Quảng Trị:
Khánh thành công trình tượng đài Hoài niệm
(Dân trí) - Ngày 30/1, tại Trung tâm Phát triển Du lịch Hoài niệm Việt Nam, thị xã Quảng Trị, Quỹ Hòa Bình và Phát triển Việt Nam tổ chức lễ khánh thành công trình tượng đài Hoài niệm nhân kỷ niệm 40 năm Hiệp định Paris được ký kết, hòa bình được lập lại ở Việt Nam.
Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình cùng lãnh đạo Trung ương và địa phương cắt băng khánh thành tượng đài Hoài niệm
Đến dự lễ khánh thành có bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Quỹ Hòa bình và Phát triển; Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Chủ tịch danh dự Quỹ Hoài niệm; ông Hồ Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch; Thiếu tướng Phan Khắc Hải, nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin, Phó Chủ tịch Thường trực Quỹ Hòa bình và Phát triển và các lãnh đạo tỉnh Quảng Trị.
Công trình Tượng đài Hoài niệm được khởi công xây dựng tại Trung tâm Phát triển Du lịch Hoài niệm Việt Nam, thị xã Quảng Trị vào ngày 1/5/2012. Tượng đài Hoài niệm được làm bằng chất liệu đá rubi đỏ nguyên khối, có bố cục hình tượng trung tâm là mảng tường Thành Cổ Quảng Trị loang lổ vết bom đạn, một tấm áo choàng rũ xuống ôm lấy thân đài. Phần còn lại của mảng tường là dải mây để từ đó bay lên những cánh chim hòa bình giữa không gian bao la. Giữa thân đài là hàng quân nối đuôi nhau, được tạc ở dạng phù điêu đi sâu vào trong tường thành. Dưới chân tường thành là lớp lớp sóng thu ba - biểu tượng của dòng sông Thạch Hãn. Mảng tường thành đầy thương tích được đặt trên một đồi nhỏ, cao 2 mét, thể hiện một nấm mồ vô danh với thảm cỏ xanh mướt. Một vòng đai đá nhỏ rộng 1 mét, cao 0,5 mét ôm trọn lấy nấm mồ, phía trên có 9 cột đồng, nâng đỡ 9 bông sen.
Công trình có tổng mức đầu tư gần 3 tỷ đồng từ nguồn đóng góp của các doanh nghiệp, đơn vị hảo tâm trong cả nước thông qua Quỹ Hòa bình và Phát triển.
Phát biểu tại buổi lễ, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình khẳng định: Quảng Trị là mảnh đất còn ghi bao dấu tích hủy diệt khủng khiếp trong hai cuộc kháng chiến vệ quốc. Đây cũng là nơi tìm về hôm nay của đồng bào, chiến sĩ cả nước, của những người yêu chuộng hòa bình và công lý trên toàn thế giới. Do đó, việc xây dựng tượng đài Hoài niệm là một việc làm cần thiết, thể hiện sự tôn vinh, tri ân những anh hùng liệt sĩ, những người có công với đất nước, những nạn nhân chiến tranh; thể hiện quá khứ đấu tranh hào hùng của dân tộc; thành tâm hướng tới tương lai, mong cho đất nước hòa bình, thịnh vượng, cho nhân loại không còn chiến tranh, đoàn kết hữu nghị, hợp tác, văn minh.
Cũng nhân dịp này, Qũy Hòa Bình và Phát triển đã tặng 50 suất qùa cho các gia đình, đối tượng chính sách trên địa bàn và trẻ em đang được nuôi dạy tại Trung tâm bảo trợ tỉnh.
Tượng đài Hoài Niệm mang thông điệp hòa bình Ý tưởng Hoài Niệm là của Thượng tướng, Viện sỹ Nguyễn Huy Hiệu, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Anh hùng Lực lượng vũ trang, Chủ tịch danh dự Quỹ Phát triển du lịch Hoài Niệm tỉnh Quảng Trị. “Tượng đài Hoài Niệm không chỉ có giá trị nghệ thuật, mà còn mang ý nghĩa nhân văn cao cả, đó là khát vọng hòa bình, tự do của dân tộc Việt Nam, khép lại quá khứ, hướng về tương lai, xóa bỏ hận thù dân tộc, xóa bỏ nỗi đau chia cắt, vun đắp khối đại đoàn kết dân tộc cùng chung tay xây dựng đất nước ta “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” như Bác Hồ hằng mong muốn. Tượng đài Hoài Niệm không chỉ cho chúng ta mà còn cho cả phía bên kia. Vì họ cũng là nạn nhân của cuộc chiến tranh do chính quyền của Mỹ và tay sai gây ra trong thời điểm lịch sử đó. Phía bên kia khi đặt chân đến đây họ thấy tội ác đã gây ra cho nhân dân Việt Nam. Từ đó họ có ý thức đấu tranh bảo vệ hòa bình bền vững. Đây sẽ là địa chỉ văn hóa, tâm linh của đồng bào, chiến sỹ của cả nước và bạn bè quốc tế. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, tỉnh Quảng Trị là một trong những nơi đụng đầu lịch sử giữa lực lượng cách mạng chính nghĩa và lực lượng phản cách mạng. Quảng Trị cũng là nơi chứng kiến nỗi đau chia cắt đất nước ta ròng rã 20 năm trời. Cuộc chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị của quân dân ta với 81 ngày đêm khói lửa trong mùa hè 1972 là một trong những trận đánh khốc liệt nhất của lịch sử giữ nước của dân tộc ta. Hiện nay, trên mảnh đất này có khoảng 60.000 liệt sĩ ở hầu khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước đang yên nghỉ tại các nghĩa trang liệt sĩ ở Quảng Trị, trong đó có hai nghĩa trang cấp quốc gia là Nghĩa trang Trường Sơn và Nghĩa trang Đường 9. Do đó, việc xây dựng Tượng đài Hoài Niệm là một việc làm cần thiết, thể hiện sự tôn vinh, tri ân những anh hùng, liệt sĩ, những người có công với nước và những nạn nhân chiến tranh. Tượng đài Hoài Niệm sẽ là nơi hoài niệm về quá khứ hào hùng, bi tráng của dân tộc ta trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc; thành tâm hướng tới tương lai, cầu nguyện cho đất nước hòa bình, thịnh vượng, cho nhân loại không còn chiến tranh, chỉ có đối thoại, hữu nghị, hợp tác và văn minh. Ngoài ra, Tượng đài Hoài Niệm còn là một công trình kiến trúc nghệ thuật điêu khắc giàu ý nghĩa nhân văn tại thị xã Quảng Trị, góp phần giáo dục truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” cho thế hệ hôm nay và mai sau ”- Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu nhấn mạnh. Vũ Văn Tiến (ghi) |