đạn, điện đài, thuốc men và những đồ quân dụng khác...
Thưa bác hồi đó tương quan lực lượng rất chênh lệnh, và bài học rút ra là gì?
Thế và lực của ta và địch quả là “Châu chấu đá xe”. Trận Mường Láp xảy ra ngày 20/10/1945 khi đơn vị chúng tôi vừa 2 tháng tuổi quân, địch là đội quân nhà nghề trang bị đến tận răng với vũ khí, khí tài rất hiện đại, phục vụ lương thực thuốc men rất hùng hậu.
Vậy sao đánh thắng? Nguyên nhân sâu xa của nó là nhờ uy danh của cách mạng. Việt minh đã đánh Nhật, mà Nhật là kẻ đã đánh chúng phải chạy tan tác.
Thứ hai là tinh thần chiến đấu tiến công rất cao của cán bộ chiến sỹ. Đã vượt qua cuộc hành quân rất gian khổ, gặp giặc thì đánh giặc với tinh thần chiến đấu tiến công rất cao.
Thứ ba là các đồng chí chỉ huy đã tỏ ra xuất sắc, dù cũng chỉ mới hai tháng tuổi quân. Trận đánh Mường Láp là một trận tập kích. Tập kích mà có đầy đủ yếu tố bất ngờ thì xưa nay bao giờ cũng thắng dù đối phương là kẻ địch mạnh.
Các đồng chí chỉ huy nắm rất chắc tình hình địch, nhờ kiều bào cung cấp. Ngược lại địch chỉ dựa vào tin tức từ hệ thống cai trị quan liêu tay sai cũ và những tin đồn. Ta có tốc độ vận động cao hơn 2 lần địch. Ta chỉ mất 35 giờ trong khi địch mất 4 ngày từ Sầm Nứa đến Mường Láp.
Tốc độ vận động cao đã tạo ra yếu tố bất ngờ chiến thuật cho trận đánh. Trong trận này các đồng chí chỉ huy đã tỏ ra thực hiện tốt những nguyên tắc chiến thuật kinh điển, có lẽ là do tinh thần chiến đấu tiến công mà tìm ra được.
Đơn vị cũng đã làm tốt việc ngoại giao, dân vận, đã thể thiện tinh thần đoàn kết quốc tế với cách mạng Lào. Đã để lại cho bạn nhiều súng đạn, quân dụng, chiến lợi phẩm, giúp bạn xây dựng lực lượng vũ trang.
Đội vũ trang trinh sát miền Tây sau gọi là Tây Tiến 1. Nhiều đơn vị khác sau khi hoàn thành nhiệm vụ kìm chân giặc ở thủ đô lần lượt chuyển lên mặt trận miền Tây. Đó là những đơn vị Tây Tiến 2 ( theo cách gọi của đồng chí Lê Hiến Mai).
Năm 1947, Tây Tiến 1 họp lại với Tây Tiến 2 lập thành trung đoàn 52 Tây Tiến. Lúc này tôi là chính trị viên đại đội 135 Tiểu đoàn 60 của Trung đoàn. Đồng chí Lê Duy làm Đại đội trưởng và đồng chí Kim Tuấn làm đại đội phó.
Trung đoàn 52 Tây Tiến tiếp tục chiến đấu trên mặt trận miền Tây đầy gian khổ. Đã xây dựng được cơ sở cách mạng ở vung đất rộng lớn này. Đã thực hiện được chiến tranh nhân dân. Đánh hàng trăm trận làm cho địch khốn đốn. Năm 1950, Trung đoàn về trong đội hình Sư đoàn 320.
Trận đánh Mường Láp ngày 20/10/1945 là một nét son của tình hữu nghị Việt- Lào, là một điểm sáng trong lịch sử quân tình nguyện Việt Nam ở Lào.
Xin cảm ơn bác về cuộc trò chuyện thú vị này!
Nguyễn Phú Cương (thực hiện)