"Hòa bình, an ninh ở Biển Đông đang bị đe dọa nghiêm trọng"

(Dân trí) - Bất chấp sự phản đối của Việt Nam và cộng đồng quốc tế, Trung Quốc đã có hành động xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, thúc đẩy quân sự hóa ở Biển Đông, làm phá vỡ nguyên trạng ở khu vực này - Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình khẳng định.

Tất cả các câu hỏi của phóng viên tại cuộc họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao chiều ngày 25/2 đều tập trung vào những căng thẳng đang gia tăng tại Biển Đông trong thời gian gần đây.

Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình (Ảnh: Hữu Nghị)
Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình (Ảnh: Hữu Nghị)

Xin Bộ Ngoại giao cho biết phản ứng của Việt Nam trước việc Trung Quốc vừa qua đã đưa chiến đấu cơ, tên lửa ra quần đảo Hoàng Sa cũng như lắp đặt radar cao tần tại Trường Sa?

Chủ quyền của Việt Nam với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là không thể tranh cãi. Bất chấp sự phản đối và quan ngại của Việt Nam và cộng đồng quốc tế, Trung Quốc không chỉ có hành động xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, thúc đẩy quân sự hóa ở Biển Đông mà còn đe dọa đến hòa bình, an ninh, an toàn tự do hàng hải ở Biển Đông.

Chúng tôi kiên quyết phản đối những hành động xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam và yêu cầu Trung Quốc có những lời nói, hành động trách nhiệm, mang tính xây dựng trong việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh ở khu vực, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên Hợp quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS 1982), cũng như Tuyên bố Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).

Ông đánh giá thế nào về mức độ nghiêm trọng của những động thái mà Trung Quốc thực hiện gần đây tại Biển Đông như đưa tên lửa, chiến đấu cơ và lắp đặt radar so với những hành động Bắc Kinh triển khai trước đó tại khu vực này?

Những diễn biến gần đây trong khu vực quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa cho thấy nguyên trạng khu vực đang bị phá vỡ, đáng lo ngại hơn là tình trạng quân sự hóa ở Biển Đông. Chúng tôi cho rằng đây là những hành động hết sức đáng lo ngại, ảnh hưởng đến hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không ở khu vực.

Với các động thái làm tình hình Biển Đông trở nên phức tạp hơn như vừa qua, Trung Quốc đang thay đổi cục diện và cán cân quyền lực ở khu vực này. Một trong những cách phản ứng của Mỹ là tuần tra trên Biển Đông và kêu gọi các đồng minh tham gia. Việt Nam cân nhắc thế nào về việc tham gia này?

Trung Quốc xây căn cứ nghi là kho chứa vũ khí ở đảo Phú Lâm thuộc Hoàng Sa của Việt Nam. (Ảnh: Stratfor)
Trung Quốc xây căn cứ nghi là kho chứa vũ khí ở đảo Phú Lâm thuộc Hoàng Sa của Việt Nam. (Ảnh: Stratfor)

Chúng tôi đã đang và sẽ tiến hành các hoạt động bình thường của mình trên những khu vực này, phù hợp với luật pháp Việt Nam và luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS 1982.

Chúng tôi cũng khẳng định những hoạt động này của các lực lượng chức năng Việt Nam luôn đóng góp cho hòa bình, ổn định ở khu vực và trên thế giới. Chúng tôi đã nhiều lần nêu rõ quan điểm của mình là Việt Nam tôn trọng quyền đi lại vô hại trong lãnh hải, được thực hiện phù hợp với quy định liên quan của luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS 1982.

Đồng thời chúng tôi đề nghị các nước đóng góp tích cực và thiết thực vào việc duy trì hòa bình ổn định ở Biển Đông, tôn trọng luật pháp quốc tế. Đường lối đối ngoại độc lập tự chủ của Việt Nam đã được các nước trong và ngoài khu vực đánh giá cao, góp phần duy trì hòa bình, ổn định khu vực.

Báo Mỹ đưa tin Mỹ có kế hoạch đưa giàn pháo di động đến Biển Đông. Xin ông cho biết bình luận của Việt Nam về điều này?

Việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không ở Biển Đông là lợi ích chung của tất cả các nước trong và ngoài khu vực. Vì vậy, chúng tôi mong muốn các bên có hành động trách nhiệm và mang tính xây dựng trong việc duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông và khu vực, trên cơ sở tôn trọng Hiến chương Liên Hợp quốc luật pháp quốc tế, nhất là dựa trên UNCLOS 1982.

Việt Nam sẽ nêu vấn đề Biển Đông thế nào tại Hội nghị Ngoại trưởng hẹp ASEAN (AMM Retreat) sẽ diễn ra tại Lào sắp tới?

Các vấn đề quốc tế và khu vực mà các nước ASEAN quan tâm sẽ được nêu tại hội nghị. Bất kỳ vấn đề nào đe dọa đến hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông cũng sẽ được nêu. Như tôi đã đã nói, các diễn biến gần đây cho thấy hòa bình, an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông đang bị đe dọa nghiêm trọng.

Fox News ngày 16/2 đưa tin, trích dẫn các bức ảnh vệ tinh của hãng ImageSat International cho hay Trung Quốc đã triển khai 2 khẩu đội tên lửa đất đối không HQ-9 tại đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam giữa lúc Tổng thống Mỹ Barack Obama nhóm họp với các lãnh đạo ASEAN tại Sunnylands và kêu gọi ngừng quân sự hóa Biển Đông.

Động thái triển khai tên lửa đến Hoàng Sa của Trung Quốc tiếp tục vấp phải sự chỉ trích của cộng đồng quốc tế, trong đó có Mỹ và Nhật Bản.

Sau đó, Bắc Kinh lại bao biện trắng trợn rằng họ triển khai quân sự ở Biển Đông không khác gì việc Mỹ triển khai quân sự ở Hawaii và cảnh báo: “Mỹ không nên tham gia vào tranh chấp Biển Đông, và điều này không phải và không nên trở thành vấn đề giữa Trung Quốc và Mỹ”. Tuy nhiên, Nhà Trắng đã thẳng thừng bác bỏ so sánh này của phía Trung Quốc bởi lẽ “không có quốc gia nào ngoài Mỹ tuyên bố chủ quyền ở Hawaii.

Trong một động thái tiếp tục làm gia tăng căng thẳng ở Biển Đông, Trung Quốc đã triển khai các máy bay chiến đấu đến đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Tình báo Mỹ đã phát hiện máy bay chiến đấu J-11 và Xian JH-7 của Trung Quốc trên đảo Phú Lâm trong vài ngày qua.

Trong khi đó, các ảnh chụp vệ tinh của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và toàn cầu (CSIS) cho biết, Trung Quốc có thể đang triển khai trái phép một loạt hệ thống radar trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam, gồm bãi đá Châu Viên, đá Gaven, đá Tư Nghĩa và đá Gạc Ma.

Nam Hằng (ghi)