Khai mạc Hội nghị Ngoại giao lần thứ 28
Hội nghị Ngoại giao lần thứ 28 với chủ đề “Ngoại giao chủ động, tích cực hội nhập quốc tế” đã chính thức khai mạc sáng nay (16/12) tại Hà Nội.
Hội nghị Ngoại giao lần thứ 28 diễn ra từ 16-20/12. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Hội nghị sẽ tập trung đánh giá những diễn biến mới của tình hình thế giới, khu vực trong 2 năm qua, dự báo triển vọng, những cơ hội, thách thức đối với Việt Nam trong 2 năm tới.
Các đại biểu sẽ đề xuất, kiến nghị các định hướng, giải pháp quan trọng nhằm tiếp tục thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ đối ngoại mà Đại hội Đảng XI đã đề ra, đồng thời đóng góp các ý kiến chuẩn bị cho Đại hội Đảng lần thứ XII.
Hội nghị cũng sẽ bàn việc đẩy mạnh công tác xây dựng ngành, trọng tâm là nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ ngoại giao chuyên nghiệp, có đủ phẩm chất và năng lực, đáp ứng được những yêu cầu, nhiệm vụ của hội nhập quốc tế toàn diện.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh phát biểu khai mạc Hội nghị Ngoại giao lần thứ 28. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Trên bình diện quốc tế và khu vực, cuộc khủng hoảng tài chính, nợ công, cạnh tranh quyết liệt, tác động rất lớn đến nước ta, song đất nước đã đạt được những kết quả quan trọng về kinh tế-xã hội. Hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn nhưng tình hình tiếp tục diễn biến phức tạp như xung đột vũ trang, tranh chấp tài nguyên, chủ quyền lãnh thổ, biển đảo, xung đột sắc tộc, tôn giáo… tiếp tục gia tăng.
Cục diện đa cực thế giới ngày càng rõ nét, cùng với đó là thách thức an ninh phi truyền thống, đặc biệt là thiên tai, an ninh mạng...
Kể từ sau Hội nghị Ngoại giao 27 (năm 2011), đất nước ta tiếp tục đạt được những thành tựu quan trọng trong việc triển khai đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng XI, góp phần giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, bảo vệ vững chắc chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, an ninh quốc gia.
Quan hệ với các đối tác quan trọng, các nước lớn đi vào chiều sâu, ổn định, hiệu quả. Năm 2013, Việt Nam đã thiết lập thêm 5 quan hệ đối tác chiến lược và 2 đối tác toàn diện, đưa tổng số đối tác chiến lược lên 13 nước và đối tác toàn diện lên 11 nước, trong đó có tất cả 5 nước Ủy viên Thường trực Hội đồng Bảo an LHQ.
Việt Nam cũng đã đạt được những thành tựu quan trọng trong các lĩnh vực: Thu hút FDI và ODA; tham gia đàm phán 6 Hiệp định Thương mại tự do; thêm 14 nước công nhận Việt Nam có quy chế kinh tế thị trường...
Tại các diễn đàn đa phương, Việt Nam tích cực, chủ động đóng góp vào những công việc chung của LHQ, ASEAN, APEC, ASEM; trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền LHQ với số phiếu cao nhất, được bầu làm Chủ tịch Hội đồng Thống đốc IAEA, thành viên Ủy ban Di sản thế giới của UNESCO...
Theo Hải Minh
Chinhphu.vn